Nga và Mỹ tranh giành trở thành đối tác công nghệ vũ trụ với Brazil

Mỹ và Nga đang tìm cách tranh giành ảnh hưởng trong kế hoạch phóng vệ tinh thương mại với Brazil từ một trung tâm vụ trụ của nước Nam Mỹ đặt tại đường xích đạo.
Ảnh minh họa. (Nguồn: ESA/CNES)

Ngày 15/6, báo chí Brazil đưa tin Mỹ và Nga đang tìm cách tranh giành ảnh hưởng trong kế hoạch phóng vệ tinh thương mại với Brazil từ một trung tâm vũ trụ của nước Nam Mỹ này đặt tại đường xích đạo.

Hiện Chính phủ Brazil đang xem xét chọn đối tác cung cấp công nghệ thực hiện kế hoạch nói trên trong những tháng tới đây.

Trước đây, Brazil đã thỏa thuận với Ukraine để sản xuất vệ tinh và xây dựng bệ phóng tại căn cứ Alcantara, bên bờ biển phía Bắc Đại Tây Dương. Tuy nhiên, tháng 2 vừa qua, Brazil đã chấm dứt triển khai dự án này do phía Ukraine không đủ kinh phí thực hiện.

Theo một số nguồn tin muốn giấu tên, Tổng thống Dilma Rousseff sẽ chọn đối tác mới dựa trên các tiêu chí như quan hệ ngoại giao và chất lượng công nghệ.

Nguồn tin của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng như Brazil cho biết kế hoạch này hiện tại không có trong chương trình nghị sự của bà Rousseff trong chuyến thăm Nhà Trắng vào ngày 30/6 tới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng chuyến thăm có thể ảnh hưởng tới quyết định này.

Quan hệ giữa Washington và Brasilia trở nên căng thẳng từ cách đây 2 năm sau vụ tình báo Mỹ tiến hành do thám các hoạt động của người đứng đầu nước Nam Mỹ hồi tháng 9/2013 và Washington không có câu trả lời thỏa đáng về vấn đề này.

Nằm trên đường xích đạo, Alcantara là căn cứ hấp dẫn với các đối tác bởi các vệ tinh có thể tới địa điểm dự định nhanh nhất có thể, giảm tới 1/5 chi phí nhiên liệu so với các điểm phóng khác.

Trong thỏa thuận trước đây với Ukraine, nước này sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất tên lửa Cyclone-4 cho Brazil, đồng thời xây dựng bệ phóng. Bộ trưởng Quốc phòng Brazil Jaques Wagner từng tuyên bố sẽ hợp tác với bất kỳ nước nào, thậm chí cả Mỹ, để phóng vệ tinh.

Năm 2003, Brazil cũng đã phóng một vệ tinh do nước này sản xuất tại Alcantara, tuy nhiên vụ phóng đã thất bại, khiến 21 người thiệt mạng. Từ đó, Brazil từ bỏ kế hoạch tự sản xuất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục