Thị trường đã có tuần giao dịch nhiều cảm xúc. Phiên đầu tuần, VN-Index điều chỉnh giảm điểm mạnh từ 1.042,6 điểm xuống 1.023,1 điểm, tuy nhiên sau đó đã phục hồi trong các phiên kế tiếp.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giữ được mức tăng nhẹ 0,20% so với tuần trước và đóng cửa tại 1.046,79 điểm.
Kỳ vọng lãi suất chạm đỉnh
Cụ thể, ông Nguyễn Khắc Thành, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội cho biết mức thanh khoản trên sàn HoSE mặc dù suy giảm 15% so với tuần trước đó, song giá trị giao dịch vẫn đạt 43.927 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài tăng cường giao dịch và duy trì mua ròng đạt 384,32 tỷ đồng trên sàn HoSE và 40,88 tỷ đồng tại sàn HNX.
[Chứng khoán phiên 24/3: Cổ phiếu bất động sản đồng loạt tăng mạnh]
“Điểm nhấn trong tuần là tin tức Cục dự trữ liên bang Mỹ-FED quyết định tăng lãi suất 0,25% trong ngày 22/3 và dự kiến tăng thêm một lần nữa trong, sau đó sẽ điều chỉnh giảm dần. Trên cơ sở đó, thị trường chứng khoán trong nước đã phản ứng khá tích cực với kỳ vọng lãi suất đã đạt đỉnh,” ông Thành nói.
Theo ghi nhận từ Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội về diễn biến thị trường trong tuần qua, nhóm dịch vụ tài chính tiếp tục tăng điểm tích cực với thanh khoản cải thiện, xuất phát từ sự kỳ vọng dòng tiền sẽ quay lại thị trường chứng khoán khi lãi suất đang đạt đỉnh, cụ thể mã CTS (+7,58%), FTS (+5,61%), VCI (+5,43%), MBS (+4,38%), HCM (+3,16%)...
Bên cạnh đó, nhóm bất động sản cũng có diễn biến phục hồi, như VHM (+13,03% ) với thông tin chuyển nhượng dự án giá trị lớn. Hay, thông tin NVL đã thỏa thuận được các gia hạn đáo hạn trái phiếu và cổ đông công ty thông qua các kế hoạch tăng vốn. Những yếu tố trên đã dẫn dắt nhóm bất động sản phục hồi, trong đó CEO (+5,85%), NLG (+4,40%), NVL (3,48%), HDC (+2,64%)...
Diễn biến thị trường trong tuần theo nhóm ngành:
Tuy nhiên, nhóm ngân hàng có diễn biến phân hóa trong tuần với các mã tăng điểm tích cực nhờ có thông tin bán vốn, thoái vốn như VPB (+7,36%), LPB (+4,03%), PGB (+2,13%)... ngược lại các mã giảm điểm là HDB (-2,43%), EIB (-2,30%), CTG (-1,72%)…
Xu hướng tích lũy
Ông Thành phân tích tuần qua, VN-Index tăng điểm rất nhẹ, gần như đi ngang và cho thấy đang có xu hướng tích lũy. Nhưng trong ngắn hạn, VN-Index chưa thể tăng trở lại trong bối cảnh thanh khoản toàn thị trường tiếp tục cạn kiệt.
Xét trên góc nhìn kỹ thuật, ông Thành cho rằng VN-Index đang hướng tới khu vực cân bằng để tích lũy trung hạn với biên độ hẹp và khối lượng giao dịch thấp. Chỉ số chính của thị trường đang nỗ lực duy trì được vận động trên đường trung bình 20 ngày (MA20), đó đó khả năng hồi phục ngắn hạn hy hữu có thể xả ra song khả năng đi xuống kéo dài là nhiều hơn.
Về phân tích cơ bản, thông tin tích cực tuần qua là mức lãi suất tại Việt Nam đang có xu hướng giảm trong bối cảnh FED cũng đang đi đến giai đoạn cuối của tiến trình tăng lãi suất.
“Chính phủ cũng đang tích cực đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản. Và, bối cảnh tốt-xấu đan như hiện nay, xu hướng tích lũy là hợp lý,” ông Thành nói.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết những thông tin như trên có thể hỗ trợ tâm lý của nhà đầu tư trong thời gian tới và khơi thông dòng vốn của nhà đầu tư trong nước quay trở lại thị trường chứng khoán.
Trong tuần giao dịch tới, ông Hinh cho hay thị trường chứng khoán sẽ đón nhận nhiều thông tin vĩ mô quan trọng, như tăng trưởng GDP và CPI quý 1 và một số doanh nghiệp có thể công bố số ước tính kết quả kinh doanh quý đầu của năm.
“Nhìn chung, tăng trưởng kinh tế cũng như kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết sẽ không thực sự khả quan trong quý 1 trong bối cảnh những thông tin tốt-xấu đan xen. Vì vậy, thị trường có thể duy trì xu hướng tích lũy trong ngắn hạn,” ông Hinh nói.
Ông Hinh dự báo tuần tới, VN-Index khả năng tiếp tục dao động trong biên độ hẹp từ mức 1.030 điểm-1.070 điểm. Theo đó, bối cảnh thị trường chưa hình thành xu hướng tăng rõ nét, việc mua vào và nắm giữ cổ phiếu chỉ nên thực hiện với tầm nhìn dài hạn (6 tháng - 1 năm). Vì vậy, việc quản trị danh mục đầu tư vẫn nên được ưu tiên hàng đầu, duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải và hạn chế sử dụng đòn bẩy (margin) ở giai đoạn hiện nay để kiểm soát rủi ro./.