Ngày thứ hai tìm kiếm máy bay AirAsia mất tích không khả quan

các lực lượng cứu hộ đã kết thúc ngày tìm kiếm thứ hai máy bay mất tích mang số hiệu QZ8501 của AirAsia mà chưa đạt kết quả khả quan.
Lực lượng không quân Indonesia thông báo khu vực tìm kiếm máy bay mất tích QZ8501 trong cuộc họp báo tại sân bay Surabaya, Đông Java ngày 29/12. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trung tâm Tìm kiếm và Cứu nạn Indonesia (Basarnas) ngày 29/12 thông báo các lực lượng cứu hộ đã kết thúc ngày tìm kiếm thứ hai máy bay mất tích mang số hiệu QZ 8501 của hãng hàng không AirAsia (Malaysia) mà chưa đạt kết quả khả quan.

Người phát ngôn Basarnas, ông Sutono cho biết các nỗ lực tìm kiếm máy bay QZ 8501 sẽ tiếp tục được triển khai trong những ngày tới.

Thời hạn tìm kiếm là một tuần và có thể kéo dài tùy theo tình hình thực tế.

Khi được hỏi về việc máy bay AP-3C Orion của Australia phát hiện các mảnh vỡ nghi là của máy bay Air Asia gần đảo Nangka  và vết dầu loang ở ngoài khơi phía Đông đảo Belitung, người phát ngôn Basarnas cho hay hiện chưa có bằng chứng đáng tin cậy để xác nhận các thông tin này.

Basarnas đã thiết lập một trung tâm chỉ huy tại sân bay Pangkalpinang để giám sát công tác tìm kiếm cứu hộ, hiện tập trung tại các vùng biển giữa Bangka Belitung và Tây Kalimantan, và eo biển Karimata.

Indonesia đã triển khai tổng cộng 30 tàu và 15 máy bay nhằm xác định vị trí chiếc máy bay mất tích.

Trong khi đó, Singapore, Malaysia và Australia đã cử máy bay và tàu tham gia chiến dịch tìm kiếm.

Một máy bay AP-3C Orion của Hàn Quốc cũng sẽ tới khu vực vào ngày 30/12. Pháp và Ấn Độ cũng đã đề nghị hỗ trợ công tác tìm kiếm.

Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, ngày 29/12, Phó Tổng thống nước này Yusuf Kalla cho biết Jakarta đánh giá cao sự giúp đỡ của các quốc gia láng giềng trong hoạt động tìm kiếm máy bay QZ8501.

Ông Kalla đã gửi thăm hỏi các gia đình, người thân của các hành khách có mặt trên máy bay gặp nạn, đồng thời khẳng định Chính phủ Indonesia sẽ phối hợp chặt chẽ với các nước để đẩy nhanh công tác tìm kiếm.

Trong một báo cáo, Basarnas cho biết điểm cuối cùng chuyến bay QZ8501 mất liên lạc nằm trên vùng biển giữa Cape Pandang của đảo Belitung và Pontianak của đảo Kalimantan.

Một thời gian ngắn trước khi mất liên lạc, cơ trưởng đã yêu cầu cho phép máy bay rẽ trái và nâng độ cao lên 38.000 feet, song trạm kiểm soát không lưu mặt đất chỉ cho phép chuyển hướng bay sang trái.

Trong cùng khoảng thời gian bay của máy bay QZ 8501 sáng 28/12, xung quanh khu vực chiếc máy bay của Air Asia bị mất liên lạc còn có 6 máy bay khác của các hãng hàng không Air Asia (Malaysia), Garuda, Lion Air (Indonesia) và United Arab Emirates của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất.

Trong số này, chiếc máy bay GA 602 của Garuda bay ở độ cao 35.000 feet, LNI 763 của Lion Air ở độ cao 38.000 feet, một chiếc máy bay khác của Air Asia là QZ 502 bay ở độ cao 38.000 feet và UAE 409 của United Arab Emirates bay ở độ cao 35.000 feet, nên QZ 8501 đã không được phía kiểm soát mặt đất cho phép tăng độ cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục