Ngân hàng Nhà nước: Đồng VND ổn định nhất khu vực châu Á

Ngân hàng Nhà nước cho biết, nếu so với các đồng tiền khác trong khu vực châu Á, đồng Việt Nam là một trong những đồng tiền ổn định nhất khu vực.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31/10, tỷ giá USD/VND trung tâm tăng 1,41%, tỷ giá liên ngân hàng giảm 0,22%, tỷ giá của Vietcombank giảm 0,18% so với cuối năm 2016.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, nếu so với các đồng tiền khác trong khu vực châu Á, đồng Việt Nam là một trong những đồng tiền ổn định nhất khu vực. Như vậy, thực chất VND đang giảm giá mạnh so với đồng tiền của các nước đối tác thương mại chính so với cuối năm ngoái (VND giảm giá 4,78% so với CNY, giảm 9,49% so với EUR, giảm 7,99% so với KRW, giảm 2,32% so với JPY, giảm 6,48% so với TWD, giảm 7,48% so với THB, giảm 5,67% so với SGD).

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian qua tỷ giá trung tâm được điều hành linh hoạt, kết hợp điều tiết thanh khoản tiền đồng hợp lý, theo dõi sát tình hình thanh khoản thị trường và trạng thái ngoại tệ để điều chỉnh tỷ giá mua phù hợp. Nhờ đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng, nâng mức dự trữ ngoại hối nhà nước lên khoảng 45 tỷ USD.

[Dự trữ ngoại hối tăng: Ứng phó được những biến động lớn]

Thị trường ngoại tệ, tỷ giá về cơ bản ổn định, thanh khoản thị trường tốt, hệ thống các tổ chức tín dụng mua ròng ngoại tệ từ khách hàng, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Trong 10 tháng qua, kinh tế vĩ mô trong nước và thị trường quốc tế có những diễn biến thuận lợi cho sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại tệ như: cán cân thương mại thặng dư đạt 2,56 tỷ USD (đặc biệt liên tục thặng dư ở mức cao trong ba tháng là tháng 8, 9 và tháng 10 lần lượt là 1,59 tỷ USD, 1,1 tỷ USD và 2,18 tỷ USD). Vốn FDI giải ngân ở mức cao lên tới 14,2 tỷ USD tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổ chức tín dụng mua ròng khoảng 2,5 tỷ USD từ nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, có một số giai đoạn thị trường ngoại tệ trong nước chịu tác động bất lợi từ các yếu tố như giai đoạn từ đầu tháng Hai tới giữa tháng Ba, USD thế giới tăng mạnh trước kỳ vọng Fed tăng lãi suất trong khi nhập siêu ở mức cao trong tháng Hai và tháng Ba (nhập siêu 2,04 tỷ USD trong tháng Hai và 1,1 tỷ USD trong tháng 3).

Bên cạnh đó, đồng USD cũng biến động tương đối phức tạp do chịu tác động bởi nhiều yếu tố đan xen như tình hình kinh tế Mỹ phục hồi chưa thực sự vững chắc, khủng hoảng chính trị tại Mỹ, khả năng thực hiện chính sách cải cách thuế của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump...

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt bám sát diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ đi cùng với việc điều chỉnh linh hoạt tỷ giá mua ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng trong những giai đoạn cung-cầu ngoại tệ thuận lợi để mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước. Đồng thời chủ động và linh hoạt điều tiết thanh khoản tiền VND hợp lý để hỗ trợ ổn định tỷ giá trong những giai đoạn nguồn cung kém thuận lợi và yếu tố tâm lý trước biến động trên thị trường quốc tế, qua đó góp phần giữ ổn định thị trường ngoại tệ, tỷ giá theo mục tiêu đề ra.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, tỷ giá trong 10 tháng qua nhìn chung diễn biến tương đối ổn định, tỷ giá thị trường giảm 0,24% so với cuối năm 2016; thanh khoản thị trường tốt, hệ thống các tổ chức tín dụng mua ròng ngoại tệ từ khách hàng, Ngân hàng Nhà nước mua được ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục