Cả đời gắn liền với những thăng trầm của làng gốm Hương Canh (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), bà Giang Thị Nhạn chọn cách kể lại câu chuyện đời mình bằng bảy tác phẩm gốm. Trên đó, bà dành phần nhiều để thể hiện niềm tự hào về con cái - những người đã theo và sống được bằng nghề.
Vuốt đất thành cuộc đời
Sinh năm 1951 tại mảnh đất Hương Canh, bà Nhạn là con gái duy nhất của cụ Giang Thị Tụ - thế hệ thứ ba trong gia đình có truyền thống làm gốm. Khi xưa chưa có phong danh hiệu nghệ nhân giỏi, mọi người vẫn kính trọng gọi cụ Tụ là thợ bậc thầy. Cụ chuyên đi đốt lò, dạy nghề ở nhiều làng gốm, xa nhất là làng Phước Tích có tuổi đời hơn 500 năm tại Thừa Thiên-Huế.
Lớn lên trong gia đình truyền thống, bà Nhạn gắn bó cả đời với gốm. Bà đã quen sáng tác, thể hiện tâm tư, tình cảm và suy nghĩ qua những sản phẩm gốm.
Hồi trẻ, bà Nhạn theo làm việc ở hợp tác xã Tam Đồng. Khi hợp tác xã giải thể, cả làng chuyển sang làm gạch, ngói. Vì yêu nghề, đến năm 2002, gia đình bà mở lại xưởng gốm. Đến năm 2013, bà được tỉnh Vĩnh Phúc trao danh hiệu nghệ nhân.
“Cái nghề đã ngấm vào máu, gắn với nghiệp của đời mình rồi. Nếu không được tự tay làm ra những sản phẩm mà mình tâm huyết là tôi ăn không ngon, ngủ không yên," bà Nhạn tâm sự.
Giờ tuổi bà đã cao, con cái trưởng thành, bà Nhạn túc tắc làm để thỏa mong muốn sáng tác của mình. Trong 2-3 năm trở lại đây, có 7 tác phẩm ghi lại những dấu ấn trong đời mà bà rất tự hào khi nhắc đến. Đầu tiên là "Đầm Mát," bình "Thiếu nữ," "Hạnh phúc gia đình" và "Tình mẫu tử." Xa xa trên một chiếc kệ khác là các tác phẩm "Hy vọng," "Mã đáo thành công" và "Vinh quy bái tổ."
"Đầm Mát" là tác phẩm bà Nhạn làm như thay lời tri ân với nơi đã nuôi sống làng nghề. Khi xưa, người Hương Canh thường lấy đất ở đầm Mát lên nặn thành gốm. Hễ nói về đất Hương Canh, bà Nhạn lại trìu mến, trân quý và coi nó là món quà được thiên nhiên ban tặng.
"Đất ở đây không giống nhưng nơi khác. Những chiếc vò được làm từ đất Hương Canh dùng đựng tương cũng ngon, ngâm rượu cũng tốt. Lọ đựng chè mà bỏ quên 6 tháng, khi mở ra vẫn giòn tan, thơm phức. Trước kia có thầy giáo về mua các lọ phát ra tiếng như các nốt nhạc đồ, rê, mi... nghe rất vui tai," bà Nhạn kể.
Nhiều năm làm nghề, bà từ một thiếu nữ trở thành người vợ, người mẹ. Ở giai đoạn nào, gốm cũng là một phần quan trọng trong cuộc đời bà. Nếu chiếc bình "Thiếu nữ" có hình những bông sen còn e ấp, chưa nở thì trên chiếc "Tình mẫu tử" và "Hạnh phúc gia đình," những cánh hoa đã bung nở.
Tên thương hiệu gốm Thanh Nhạn cũng được ghép giữa tên bà và chồng - ông Nguyễn Thanh, chủ nhiệm của hợp tác xã Hương Canh trước kia. Ông bà có với nhau 5 người con và may mắn thay, cả năm người đều làm thợ chính hoặc phụ việc tại hai lò nung của gia đình. Các con của bà trở thành thế hệ thứ tư nối tiếp truyền thống, có thể ăn nên làm ra với con đường mà cha ông đã gìn giữ suốt hơn 300 năm qua.
Đau đáu nỗi lo thất truyền...
Với bà Nhạn, bây giờ, truyền được nghề cho hai người con trai có lẽ là thành công lớn nhất. Trong 7 hộ gia đình còn làm nghề gốm truyền thống tại Hương Canh ngày nay, nhà bà Nhạn có hai xưởng lớn nhất (của anh Giang Anh và Hồng Quang - hai người con thứ 3 và thứ 4 của bà Nhạn).
Mong con gặt hái được những trái ngọt, bà làm nên tác phẩm "Hy vọng," trên đó có một cây cổ thụ thay hình tượng cha mẹ, những hoa trái vừa như các con, vừa như những thành công bà mong các con đạt được. Từ đó chiếc bình "Mã đáo thành công" thay cho lời chúc của bà.
Cả đời bà Nhạn dâng hiến cho nghề, nay các con có thể ăn nên làm ra với gốm Hương Canh nên bà vui lắm. Bà Nhạn hay đùa rằng giờ có 'hai năm mươi' cũng yên tâm về với tổ tiên. Đây cũng là lý do chiếc bình "Vinh quy bái tổ" ra đời.
Bà kể, người con trai thứ tư là anh Hồng Quang. Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, anh về quê lập nghiệp với gốm. Kiên trì theo lối gốm mỹ nghệ, tự quảng bá và mở rộng đầu ra cho sản phẩm, xưởng của anh Quang thu về tiền tỷ mỗi năm.
Xưởng của anh Giang Anh thì sản xuất đều đặn với các mặt hàng truyền thống chum, vại, tiểu..., cho thu nhập tốt. Anh cũng có những tác phẩm khai thác về mẹ như cây cổ thụ và người mẹ hay chiếc bình gốm người mẹ chăm sóc cho đàn con. "Phải có ông bà truyền nghề, đào tạo thì mình mới làm được," anh Giang Anh chia sẻ.
[Người nghệ nhân nặng lòng với gốm Hương Canh]
Trước 2010, tĩnh Vĩnh Phúc mở hai lớp dạy làm gốm Hương Canh và mời bà Nhạn đến dạy. Nhưng học trò học xong lại không có đất mở xưởng, chuyển sang làm công nhân ở các khu công nghiệp. "Tôi muốn đi dạy cho các cháu biết nghề, biết yêu đất Hương Canh, nhưng chỉ sợ chẳng ai đến học...," bà Nhạn buồn buồn.
Nguyện vọng của anh Giang Anh là sẽ truyền nghề cho ít nhất một trong hai người con trai. Nhưng có chung trăn trở với bà Nhạn, anh tâm sự: "Nghề này vất vả, bụi bẩn, tìm thợ ngoài thì khó vì người trẻ không làm. Muốn truyền nghề mà con không làm thì cũng đành chịu..."
Gốm Hương Canh sẽ về đâu là câu hỏi chưa có đáp án chắc chắn, chỉ biết rằng khi người nghệ nhân còn sống thì giá trị của làng nghề còn được lưu giữ. Như họa sỹ Lê Thiết Cương từng nói: "Trong mỗi vại muối dưa, mỗi cái ấm sắc thuốc chứa đựng văn hóa, tập tính của người Việt. Nó là truyền thống, tay nghề, nghệ thuật. Giả sử Hương Canh mất đi thì không chỉ mất một làng nghề làm chum, vại, mà là mất đi văn hóa. Tôi gọi hơi quá một chút, nhưng chính những nghệ nhân như bà Giang Thị Nhạn là những di sản người, nếu không có những nghệ nhân như bà truyền nghề, nếu nhà nào cũng chuyển sang làm gạch, ngói thì làng nghề sẽ còn lại gì?"
Và vì thế, những lớp người đi trước của làng nghề Hương Canh vẫn đang mong mỏi tìm được những người trẻ say nghề, để lò gốm Hương Canh vẫn "đỏ lửa," nghề truyền thống không bị mai một bởi thời gian.../.