Tại cuộc họp của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia được tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã lưu ý các Bộ, ngành nghiên cứu dỡ bỏ trần lãi suất huy động dưới 6 tháng.
Các chuyên gia cũng đồng tình và cho rằng hiện nay lượng cầu về tín dụng cũng không lớn, trong khi đó lượng cung về tiền gửi tương đối cao nên cơ sở bỏ trần lãi suất huy động là có, vì hiện quản lý này không còn nhiều ý nghĩa.
Tín hiệu về lãi suất tương đối ổn định
Ngay sau đó, các chuyên gia cho rằng, trên thực tế trần lãi suất huy động từ lâu đã không còn tác dụng đối với các ngân hàng đặc biệt là các ngân hàng lớn. Hiện nay, tại 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, lãi suất huy động từ 1-6 tháng thường được niêm yết ở mức từ 4,2%-5,0%, thấp hơn nhiều so với quy định trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước đưa ra.
Còn tại một số ngân hàng thương mại cổ phần thì lãi suất kỳ hạn từ 1-dưới 6 tháng cũng ở mức từ 4,4% đến 5,3%, cũng thấp hơn so với quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó, các đây 2 năm, trần lãi suất huy động đã được điều chỉnh vào cuối tháng 10/2014, Ngân hàng Nhà nước công bố giảm mức lãi suất tiền gửi tối đa bằng tiền đồng của các tổ chức, cá nhân tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ 6%/năm xuống 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng.
Lãi suất tiền gửi cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên không bị giới hạn bởi trần lãi suất mà do tổ chức tín dụng và khách hàng tự thỏa thuận.
Các chuyên gia cho rằng, trong thời gian qua, nhiều tổ chức hạ lãi suất thấp hơn so với trần quy định, các tổ chức có lợi thế có thể huy động thấp hơn, các tổ chức tín dụng nhỏ có thể huy động ở mức sát trần. Mức trần tạo ra sự linh hoạt về lãi suất theo cung cầu vốn trên thị trường.
Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho biết, trần lãi suất thời gian qua có tác dụng vừa tức thời vừa tạm thời ở trong giai đoạn thị trường xáo động rất mạnh do lạm phát, do mất cân đối cung cầu về vốn, làm cho các ngân hàng phải đua nhau tăng lãi suất để hút vốn.
Tuy nhiên, theo ông Thành, hiện nay thị trường tương đối ổn định, lạm phát xuống ở mức thấp làm cho tín hiệu về lãi suất cũng tương đối ổn định.
Ông Thành phân tích thêm: "Hiện nay lượng cầu về tín dụng hiện cũng không lớn, trong khi đó lượng cung về tiền gửi tương đối cao nên cơ sở bỏ trần lãi suất huy động là có vì hiện không còn nhiều ý nghĩa nữa. Nếu bỏ mà ngân hàng nào đẩy lãi suất lên cao là do yếu tố đặc thù của họ thôi, chứ về cơ bản các ngân hàng sẽ có mức lãi suất riêng của mình để thu hút lượng tiền gửi phù hợp nên tôi cho rằng việc bỏ trần lãi suất huy động sẽ không có vấn đề gì."
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, đến bây giờ mới tính toán đến việc bỏ trần lãi suất là hơi... muộn. Bởi trong vài năm qua, việc áp dụng trần lãi suất khiến một vài ngân hàng tìm cách lách trần, chi ngoài vượt quy định nhằm “chăm sóc khách hàng”, dẫn tới những vụ kiện đình đám vừa qua trong ngành ngân hàng. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, muộn còn hơn không. Đây là thời điểm thuận lợi để xem xét nghiêm túc hơn việc bỏ trần lãi suất huy động.
Lý do được ông Hiếu đưa ra là, lạm phát đã được kiểm soát tốt. Trong thời kỳ lạm phát cao, Ngân hàng Trung ương thường bị đẩy vào tình thế phải sử dụng triệt để lãi suất - một trong những công cụ trọng yếu của chính sách tiền tệ để kềm chế lạm phát. Lãi suất cao sẽ hạn chế tín dụng và giới hạn cung tiền chảy vào lưu thông.
Bên cạnh đó, hiện tại thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại tương đối tốt thể hiện qua lãi suất liên ngân hàng đang ở mức thấp nhất trong vài năm trở lại đây. Tỷ giá cũng ổn định từ đầu năm đến nay.
Lãi suất có thể sẽ tăng nhẹ
Mặc dù đồng tình với việc bỏ trần lãi suất nhưng ông Hiếu cũng thừa nhận nếu như để thả nổi như vậy thì rất có thể mặt bằng lãi suất sẽ bị đẩy lên vì hiện này có một số ngân hàng đang khát vốn. Nguyên nhân là do từ nay đến cuối năm các ngân hàng dồn vào tăng trưởng tín dụng, rồi đến năm 2017 chỉ được sử dụng 50% của vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn nên các ngân hàng phải huy động vốn trung và dài hạn.
Bên cạnh đó, nợ xấu đang tăng làm ngăn chặn dòng tiền chảy trở lại ngân hàng. Khi ngân hàng cho vay ra thì dòng tiền đó đi vào lưu thông trong nền kinh tế, dòng tiền trở lại khi các doanh nghiệp trả nợ cho ngân hàng. Nhưng khi doanh nghiệp vướng vào nợ xấu, mất khả năng trả nợ, khi đó ngân hàng phải chạy ra ngoài huy động nguồn tiền mới để trả cho khách hàng cũ, đó là hiện tượng rất nguy hiểm, gây rủi ro cho nền kinh tế.
“Tôi tin rằng chỉ từ 3-6 tháng lãi suất sẽ ổn định và được xác lập với điều kiện cho thả nổi lãi suất và cho phép ngân hàng phá sản. Với mặt bằng lãi suất mới này có cao hay thấp thì đây cũng là mức lãi suất mà nền kinh tế chấp nhận được áp dụng cho cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay,” ông Hiếu nhận định.
Mặc dù vậy, vẫn có ý kiến cho rằng, hiện thị trường chưa chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để có thể tự do hóa lãi suất. Việc bỏ trần ngay lúc này có thể khiến cho thị trường tài chính biến động mạnh, thậm chí là bị sốc. Nhưng trong tương lai, với một nền kinh tế thị trường đầy đủ thì việc bỏ trần vẫn phải tính đến cho phù hợp xu hướng hội nhập./.