Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có báo cáo bổ sung tới các đại biểu Quốc hội khóa 15, kỳ họp thứ 3 về việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, trong đó cơ quan này khẳng định sẽ cứng rắn xử lý vấn đề lợi ích nhóm, cho vay các dự án BOT, BT.
Nợ xấu sẽ còn tăng
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy trong bối cảnh kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cá nhân và hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề. Theo đó doanh thu và khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn bị sụt giảm kéo theo sự suy giảm chất lượng tín dụng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Tác động của dịch bệnh COVID-19 đã và đang đặt ra thách thức rất lớn đối với việc kiểm soát nợ xấu và an toàn hoạt động ngân hàng trong thời gian tới.
[Chính phủ đồng ý kéo dài thời gian thí điểm xử lý nợ xấu]
Mặc dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn đang được kiểm soát dưới mức 2%, tuy nhiên những khó khăn của nền kinh tế cũng như của doanh nghiệp, người dân có thể sẽ bộc lộ rõ nét hơn trong thời gian tới, khi đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng dự báo sẽ tiếp tục tăng.
Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của khách hàng, dẫn đến kết quả xử lý nợ xấu thông qua hình thức khách hàng trả nợ và xử lý tài sản đảm bảo, đặc biệt là tài sản bằng bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế chưa phục hồi.
Ngoài tác động làm suy giảm chất lượng tài sản, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp còn có nguy cơ làm suy giảm mức độ an toàn vốn cũng như kết quả kinh doanh của các tổ chức tín dụng khi các tổ chức tín dụng phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, mặc dù trong thời gian gần đây, kết quả kinh doanh của hệ thống các tổ chức tín dụng được cải thiện, song kết quả này có được chủ yếu là do các tổ chức tín dụng nỗ lực tiết giảm chi phí, đẩy mạnh tăng trưởng từ các mảng hoạt động dịch vụ. Hoạt động tín dụng hiện vẫn là hoạt động mang lại nguồn thu chủ yếu cho các tổ chức tín dụng song sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 vào cuối năm 2019 đã làm giảm tốc độ tăng trưởng thu nhập từ lãi của các tổ chức tín dụng trong thời gian gần đây.
Trong bối cảnh đó, dự báo tổ chức tín dụng có thể gặp khó khăn trong việc xử lý các khoản nợ xấu nói chung, nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 nói riêng và dự kiến nợ xấu của ngành ngân hàng có thể gia tăng trong thời gian tới.
Tập trung xử lý sở hữu chéo, cho vay BOT
Tại báo cáo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, những năm qua cùng với quá trình thực hiện tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quan tâm xem xét, nhận diện và có giải pháp kiểm soát, quyết liệt xử lý vấn đề sở hữu chéo, vi phạm sở hữu cổ phần gắn với quá trình cơ cấu lại từng tổ chức tín dụng.
Ngành ngân hàng cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, cung cấp hồ sơ, tài liệu phục vụ cho quá trình điều tra, tố tụng để xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật...
Theo đó, sở hữu của các tổ chức tín dụng đã minh bạch và đại chúng hơn; tình trạng các nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng được hạn chế và được kiểm soát; tình trạng lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chi phối, cố ý làm trái, sử dụng trái phép tài sản, vay vốn với quy mô lớn dẫn đến rủi ro cho ngân hàng của các cổ đông lớn, cán bộ lãnh đạo các tổ chức tín dụng đã từng bước giảm dần; các tổ chức tín dụng đã tích cực đẩy nhanh tiến độ xử lý các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo thông qua chuyển nhượng, thoái vốn, sáp nhập, hợp nhất, mua lại…
Đến nay, số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau về cơ bản đã khắc phục (tại thời điểm cuối năm 2012 có 7 cặp); sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp chỉ còn lại 1 cặp (tại thời điểm tháng 6/2012 có 56 cặp).
Tuy nhiên, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, trên thực tế việc xử lý vấn đề sở hữu vượt mức quy định và sở hữu chéo vẫn rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che dấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật về sở hữu chéo/sở hữu vượt mức quy định. Điều này dẫn tới việc tổ chức tín dụng có thể bị thao túng, chi phối bởi các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tổ chức tín dụng thiếu công khai, minh bạch đồng thời, việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.
Riêng đối với các dự án BOT, BT giao thông, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ kiểm soát chặt chẽ mức độ tập trung tín dụng vào lĩnh vực này để hạn chế rủi ro thanh khoản.
Ngành ngân hàng cũng nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng, sàng lọc các dự án BOT, BT hiệu quả, khả thi, có khả năng thu hồi vốn cao, mức độ rủi ro thấp, các dự án thực hiện tốt quy định của pháp luật về đấu thầu, đầu tư và xây dựng. Không xem xét các dự án có thủ tục pháp lý không đầy đủ, không đủ điều kiện vay vốn theo quy định.
Bên cạnh đó, kiểm soát tốt chất lượng tín dụng tiêu dùng, nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn đề hạn chế rủi ro phát sinh; giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, cũng là giải pháp được ngàng ngân hàng báo cáo Quốc hội.
Giải pháp tiếp theo liên quan đến lãi dự thu cũng được Ngân hàng Nhà nước chú trọng trong báo cáo gửi các đạo biểu Quốc hội. Ngân hàng Nhà nước xác định thực hiện dự thu lãi phù hợp với thực trạng các khoản nợ đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật để phản ánh đúng kết quả hoạt động kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ thường xuyên rà soát tình hình thực tế của các khoản nợ đang dự thu lãi, đặc biệt, các khoản có lãi dự thu lớn để kịp thời thực hiện thoái lãi dự thu đối với các trường hợp khó có khả năng thu hồi. Thực hiện thoái các khoản lãi dự thu theo quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng xác định tăng cường công tác phối hợp, trao đổi cho các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an thông tin về tình hình nợ xấu và xử lý nợ xấu cũng như các dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu để lực lượng công an có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu hậu quả, thiệt hại xảy ra./.