Ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Theo chương trình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc sau khi Quốc hội hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình Kỳ họp thứ 5.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu điều hành phiên họp ngày 23/6. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Trong ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội biểu quyết thông qua một số luật và nghị quyết quan trọng.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Các nghị quyết được Quốc hội biểu quyết thông qua gồm: Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng;” Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (trong đó quy định về: Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 và chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam).

[Đại biểu Quốc hội: Cần xóa bỏ tư duy ‘không gì lãi bằng buôn đất’]

Trong ngày làm việc, Quốc hội cũng dành thời gian họp riêng về công tác nhân sự.

Ngoài ra, tại phiên họp sáng 24/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Việc xây dựng dự án Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn trong xây dựng, hoạt động, quản lý, sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.

Dự thảo Luật gồm 5 chương, 31 điều.

Dự thảo Luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn tham gia vào tổ bảo vệ an ninh, trật tự; làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản về bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã, phường, thị trấn và hỗ trợ lực lượng Công an trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn cấp xã.

Dự thảo Luật cũng quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế; được bố trí địa điểm, nơi làm việc, bồi dưỡng, huấn luyện, trang bị công cụ hỗ trợ, trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận; giải quyết trường hợp khi thực hiện nhiệm vụ bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương, hy sinh...

Theo chương trình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc sau khi Quốc hội hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình Kỳ họp thứ 5.

Phiên bế mạc được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân quan tâm theo dõi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục