Nghe lén Indonesia, Australia có thể mất ảnh hưởng ở châu Á

Australia đang đối mặt với nguy cơ bị mất ảnh hưởng ở châu Á sau vụ bê bối nghe lén bởi Indonesia chính là cửa ngõ cho những ảnh hưởng của Canberra ở châu Á.
Người biểu tình đốt cờ Australia trước Đại sứ quán nước này tại Jakarta ngày 21/11. (Ảnh: AP)

Trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội ở Indonesia đã xuất hiện nhiều bài viết, bình luận về vụ nghe lén điện thoại các nhà lãnh đạo Indonesia của Australia, trong đó đáng chú ý là những ý kiến, phân tích của các chuyên gia về mối quan hệ giữa hai nước.

Dưới đây là tổng hợp một số quan điểm như vậy được đăng tải trong các số ra mới đây trên tờ Jakarta Post, Jakarta Globe và Kompas của Indonesia.

Chuyên gia truyền thông quốc tế đồng thời là Hiệu trưởng Trường Đại học Paramadina, Anies Baswedan cho rằng Australia đang đối mặt với nguy cơ bị mất ảnh hưởng ở châu Á nếu không xin lỗi Indonesia về các cáo buộc hoạt động gián điệp của mình, bởi theo ông “nếu mối quan hệ giữa hai nước xấu đi thì Australia sẽ là bên phải chịu bất lợi khi Indonesia là cửa ngõ cho những ảnh hưởng của Canberra ở châu Á, nhất là Đông Nam Á.”

Ông Anies Baswedan, một trong 10 ứng cử viên được đảng Dân chủ (DP) - đứng đầu liên minh sáu đảng cầm quyền hiện nay của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono - lựa chọn tiến hành tranh cử trong nội bộ để trở thành đại diện duy nhất của đảng tham gia cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 7/2014, lưu ý rằng Indonesia có một “vị thế mặc cả mạnh mẽ” và có thể “kiên quyết đòi hỏi một sự giải thích rõ ràng cũng như lời xin lỗi” từ phía Australia đối với hoạt động nghe lén điện thoại của Cơ quan đại diện ngoại giao nước này tại Indonesia, và “Australia cần Indonesia hơn Indonesia cần Australia".

Tổng thống Indonesia Yudhoyono cũng đã bày tỏ thái độ kiên quyết của mình khi trên truyền hình, trên trang mạng xã hội Twiter khi yêu cầu lời giải thích rõ ràng từ phia Australia.

Sau khi triệu tập cuộc họp hẹp với một số thành viên nội các hôm 20/11, trong đó có cả Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia (BIN) và Đại sứ Indonesia tại Australia, đã gửi thư chính thức tới Thủ tướng Tony Abbott yêu cầu Australia xin lỗi và đình chỉ một số thỏa thuận hợp tác với Australia.

Tuy nhiên, chia sẻ với quan điểm của nghị sỹ Tjahjo Kumolo, thành viên Ủy ban An ninh và Quốc phòng Quốc hội (Hạ viện) Indonesia nói rằng đồng thời với việc triệu hồi Đại sứ của mình tại Australia về nước, Chính phủ Indonesia cần phải trục xuất Đại sứ Australia tại Indonesia để thể hiện mức độ nghiêm trọng của vấn đề này trong quan hệ hai nước, nhất là khi Thủ tướng Australia Tony Abbott đã từ chối xin lỗi Indonesia về vụ nghe lén.

Ông Anies Baswedan cũng cho rằng “Indonesia cần có một lập trường kiên quyết đối với Australia."

Theo ông Anies Baswedan, những biện pháp mà Tổng thống Yudhoyono và Chính phủ Indonesia đã thực hiện, như tuyên bố rõ ràng, công khai quan điểm của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng, triệu hồi Đại sứ Indonesia tại Australia về nước, tạm đình chỉ thỏa thuận hợp tác với Australia trên một số lĩnh vực, trong đó có tình báo, quốc phòng, bao gồm cả việc tập trận chung, chia sẻ thông tin tình báo, tìm kiếm và cứu hộ cứu nạn thuyền nhân, chống buôn người, là chưa đủ mạnh để phía Australia đưa ra một lời xin lỗi chính thức.

Trước những diễn biến có chiều hướng gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Indonesia và Australia, dư luận quốc tế đã kêu gọi hai bên kiềm chế, có những phản ứng phù hợp để tránh ảnh hưởng đến quan hệ song phương có thể gây ra những hệ lụy đến các mối quan hệ trong khu vực và quốc tế.

Trong khi đó, một học giả khác, Giáo sư Luật quốc tế tại Đại học Indonesia, Hikmahanto Juwana đã bày tỏ lo ngại về sự căng thẳng gia tăng trong quan hệ giữa Indonesia và Australia, bởi vụ việc phải được giải quyết ở cấp nhà nước này đã bắt đầu liên quan đến các chính trị gia và các thành viên cộng đồng.

Người dân Indonesia cũng đã có những phản gay gắt về vụ việc này. Mới đây nhất, cuộc biểu tình của hàng trăm người ngày 21/11 trước Đại sứ quán Australia tại Jakarta đã bùng phát thành bạo lực khi những người tham gia đốt cờ Australia và tuyên chiến với Canberra.

Biểu tình phản đối Australia cũng đã diễn ra tại một số thành phố lớn khác ở Indonesia, trong đó có Yogyakarta. Các tin tặc Indonesia cũng đã thể hiện sự giận dữ của mình, và nhận trách nhiệm đối với vụ tấn công mạng mới đây vào các trang web của Cơ quan Cảnh sát Liên bang và Ngân hàng trung ương Australia.

Liên quan đến động thái này, Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia Dahlan Iskan đã yêu cầu các công ty nhà nước của nước này cần có và tăng cường các biện pháp an ninh đặc biệt, bảo vệ trước khả năng năng tấn công trả đũa của các tin tặc Australia, nhất là các công ty có hoạt động liên quan đến dịch vụ đại chúng như các nhà điều hành mạng hay sân bay…

Giáo sư Hikmahanto Juwana đặc biệt nhấn mạnh rằng điều đáng lo ngại là Chính phủ Australia nếu không đưa ra được một lời giải thích hay xin lỗi thì Chính phủ Indonesia có thể tăng áp lực.

Trong khi đó, Quốc hội Indonesia (DPR) đã chính thức ủng hộ quan điểm của Tổng thống Yudhoyono, khi ngày 21/11 Phó Chủ tịch DPR Priyo Budi Santoso tuyên bố “ DPR đánh giá cao các quyết định kiên quyết của Tổng thống Yudhoyonos đối với những cáo buộc về hoạt động gián điệp của Australia tại Indonesia” và những quyết định này phản ánh “vị thế vững chắc của Chính phủ Indonesia”.

Tuy nhiên, ông Santoso cho rằng trong tương lai “Indonesia cần phải có quy tắc ứng xử và nguyên tắc chỉ đạo trong các mối quan hệ hợp tác với Australia”./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục