Nghệ sỹ Nguyễn Văn Được với thú chơi mô hình xe lửa

Để hàng ngày có thể nhìn thấy những toa xe lửa chạy trên đường ray nhả từng đợt khói, ông Nguyễn Văn Được đã kỳ công sưu tập những mô hình xe lửa từ hơn 20 năm nay...

Để hàng ngày có thể nhìn thấy những toa xe lửa chạy trên đường ray nhả từng đợt khói, nghe được âm thanh đặc trưng của tiếng còi tàu, ông Nguyễn Văn Được (Quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh) đã kỳ công sưu tập những mô hình xe lửa từ hơn 20 năm nay...

Từ mô hình xe lửa đầu tiên mà ông sưu tập là hai xe lửa loại diezel và hơi nước do Đức sản xuất năm 1991, đến nay bộ sưu tập của ông Nguyễn Văn Được đã lên đến 180 đầu máy với 270 toa xe. Năm 2006, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục ông là “Người sưu tập mô hình xe lửa nhiều nhất Việt Nam."

Tâm sự về thú chơi của mình, ông Được cho biết: Trước đây do nhà ở gần đường xe lửa nên từ nhỏ ông đã mê mẩn tiếng còi xe, có thể ngắm nhìn từng đoàn xe lửa chạy qua cả ngày mà không biết chán. Lớn lên, ông nối nghiệp bố (là Trưởng trạm trong ngành đường sắt) làm lái tàu trong một thời gian ngắn, đã giúp ông có những trải nghiệm và càng gắn bó thân thiết với những toa xe lửa.

Sau này, ông học âm nhạc và trở thành tay guitar bass có tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh (lấy nghệ danh Lý Được), lập ban nhạc đi biểu diễn nhiều nơi cả trong và ngoài nước.

Những lần đi biểu diễn ở nước ngoài là cơ hội để ông đi săn lùng và mua về cho mình một vài toa xe, đầu máy mô hình để làm kỷ niệm. Tất cả các mô hình xe lửa của ông Được đều mua từ nước ngoài, có kiểu dáng và các chi tiết như thật với tỉ lệ được thu nhỏ lại.

Ở Việt Nam hiện nay chưa thể sản xuất những loại mô hình như thật được, chỉ là những mô hình đồ chơi dành cho trẻ em mà thôi.

Một góc bộ sưu tập mô hình xe lửa của ông Nguyễn Văn Được (Ảnh: Đặng Kim Phương/Báo Ảnh Việt Nam).
Hai mô hình xe lửa điện của Đức sản xuất trong bộ sưu tập của ông Được.
Mô hình đầu máy xe lửa Mỹ mà ông Được sưu tập được trong một lần đi biểu diễn ở nước ngoài.
Mô hình xe lửa Đức mà ông Lý Được đang sở hữu.
Ông Được thường xuyên lau chùi, bảo trì các mô hình xe lửa của mình một cách cẩn thận.
Ông Được thường xuyên lau chùi, bảo trì các mô hình xe lửa của mình một cách cẩn thận.
Năm 2006, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục Nghệ sĩ Lý Được là “Người sưu tập mô hình xe lửa nhiều nhất Việt Nam”.

Để tận mắt nhìn ngắm những toa xe lửa mô hình này, chúng tôi gặp ông tại ngôi nhà nhỏ trên đường Cô Bắc (Quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh).

Thật bất ngờ khi ông dành đa phần không gian trong nhà, từ phòng khách, tủ kính, bàn làm việc cho đến nhà sau để phục vụ cho thú vui của mình. Bộ sưu tập mô hình xe lửa của ông Được có rất nhiều loại, từ đời cũ cho đến các loại hiện đại. Có loại đầu máy chạy bằng hơi nước, than, diezel cho đến các loại chạy bằng điện. Những lần đi diễn ở châu Âu là cơ hội để nghệ sĩ Lý Được bỏ thời gian để săn lùng, mua lại các loại mô hình xe lửa, ngoài ra ông còn nhờ bạn bè thân quen mua giùm từ Mỹ, Nhật Bản, Tiệp Khắc... Vợ ông, bà Kim Đình (sinh năm 1966) là một “trợ thủ” đắc lực giúp ông gìn giữ thú chơi này suốt mấy chục năm qua. Bà Đình tâm sự: “Khi chưa cưới nhau tôi đã biết đến thú chơi tốn kém này của ông nhưng đây là sở thích của chồng nên tôi ủng hộ. Trong một dịp sinh nhật chồng, tôi đã mua tặng một bộ mô hình xe lửa làm quà, khiến ông mê tít."

Để mô hình tàu lửa thêm sinh động, năm 1996, ông Được đã nghiên cứu cách làm sa bàn để những chiếc đầu máy, toa xe lửa có thể chuyển động được như thật. Sau sáu tháng mày mò, ông đã làm ra được một mô hình sa bàn dài 3m, rộng 2,4m và dùng điện để điều khiển những toa xe. Trên sa bàn có đầy đủ các chi tiết của một hệ thống đường sắt như: đường ray, nhà ga, trạm dừng, sân ga, rào chắn, cột đèn và cả… hành khách. Ngoài ra, ông còn làm các nhà kho dùng để chứa tàu hoặc sửa chữa tàu. Người nghệ sĩ này còn tự tay thiết kế một số mô hình mô phỏng những địa điểm nổi tiếng của nước ta như đèo Hải Vân, Cầu Ghềnh… trong rất đẹp mắt và ấn tượng. Để vận hành sa bàn, ông Được đã chế tạo ra bộ điều khiển bằng tay và hệ thống điện kết nối dưới sa bàn. Ông có thể điều khiển một đoàn tàu hay nhiều đoàn tàu cùng lúc chạy trên sa bàn rất dễ dàng.

Hằng ngày, sau thời gian làm việc bận rộn, nghệ sĩ Lý Được lại thư giãn bên sa bàn với những toa xe lửa mô hình của mình. Những chiếc đầu xe lửa được khởi động cất tiếng còi hụ vang, tiếng chạy kêu xình xịch cùng từng đợt khói hừng hực thả ra như thật. Những toa xe lần lượt chạy qua cánh đồng, dòng sông, thác nước, qua đèo… chở theo những toa hành khách hay hàng hóa rồi ghé trạm, tất cả đều hiện lên sinh động và thú vị. Nghệ sĩ Lý Được tâm sự: “Tôi có thể ngồi cả ngày chỉ để xem tàu chạy mà không chán."

Ông Nguyễn Văn Được điều khiển mô hình xe lửa chạy trên sa bàn.
Trên sa bàn có nhiều đường ray, nhiều loại mô hình xe lửa, từ xe lửa chở hàng hóa đến chở hành khách.
Trên sa bàn có đầy đủ các chi tiết của một hệ thống đường sắt như: đường ray, nhà ga, trạm dừng, sân ga, rào chắn, cột đèn và cả hành khách.
Trên sa bàn ông Được còn sáng tạo làm các nhà kho dùng để chứa tàu hoặc sửa chữa tàu.
Ngoài xe lửa, ông còn thiết kế các mô hình xe ô tô, xe khách trên sa bàn.
Một góc trên sa bàn có nhiều đường ray, đèn đường, trạm gác, đèn tín hiệu và những toa xe đang hoạt động.
Ông Được cùng vợ là bà Kim Định theo dõi những toa xe lửa mô hình chạy như ngoài đời thật, một cách thư giãn thú vị sau một ngày làm việc của mình.
Những chiếc đầu xe lửa cất tiếng còi hụ vang, tiếng chạy kêu xình xịch cùng từng đợt khói hừng hực thả ra trông thật sinh động.
Những toa xe lửa chở hành khách sáng rực trong đêm đang nhẹ nhành chạy trên đường ray.
Một chiếc xe lửa chạy qua cây cầu sắt bắc ngang con sông.
Đoàn tàu chuẩn bị về ga.
Một góc phong cảnh hai bên đường ray trên sa bàn do người nghệ sỹ tự tay thiết kế.

Hiện nay, ông Được đã lập ra một nhóm khoảng 25 thành viên có cùng niềm đam mê với thú chơi này. Các thành viên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các loại mô hình xe lửa với nhau, chia sẻ những kỷ niệm của tuổi thơ gắn liền với những toa xe lửa, với tiếng còi tàu đặc trưng…/.

(Vietnam+/Báo Ảnh Việt Nam)

Tin cùng chuyên mục