Ngày làm việc thứ 2 Hội nghị SOM 2 và các cuộc họp liên quan

Ngày làm việc thứ hai đã diễn ra cuộc họp của Nhóm Đối tác chính sách phụ nữ và kinh tế, Nhóm công tác về Phát triển nguồn nhân lực, Nhóm Bạn người khuyết tật, Nhóm Đối thoại công nghiệp ôtô...
Đại biểu đại diện các nền kinh tế thảo luận nhóm tại hội thảo. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ngày làm việc thứ hai trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM 2) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và các cuộc họp liên quan đã diễn ra cuộc họp của Nhóm Đối tác chính sách phụ nữ và kinh tế (PPWE), Nhóm công tác về Phát triển nguồn nhân lực (HRDWG), Nhóm Bạn người khuyết tật (GoFD), Nhóm đặc trách về khai khoáng (MTF), Tiểu ban Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn (SCSC) và Nhóm Đối thoại công nghiệp ôtô (AD).

Tiếp theo cuộc họp ngày 9/5, Nhóm Đối tác chính sách phụ nữ và kinh tế (PPWE) đã có ngày làm việc cuối cùng, tập trung trao đổi những nội dung liên quan đến sự tham gia của phụ nữ trong phát triển kinh tế; thúc đẩy thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong tất cả các lĩnh vực chuyên môn của APEC; đồng thời xác định các ưu tiên hành động, khuyến nghị chính sách, hướng chuẩn bị cho các nội dung của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế sẽ được tổ chức vào tháng Chín.

Hiện có khoảng 600 triệu phụ nữ đang tham gia lực lượng lao động tại các nền kinh tế APEC. Ước tính của Liên hợp quốc cho thấy hạn chế sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động khiến khu vực châu Á-Thái Bình Dương thiệt hại khoảng 89 tỷ USD mỗi năm.

Trong bối cảnh đó, Nhóm Đối tác chính sách phụ nữ và kinh tế được thành lập năm 2011 và hiện là một trong những cơ chế quan trọng của APEC, với mục tiêu trao quyền và tăng cường sự tham gia, đóng góp của phụ nữ vào nền kinh tế.

[SOM 2 thảo luận nhiều nội dung hợp tác then chốt của APEC]

Tại phiên khai mạc Đối thoại công tư trong khuôn khổ Nhóm đặc trách về khai khoáng (MTF), các đại biểu đã tập trung thảo luận ba chủ đề chính là: tăng cường hợp tác khai khoáng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương; tăng trưởng dựa trên đổi mới; trách nhiệm xã hội và phát triển chung.

Các đại biểu đã khẳng định khai khoáng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo, cải thiện hạ tầng cơ sở và thu hẹp khoảng cách phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Chiều cùng ngày đã diễn ra phiên toàn thể của Nhóm đặc trách về khai khoáng, tập trung đánh giá kết quả của Hội thảo ngày 9/5 và Đối thoại công tư trong sáng 10/5, đồng thời đề ra kế hoạch công tác của Nhóm trong năm 2017.

Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực (HRDWG) và Nhóm Bạn về người khuyết tật (GoFD) đã đồng tổ chức Hội thảo chuyên đề về thúc đẩy việc làm cho người khuyết tật. Các đại biểu đã thảo luận sâu về các quy định pháp luật và các khuôn khổ quốc tế về tạo điều kiện cho người khuyết tật được đào tạo, giáo dục và hòa nhập xã hội, chia sẻ các kinh nghiệm về tạo việc làm và cơ hội phát triển dành cho người khuyết tật.

Các đại biểu tham dự Hội thảo cấp phép xuất khẩu do Diễn đàn hợp tác an toàn thực phẩm của Mạng lưới các viện đào tạo hợp tác (FSCF PTIN) thuộc Tiểu ban Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn đã kết thúc ngày làm việc thứ hai. Việc tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại các thực phẩm an toàn và hợp tác trong cải thiện an toàn thực phẩm là một trong những nội dung sẽ được thảo luận tại Tuần lễ An ninh lương thực diễn ra tại Cần Thơ vào tháng Tám tới.

Cùng ngày 10/5, các đối tác tham gia Nhóm Đối thoại về công nghiệp ôtô (AD) đã tiến hành các cuộc họp song phương, trước khi họp phiên toàn thể trong hai ngày từ 11-12/5. /.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục