HSBC: Tiền đồng có thể phải giảm giá thêm 2% trong năm nay

Ngân hàng HSBC: Tiền đồng có thể phải giảm giá thêm 2% trong năm nay

Các chuyên gia của HSBC đưa ra dự báo cuối năm 2015 tỷ giá USD/VND sẽ ở mức 22.800 đồng/USD và cuối năm 2016 là 23.300 đồng/USD.
Ảnh minh họa. (Nguồn: BaovietBank)

Ngày 20/8, Ngân hàng HSBC Việt Nam đã có báo cáo đánh giá về việc giảm giá tiền đồng của Ngân hàng Nhà nước. Các chuyên gia của HSBC đưa ra dự báo tiền đồng sẽ giảm giá thêm so với USD là 2% trong năm 2015 và thêm 2% nữa trong năm 2016.

Kỳ vọng tiền đồng giảm giá thêm 2%

Theo các chuyên gia của HSBC, việc giảm giá mạnh tiền đồng trong tuần qua phản ảnh những khó khăn khách quan, đang có tác động chống lại tiền đồng. Quan trọng nhất là đồng Nhân dân tệ suy yếu trong thời gian gần đây.

Chuyên gia HSBC nhấn mạnh: "Điều này cũng có nghĩa rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ phải thực hiện việc giảm giá tiền đồng thêm nữa nếu như họ muốn các doanh nghiệp xuất khẩu duy trì trì năng lực cạnh tranh với Trung Quốc. Ngoài ra, nếu như FED bắt đầu tăng lãi suất trong năm nay, tiền đồng cũng đối mặt với áp lực đồng tiền xuất ngoại thêm nữa."

Ngân hàng Nhà nước rõ ràng có nguồn dự trữ ngoại tệ mà họ có thể sử dụng để duy trì ngoại tệ ổn định. Nếu như tỷ lệ dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước được sử dụng nhằm cấp vốn cho các dự án Chính phủ, điều này sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước thiếu cơ sở để giúp họ thực hiện cam kết của mình.

Cũng theo HSBC, nền kinh tế Việt Nam thực sự là một trong những điểm sáng trong khu vực châu Á. Nhu cầu nội địa đã hồi phục và cán cân thanh toán cân bằng hơn cộng với mức độ lạm phát thấp và lãi suất thực tế khá cao cho phép các chính sách tỷ giá trở nên linh động hơn trong khả năng kiểm soát nhu cầu USD. Ngoài ra, nợ nước ngoài của Việt Nam cao hạn chế cơ hội cho Ngân hàng Nhà nước phá giá tiền đồng quá nhanh.

"Chính vì vậy, chúng tôi quyết định chỉnh sửa dự báo của mình và hiện nay chúng tôi kỳ vọng tiền đồng sẽ giảm giá thêm so với USD là 2% trong năm 2015 và thêm 2% nữa trong năm 2016. Dự báo cuối năm 2015 tỷ giá USD/VND sẽ ở mức 22.800 đồng/USD và cuối năm 2016 là 23.300 đồng/USD," chuyên gia HSBC dự báo.

Không để xuất khẩu mất cạnh tranh

Báo cáo của HSBC nhấn mạnh, Việt Nam trong thời gian gần đây đã thể hiện là một trong vài nền kinh tế châu Á có số liệu xuất khẩu mạnh mẽ. Việt Nam có thể tận dụng lợi thế cạnh tranh nhiều lao động trong hoạt động sản xuất để đạt được thị phần và tích cực tham gia vào các th​ỏa thuận thương mại tự do. Mặt hàng sản xuất và linh kiện sản xuất đã trở thành nguồn đóng góp chính cho hoạt động xuất khẩu nói chung, đặc biệt là trong những năm gần đây. Hơn nữa, Việt Nam nằm ngoài sự ảnh hưởng nặng nề bởi các chu kỳ hàng h​óa mà các nước láng giềng Đông Nam Á đang gặp phải.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện đang có mức thâm hụt thương mại lớn vì nhập khẩu một lượng lớn hàng hoá để đầu tư, đặc biệt là thâm hụt song phương với Trung Quốc. Trung Quốc chiếm khoảng 10% xuất khẩu của Việt Nam nhưng lại chiếm 30% trong lượng hàng nhập khẩu, một tỷ lệ ngày càng phát triển có lợi cho Trung Quốc.

Hơn nữa, hàng hóa Việt Nam đang cạnh tranh ngày càng mạnh với Trung Quốc tại các thị trường quốc tế và có một mức độ cạnh tranh tương đương với Trung Quốc ở các ngành công nghiệp non trẻ mà Việt Nam đang cố gắng phát triển, chủ yếu là sản xuất ôtô và đóng tàu.

"Mặc dù vậy chúng tôi tin tưởng vào các nhà hoạch định chính sách rất nhạy cảm với áp lực cạnh tranh từ Trung Quốc và cảnh giác với bất kỳ tổn thất từ công cụ tăng trưởng quan trọng này," chuyên gia của HSBC nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia HSBC, việc mất giá tiền đồng và nới rộng biên độ giao dịch của Ngân hàng Nhà nước không chỉ dành riêng cho hoạt động xuất khẩu. Động thái này một phần nhằm điều chỉnh với biến động trong tương lai khi FED dự kiến tăng lãi suất vào đầu tháng Chín.

Chuyên gia HSBC cũng đưa ra dự báo, tiền đồng mất giá thêm 1% trong ngày 19/8 cộng với mức phá giá tiền đồng thêm 2% trong năm nay (dự báo của HSBC) sẽ không tạo ra nhiều áp lực lên hệ thống tài chính trong nước trong bối cảnh mức nợ nước ngoài ngắn hạn khá nhỏ và có thể kiểm soát được (Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ nợ ngắn hạn thấp thứ ba trong khu vực châu Á, mặc dù tổng số nợ nước ngoài đã tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây).

Các chuyên gia này khuyến cáo, cần đảm bảo rằng xuất khẩu của Việt Nam không bị mất khả năng cạnh tranh so với các nước láng giềng trong khu vực. Điều đó cho thấy, Việt Nam không có giảm giá tiền đồng của mình một cách độc lập để hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu khi Việt Nam tuyên bố một lợi thế thương mại cơ bản dựa trên chi phí lao động thấp, phát triển cơ sở hạ tầng và việc tích cực tham gia của các hiệp định thương mại tự do của Chính phủ (Hàn Quốc, TPP, Cộng đồng kinh tế A​SEAN-AEC…).

"Theo đó, bất kỳ sự mất giá tiền đồng hơn nữa trong năm nay có thể chỉ phản ánh của các yếu tố ngoại sinh," báo cáo nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục