Ngày Tôn vinh tiếng Việt: Sự “bén rễ, đâm chồi” của tiếng Việt ở Italy

Đại sứ Việt Nam tại Italy nhấn mạnh rằng tiếng Việt là tài sản quý báu của dân tộc Việt Nam, là phương tiện lưu giữ, trao truyền văn hóa, giúp đồng bào ta ở nước ngoài bảo tồn bản sắc văn hóa riêng.
Đại sứ Dương Hải Hưng . (Ảnh: Dương Hoa/ TTXVN)

Tối 8/9, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã tổ chức Ngày Tôn vinh tiếng Việt tại Italy nhằm tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng và bạn bè quốc tế, cũng như quảng bá các giá trị, ý nghĩa văn hóa của tiếng Việt ở nước ngoài. Sự kiện diễn ra tại trụ sở Đại sứ quán ở thủ đô Rome, với hình thức cả trực tiếp và trực tuyến.

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng nhấn mạnh rằng tiếng Việt là tài sản quý báu của dân tộc Việt Nam, là phương tiện lưu giữ, trao truyền văn hóa, giúp đồng bào ta ở nước ngoài bảo tồn bản sắc văn hóa riêng, tự tin phát triển và hội nhập với thế giới.

Tiếng Việt cũng là nhịp cầu thân thương nối Việt Nam với các nước bạn bè trên thế giới. Tại Italy, bộ môn tiếng Việt tại trường Đại học Ca’Foscari, thành phố Venice, đã ra đời được 4 năm. Sắp tới Đại học Đông Phương Naples cũng dự kiến mở Khoa tiếng Việt, cho thấy sự quan tâm của lớp trẻ Italy đối với Việt Nam và tiếng Việt.

Tiếng Việt đã “bén rễ” tại Italy từ rất sớm. Phát biểu trực tuyến, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại thành phố Turin, bà Sandra Scagliotti, một học giả chuyên nghiên cứu Việt Nam, cho biết Việt Nam là quốc gia đầu tiên thuộc vùng Viễn Đông châu Á sử dụng chữ Latinh. Tiếng Việt (chữ quốc ngữ) là thành quả của sự cộng tác giữa văn hóa Latinh và văn hóa Việt Nam.

Nếu linh mục người Bồ Đào Nha Francisco de Pina (1585-1625) là người châu Âu đầu tiên nói tiếng Việt chuẩn xác, thì người châu Âu thứ hai là người Italy, Cristoforo Borri, quê ở thành phố Milan (1583-1632). Người châu Âu và người Việt Nam là những đối tác đã phát minh ra chữ quốc ngữ, cùng với danh nhân Alexandre de Rhodes, người đã xuất bản hai tập Dictionnarium annamiticum, lusitanum et latinum vào năm 1651.

Khóa học “Ngôn ngữ và văn học Việt Nam” đầu tiên tại Italy được khai giảng vào niên học 1999-2000 và kéo dài nhiều năm tại phân khoa Ngoại ngữ và Văn học, Đại học Turin. Theo bà Scagliotti, tính trường tồn của tiếng Việt là một trong những yếu tố quan trọng góp phần bảo tồn nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam.

Gần đây hơn, tiếng Việt đã “đâm chồi, nảy lộc” tại Italy. Có 2 lứa cử nhân tiếng Việt đã tốt nghiệp tại Đại học Ca’Foscari, đánh dấu một mốc quan trọng trong việc giảng dạy và học tập tiếng Việt tại Italy. Bộ môn tiếng Việt, thuộc Khoa châu Á và Bắc Phi học của trường Ca’ Foscari, được thành lập năm 2019, có chương trình học tiếng Việt hoàn thiện nhất tại Italy, nơi duy nhất cung cấp cho các em sinh viên những kiến thức cả về lịch sử, văn học, kinh tế, địa chính trị, nghệ thuật và mọi khía cạnh của văn hóa Việt Nam.

Theo cô Lê Thị Bích Hường, giảng viên môn Thực hành tiếng Việt của trường ĐH Ca’Foscari, việc học tiếng Việt có thể giúp các em sinh viên Italy hiểu biết hơn về Việt Nam. Các em sinh viên Italy rất ham học tập và nghiên cứu, đọc rất nhiều sách. 

Trao đổi với phóng viên TTXVN, cô Lê Thị Bích Hường nói: “Trong suốt 4 năm vừa qua, tôi luôn luôn cố gắng tạo điều kiện cho các em học tiếng Việt trong những bối cảnh văn hóa Việt Nam. Tiếng Việt và văn hóa là hai yếu tố không thể tách rời nhau được.

Vì thế, các em học tiếng Việt nhưng các em còn biết các làn điệu dân ca miền Bắc, miền Nam, miền Trung. Rồi các em học tiếng Việt qua văn học Việt Nam, qua những bài thơ của Nguyễn Bính, của Hồ Xuân Hương, học các làn điệu dân ca như Quan họ.

[Ngày Tôn vinh tiếng Việt: Cơ hội thúc đẩy hơn nữa quan hệ Việt Nam-Nga]

Các em học tiếng Việt qua ẩm thực Việt Nam, học tiếng Việt qua những tác phẩm nghệ thuật có giá trị rất lớn như Truyện Kiều của Nguyễn Du. Các em đã có thể dựng những vở kịch nhỏ hay đóng Truyện Kiều, dịch những bài thơ của Nguyễn Bính, của Hồ Xuân Hương sang tiếng Italy, chuyển tải những bài hát của Quan họ lên Youtube để có thể giới thiệu những nét hay, nét đẹp của dân ca Việt Nam.

Qua những việc làm như vậy, mặc dù vẫn đang ở trong nhà trường, các em cũng đã trở thành những sứ giả truyền bá những gì học được, cảm thụ được trong thời gian các em học được, cả trong giờ chính khóa và ngoại khóa, để cho các bạn sinh viên các khoa khác biết đến tiếng Việt, Bộ môn Tiếng Việt ở trường Đại học Cà Foscari, biết được những vẻ đẹp, nét tinh tế của người Việt Nam.”

Trong chương trình học, các em sinh viên được sang Việt Nam học tập để cải thiện kỹ năng nói tiếng Việt. Những sinh viên khóa đầu sang Việt Nam đều đánh giá cao trải nghiệm này. Một số thậm chí còn bắt đầu làm việc tại Việt Nam. Tâm sự với phóng viên TTXVN, em Tommaso Becchi nói: “Em học tiếng Việt vì em thích lịch sử Việt Nam. Em hy vọng trong những năm tới được tiếp tục học tập ngôn ngữ này và đi thăm đất nước Việt Nam để nâng cao khả năng ngôn ngữ của bản thân và hiểu biết rõ hơn về văn hóa, lịch sử của Việt Nam.”

Còn em Alessia Carlassara nói: “Em học tiếng Việt vì đó là một ngôn ngữ và văn hóa chưa được biết đến nhiều ở Italy và em rất yêu thích. Năm học đầu tiên đã trải qua rất thú vị và chúng em đã được biết rất nhiều trải nghiệm như trong sự kiện ngày hôm nay. Em hy vọng sẽ tiếp tục được trải nghiệm nhiều hơn nữa và được đến Việt Nam để nâng cao kỹ năng ngôn ngữ và nghiên cứu sâu sắc hơn nữa nền văn hóa tuyệt vời của Việt Nam.”

Tham gia sự kiện, cô Lê Thị Bích Hường và các em sinh viên Italy đã mang đến một tiết mục quan họ, với áo tứ thân, nón quai thao, tiếng hát và những động tác biểu diễn thuần thục, cho thấy niềm đam mê đối với văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam của các em.

Nhân dịp này cô Hường cũng đã hướng dẫn các em sinh viên làm món nem truyền thống của Việt Nam. Các em sinh viên Italy đã rất hứng thú khi học nói tên các thành phần của món nem, được tự tay trộn nhân, gói nem, rán nem và sau đó thưởng thức chính thành quả lao động của mình.

Trong khi đó, trường Đại học Đông Phương Naples, đã tổ chức lớp học văn hóa và tiếng Việt cho sinh viên từ hơn 10 năm nay, cũng dự kiến sớm mở Khoa tiếng Việt trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Italy - Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Giáo sư Pietro Paolo Masina nói: “Trường Đại học Đông phương Naples sẽ bắt đầu triển khai chương trình dạy tiếng Việt, liên quan đến hai khóa học. Khóa thứ nhất về lĩnh vực nhân văn, văn hóa, ngôn ngữ, văn học và khóa còn lại sẽ chuyên về lĩnh vực khoa học chính trị và quan hệ quốc tế. Các sinh viên của chúng tôi có thể học tiếng Việt trong suốt 5 năm và sau đó tiếp tục quá trình đào tạo này trong chuyên ngành khoa học chính trị và quan hệ quốc tế. Chúng tôi đang xúc tiến ký kết một thỏa thuận với Đại học Quốc gia Hà Nội để hai bên phối hợp cấp bằng cử nhân kép về quan hệ quốc tế. Chúng tôi hy vọng có thể sớm hoàn thành ý tưởng này trong năm 2023 để tạo điều kiện cho các sinh viên Italy đến học tập và nghiên cứu tại Hà Nội, cũng như sinh viên Việt Nam có thể trải nghiệm học tập ở Italy trong khoảng một năm và sau đó được nhận bằng do phía Italy cấp.”

Minh chứng rõ nét cho sự “bén rễ, đâm chồi” tiếng Việt tại Italy là tại lễ kỷ niệm lần thứ 78 Quốc khánh Việt Nam tại Italy, những người tham dự đã rất ấn tượng và xúc động khi được nghe ca sỹ opera giọng nữ cao Maria Ielli hát quốc ca Việt Nam trên nền nhạc đệm piano của nghệ sĩ Maria Giulia Burini. 

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, ca sỹ Maria Ielli nói: “Đối với tôi, thực sự rất xúc động khi được thử sức với tiếng Việt, một ngôn ngữ mới mẻ nhưng cũng gần gũi với nhạc kịch trữ tình Italy. Chúng tôi cùng với phiên dịch viên người Việt đã làm việc rất tích cực để luyện được cách phát âm từng lời hát trong bản Quốc ca của Việt Nam. Tiếng Việt rất đặc biệt và khác lạ so với ngôn ngữ của chúng tôi và đối với tôi, đây thực sự là một niềm tự hào, niềm cảm xúc lớn khi được tham gia biểu diễn tại buổi lễ kỷ niệm Quốc khánh của Việt Nam. Tôi muốn cảm ơn Quỹ Italy-Việt Nam đã hỗ trợ thực hiện ý tưởng trao đổi văn hóa này, đưa nhạc kịch Italy được hóa thân trong một ngôn ngữ mới mẻ như tiếng Việt.”

Còn nghệ sỹ dương cầm Maria Giulia Burini đánh giá: “Rất tuyệt vời khi có thể đưa vào nhạc kịch Italy một hơi thở và sắc thái mới thông qua tiếng Việt. Quá trình tìm kiếm những âm sắc mới để có thể tạo nên sự cộng hưởng giai điệu giữa tiếng dương cầm và giọng ca là một công việc rất thú vị bởi xét về mặt ngữ âm, tốc độ phát âm thì hai yếu tố này đôi khi không song trùng với nhau. Do đó, đối với chúng tôi, việc có thể phối hợp nhịp nhàng giữa tiếng đàn và giọng ca là một trải nghiệm rất quan trọng và ý nghĩa.”

Tiếng Việt thực sự đang giúp các em sinh viên và những người bạn yêu quý Việt Nam trở thành cầu nối đưa Việt Nam và Italy xích lại gần nhau và làm cho mối quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục