Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5 của Ngân hàng Nhà nước tổ chức chiều 28/5, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã giải đáp các thắc mắc của báo giới xung quanh vấn đề tỷ giá, vàng, xử lý nợ xấu do Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua, tăng trưởng tín dụng, nhà cho người thu nhập thấp…
"Hơi bất thường"
Trước những biến động của tình hình Biển Đông, khoảng ba tuần qua giá vàng đã có những biến động mạnh, có thời điểm đã lên đến 37,45 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, khoảng một tuần trở lại đây giá vàng trong nước tương đối ổn định niêm yết ở mức 36,5-36,7 triệu đồng/lượng. Sự ổn định này khiến chênh lệch giá so với thế giới giãn rộng ra đến hơn 4 triệu đồng/lượng.
Những biến động này đã nhận được sự quan tâm của báo chí tại buổi hợp báo. Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối thừa nhận, từ giữa tháng 5, thị trường vàng trong nước có biểu hiện “hơi bất thường” vì trong khi giá vàng thế giới gần như không thay đổi, giá trong nước lại có bước tăng khá mạnh.
Trước những câu hỏi của phóng viên về việc Ngân hàng Nhà nước có tổ chức đấu thấu vàng hay không khi giá vàng trong nước diễn biến bất thường trên thị trường, ông Nguyễn Quang Huy nhận định, dù chênh lệch giá trong nước với thế giới có cao hơn, nhưng về cơ bản cung-cầu trên thị trường trong nước vẫn cân bằng. Khi thị trường tự cân bằng được, Ngân hàng Nhà nước chưa phải trực tiếp can thiệp bằng đấu thầu.
Lãnh đạo Vụ Quản lý ngoại hối khẳng định, Ngân hàng Nhà nước luôn bám sát tình hình thị trường, sẵn sàng can thiệp và đủ nguồn lực để can thiệp. Quyết định can thiệp chỉ đưa ra khi thị trường có bất ổn hoặc không tự cân bằng được. Trong tình huống đó, thời điểm tổ chức đấu thầu, theo các bước triển khai trước đây, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thông báo cụ thể.
Đã mua 6.300 tỷ đồng nợ xấu
Liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu, Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Hữu Nghĩa đã trả lời câu hỏi về hiệu quả của Thông tư 09 và hoạt động của VAMC trong thời gian qua.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ đầu năm đến nay, VAMC đã mua được 6.300 tỷ đồng nợ xấu và tính từ trước đến nay Công ty này đã tổng cộng là 45.650 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, việc xử lý nợ xấu bằng các giải pháp khác như các tổ chức tín dụng đôn đốc thu hồi nợ của khách hàng, xử lý phát mại tài sản bảo đảm, dùng dự phòng rủi ro xử lý các món nợ xấu theo pháp luật… cũng đã mang lại những kết quả tích cực.
“Với các biện pháp này, các tổ chức tín dụng triển khai xử lý nợ xấu đạt khoảng 10.000 tỷ đồng, thể hiện sự nỗ lực của các tổ chức tín dụng trong bối cảnh môi trường kinh doanh đang cải thiện, nhưng chưa có sự thay đổi về cơ bản, đặc biệt, thị trường bất động sản phục hồi rất chậm chạp nên xử lý nợ xấu ngày càng khó khăn,” ông Nghĩa nói.
Liên quan đến vấn đề VAMC có vẻ như chậm lại trong việc mua lại nợ xấu, ông Nghĩa cho biết, nguyên nhân một phần do Ngân hàng Nhà nước thực hiện phê duyệt phương án phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu chậm hơn so với dự kiến...
Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước khẳng định, thời gian tới VAMC có thể mua nợ xấu nhanh hơn vì hiện hồ sơ VAMC nhận được từ các tổ chức tín dụng muốn bán nợ là hơn 30.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, mục tiêu VAMC mua 70.000-100.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2014 là có thể đạt được.
Bên cạnh đó, Công ty này cũng đang tích cực xây dựng phương án, giải pháp để thực hiện xử lý các khoản nợ xấu đã mua trong thời gian qua, xây dựng và trình Ngân hàng Nhà nước cơ chế mua nợ xấu theo giá thị trường.
5.000 người được vay gói 30.000 tỷ đồng
Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến nay, đã có gần 5.000 khách hàng cá nhân ký hợp đồng tín dụng với các ngân hàng vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.
"Đây là kết quả rất khá và quan trọng hơn, giá thị trường đã được kéo xuống và thị trường cũng đã ấm dần lên. Tất nhiên, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng mà đòi tác động lan tỏa đến cả thị trường bất động sản rộng lớn là khó, song đã có những tác động nhất định," ông Mạnh nhấn mạnh.
Về nhận định của dư luận cho rằng việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng còn quá chậm, ông Mạnh cho hay, đúng là còn nhiều vướng mắc về thủ tục. Ngân hàng Nhà nước đang kiến nghị các địa phương và Bộ Xây dựng hành động quyết liệt để tạo nguồn cung cho thị trường.
Cũng theo thông tin của Ngân hàng Nhà nước, hiện Bộ Xây dựng đang là đầu mối đứng ra tập hợp và xử lý các vướng mắc liên quan đến gói 30.000 tỷ đồng. Về phía Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị một số giải pháp tháo gỡ gói 30.000 tỷ đồng là hạ lãi suất, kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất lên 15 năm thay vì 10 năm (đã thực hiện) và đề xuất cho phép thêm nhiều ngân hàng thương mại được giải ngân gói 30.000 tỷ đồng.
Cũng liên quan đến giải pháp vực dậy thị trường bất động sản, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay, để khắc phục vấn đề thiếu niềm tin trên thị trường bất động sản, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đã xây dựng sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà. Hiện Thống đốc đã có văn bản ủy quyền cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) làm đầu mối cùng 7 ngân hàng thương mại khác để triển khai và sắp tới sẽ đưa sản phẩm này ra thị trường./.