Ngày thứ 3 liên tiếp Chile áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm

Người đứng đầu các lực lượng quốc phòng Chile, Thiếu tướng Javier Iturriaga del Campo tuyên bố lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ 20 giờ tối 21/10 đến 6 giờ sáng 22/10.
Quân đội được triển khai để giải tán đám đông biểu tình ở Santiago, Chile ngày 20/10. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chile tiếp tục áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm trong bối cảnh các cuộc biểu tình bạo lực ở nước này đã khiến 11 người thiệt mạng trong 4 ngày qua.

Người đứng đầu các lực lượng quốc phòng Chile, Thiếu tướng Javier Iturriaga del Campo tuyên bố lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ 20 giờ tối 21/10 đến 6 giờ sáng 22/10. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Chile áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm.

Ông Campo cho rằng việc áp đặt giới nghiêm là cần thiết trong bối cảnh các cuộc biểu tình diễn biến phức tạp, theo đó các cuộc biểu tình ở thủ đô diễn ra hòa bình nhưng ở một số thành phố khác như Valparaiso, Concepcion và Maipu, tình trạng bạo lực và cướp bóc vẫn tiếp diễn.

Trước đó, nhà chức trách Chile đã áp đặt lệnh giới nghiêm trong hai đêm 19 và 20/10 sau khi có 2 người thiệt mạng tại một siêu thị bị phóng hỏa trong làn sóng biểu tình phản đối giá cả tăng cao và bất bình đẳng xã hội ở quốc gia Nam Mỹ này.

Theo nhà chức trách Chile, đã có hơn 100 vụ việc nghiêm trọng xảy ra trên cả nước, gần 1.500 người bị bắt giữ.

[Chile gia hạn lệnh giới nghiêm đêm thứ hai liên tiếp]

Những người biểu tình đã đốt cháy xe buýt, đập phá trạm tàu điện ngầm, phá bỏ đèn giao thông, cướp bóc các cửa hàng và đụng độ với cảnh sát chống bạo động. Toàn bộ hệ thống giao thông công cộng tại Santiago gần như tê liệt trong khi nhiều chuyến bay đến và đi tại sân bay quốc tế ở thủ đô cũng bị hủy bỏ.

Thiệt hại do hệ thống tàu điện ngầm ở Santiago bị phá hoại ước tính đã lên đến hơn 300 triệu USD. Khoảng 9.500 cảnh sát và binh lính đã được huy động để đối phó với người biểu tình quá khích.

Chile hiện có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất khu vực Mỹ Latinh là 20.000 USD. Dự kiến tăng trưởng kinh tế năm nay đạt 2,5% và lạm phát 2%.

Tuy nhiên, mô hình kinh tế gần như tư nhân hóa toàn bộ hệ thống y tế và giáo dục, ở thời điểm lương hưu trí giảm và chi phí dịch vụ cơ bản tăng được cho là đã khiến tình trạng bất bình đẳng xã hội càng thêm nghiêm trọng và làm bùng phát làn sóng biểu tình bạo lực hiện nay.

Ngày 21/10, Bộ trưởng Tái chính Chile Felipe Larrain cảnh báo các cuộc biểu tình tồi tệ nhất trong vòng vài thập kỷ qua chắc chắn sẽ ảnh hưởng "đáng kể" tới nền kinh tế của quốc gia này. Hiện bộ này đang nỗ lực đảm bảo hệ thống thanh toán làm việc hiệu quả.

Trong diễn biến liên quan, ngày 21/10, Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền - cựu Tổng thống Chile Michelle Bachelet, bày tỏ lo ngại về tình hình bạo lực tại nước này và kêu gọi các bên tổ chức đối thoại ngay lập tức để có thể giảm bớt căng thẳng hiện nay.

Bà Bachelet - người giữ chức Tổng thống Chile trong giai đoạn từ năm 2006-2010 và từ 2014-2018 - kêu gọi chính phủ hợp tác với tất cả các thành phần trong xã hội để tìm giải pháp có thể giúp làm dịu tình hình và giải quyết những bất bình của dân chúng.

Bà Bachelet cho rằng điều cần thiết là phải tiến hành kiểm tra nghiêm túc một loạt các vấn đề kinh tế xã hội tiềm ẩn trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Bà cũng kêu gọi biểu tình ôn hòa và tránh các hành vi bạo lực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục