Ngày càng nhiều người Nhật phản đối quyền phòng vệ tập thể

55,4% số người trả lời bày tỏ ý kiến phản đối Chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm tự áp đặt liên quan đến việc thực thi quyền phòng vệ tập thể, tăng so với 48,1% của tháng trước.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo điều tra dư luận mới nhất của hãng tin Kyodo, 55,4% số người trả lời bày tỏ ý kiến phản đối Chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm tự áp đặt liên quan đến việc thực thi quyền phòng vệ tập thể, tăng so với 48,1% của tháng trước.

Qua cuộc điều tra được tiến hành qua điện thoại trên cả nước trong ngày 21 và 22/6, 57,7% cũng phản đối kế hoạch mà Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe chủ trương gỡ bỏ lệnh cấm lâu nay bằng cách thay đổi cách hiểu đối với bản Hiến pháp hòa bình thay vì sửa đổi nó trong khi 29,6% bày tỏ sự ủng hộ.

Cuộc điều tra cũng cho thấy 62,1% lo ngại rằng phạm vi thực thi quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản sẽ mở rộng ngay khi lệnh cấm này được dỡ bỏ và 74,1% cho rằng các đảng cầm quyền cần đặt ra một khung thời gian để kết thúc thảo luận về vấn đề này.

Ông Abe hy vọng sẽ thay đổi cách hiểu về Hiến pháp nhằm tạo cơ sở cho Lực lượng phòng vệ bảo vệ các đồng minh trước một cuộc tấn công vũ trang, trùng với thời điểm sửa đổi văn kiện hướng dẫn hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật từ nay đến cuối năm.

Trong nhiều thập kỷ, Tokyo vẫn duy trì quan điểm rằng Nhật Bản có quyền phòng vệ tập thể nhưng không thể thực hiện quyền này do Điều 9 bản Hiến pháp hòa bình quy định theo đó cấm sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Theo cuộc điều tra này, 34,5% cho rằng họ ủng hộ Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể, giảm so với 39% hồi tháng trước.

Tỷ lệ ủng hộ đối với Nội các Abe sụt xuống còn 52,1%, giảm 2,6% điểm so với cuộc điều tra hồi tháng Năm và là mức thấp thứ hai kể từ khi Nội các của ông bắt đầu hoạt động hồi tháng 12/2012.

Về phương diện kinh tế, 36% ủng hộ việc tăng thuế theo kế hoạch vào tháng 10/2015 lên 10% so với mức 8% trong khi 59,7% phản đối, tăng 3,1% điểm so với lần trước.

Trong vấn đề các nhà máy điện hạt nhân, hiện đang ngừng hoạt động sau cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima 1 năm 2011, 36,8% ủng hộ tái khởi động nếu mức độ an toàn được khẳng định trong khi 55,2% phản đối tái khởi động các lò này.

Cuộc điều tra trên cho thấy dư luận thể hiện các quan điểm trái chiều nhau về việc Bình Nhưỡng nhất trí tiến hành điều tra lại số phận của các công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc hàng thập kỷ trước với 47,3% cho rằng động thái này sẽ giúp giải quyết vấn đề trên và 50,8% không hy vọng nhiều vào cuộc điều tra lần này.

Cuộc điều tra của điện thoại vừa qua được thực hiện đối với 1.471 hộ gia đình có cử tri đủ điều kiện, trong đó có 1.018 gia đình nhận trả lời./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục