Nghệ sỹ Ưu tú Minh Lý: Bền bỉ giữ 'lửa' đam mê cải lương truyền thống

Sau gần 20 năm gắn bó với cải lương, gặt hái được nhiều giải thưởng, huy chương, Nghệ sỹ Ưu tú Minh Lý vẫn nỗ lực kiên trì cống hiến cho bộ môn nghệ thuật dân tộc này.
Nghệ sỹ Ưu tú Minh Lý (phải) trong vai diễn Ngọc Tô, vở “Mai Hắc Đế” của đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên. (Ảnh: Nhà hát Cải lương Việt Nam)

Tôi gặp Nghệ sỹ Ưu tú Minh Lý trong căn phòng nhỏ hẹp của Nhà hát Cải lương Việt Nam ở phố Hồng Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Nhiều năm nay, nhà hát xuống cấp, nghệ thuật cải lương thì có thăng có trầm, đời sống nghệ sỹ luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, song chị Minh Lý vẫn bền bỉ nuôi “lửa nghề.”

Câu cải lương 'ru' thời thơ ấu

Tình yêu với cải lương nảy nở trong Nghệ sỹ Ưu tú Minh Lý từ khi chị còn rất nhỏ. Mặc dù gia đình không có ai theo nghệ thuật nhưng bố và cô của chị Minh Lý lại hát cải lương rất hay.

Những câu ca trong các vở cải lương kinh điển “Tiếng trống Mê Linh, “Bên cầu dệt lụa” đã ngấm dần vào Minh Lý khiến chị yêu bộ môn nghệ thuật này lúc nào không hay.

Những danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú Minh Lý đạt được trong gần 20 năm làm nghề. (Ảnh: NVCC)

“Lúc ấy tôi còn nhỏ, không thực sự hiểu ý nghĩa của những câu ca ấy, chỉ thấy thật ngọt ngào, tha thiết. Tối nào cả nhà cũng nghe cải lương trên đài trước khi đi ngủ. Những giai điệu ấy cứ ru mình ngủ và thấm vào mình như thế suốt thời thơ ấu,” nghệ sỹ Minh Lý tâm sự.

Với tình yêu dành cho cải lương từ nhỏ, cô học trò Minh Lý mạnh dạn tham gia biểu diễn văn nghệ ở trường, ở địa phương bằng các bài ca cải lương. Dần dà, Minh Lý tự nhận thấy mình có tố chất nghệ thuật và theo đuổi con đường này. Sau khi học trung cấp thanh nhạc, chị tiếp tục học lên đại học tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, chuyên ngành cải lương, thuộc Khoa Kịch hát Dân tộc.

Khi đã trưởng thành, chị được về công tác tại Nhà hát Cải lương Việt Nam, “cánh chim đầu đàn” của cải lương phía Bắc. Đây là nơi chị được thỏa sức đam mê, thăng hoa trong nhiều vai diễn “để đời.” Chị đã thu hái được “trái ngọt” là danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú cao quý và nhiều giải thưởng, huy chương tại các liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.

“Gần 20 năm làm nghề, tôi thấy mỗi vai diễn đều đáng nhớ, đều là cơ hội để tôi được rèn luyện. Tôi luôn tâm niệm từ lúc mới chân ướt chân ráo vào nghề cho đến lúc thành danh, lúc nào cũng cần sự cầu tiến, ham học hỏi,” chị Minh Lý chia sẻ.

Chị Minh Lý trong vai Công chúa Quỳnh Trân. (Ảnh: Nhà hát Cải lương Việt Nam)

Đặc biệt lưu lại ấn tượng trong sự nghiệp nghệ thuật của Nghệ sỹ Ưu tú Minh Lý phải kể đến vai Công chúa Quỳnh Trân trong vở “Bà Chúa Mõ” của đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Quỳnh Mai.

“Vai diễn thể hiện số phận, nghị lực của Công chúa Quỳnh Trân. Tuy phận nữ nhi không thể ra chiến trận nhưng công chúa vẫn tìm cách bảo vệ đất nước, xả thân vì đất nước, nhân dân. Đây là vai diễn mang lại cho tôi nhiều cảm xúc và kinh nghiệm quý báu,” nghệ sỹ tâm sự.

Thành công nhờ sự dấn thân

Ở thời hoàng kim, nghệ sỹ cải lương sống “khỏe” khi liên tục lưu diễn ở các địa phương. Khán giả nô nức tới nhà hát xem các vở kinh điển: “Khúc oan vô lượng,” “Tô Ánh Nguyệt,” “Đời cô Lựu”

Tuy nhiên, những năm gần đây, nói đến cải lương phía Bắc, nhiều người nén tiếng thở dài vì cuộc sống khó khăn, vất vả. Có nghệ sỹ đã vào biên chế vẫn bỏ nghề về quê hoặc làm thêm công việc khác để kiếm sống.

Nghệ sỹ Minh Lý thể hiện hình tượng Mẫu Liễu Hạnh trong vở “Thượng thiên Thánh mẫu.” (Ảnh: NVCC)

Giữa dòng chảy không ngừng của xã hội hiện đại, nghệ thuật cải lương đang dần trở nên xa lạ với khán giả trẻ.

Với chị Minh Lý, hành trình gìn giữ và phát triển bộ môn này đầy gian truân. Có thời điểm, chị đã ngồi trầm ngâm trong nhà hát, tự hỏi liệu có nên tiếp tục theo đuổi giấc mơ cải lương hay không, khi mà cơ hội nghề nghiệp quá ít ỏi, mà nguồn thu nhập cũng không đủ để trang trải cuộc sống.

“Đối với người nghệ sỹ, nghĩ đến từ bỏ đam mê nghệ thuật là điều vô cùng đau lòng, nhưng đó là thực tế mà tôi và nhiều đồng nghiệp phải đối mặt. Sau nhiều trăn trở, vì yêu quá không bỏ được mà tôi phải tìm cách để vừa giữ nghề, vừa đảm bảo kinh tế gia đình,” chị Minh Lý tâm sự.

Để vượt qua khó khăn, chị quyết định học thêm nhiều bộ môn nghệ thuật khác như dân ca, hát xẩm, chầu văn, ca trù. Chính sự nỗ lực ấy đã giúp chị trở thành một nghệ sỹ đa tài, có thể thích nghi với nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn khác nhau đồng thời góp phần giữ “lửa” cho cải lương trong giai đoạn khan hiếm cơ hội.

Nghệ sỹ Minh Lý vào vai Hoàng hậu Salimah trong vở “Công chúa Huyền Trân” của đạo diễn Triệu Trung Kiên. (Ảnh: NVCC)

Một dấu son trong sự nghiệp của chị Minh Lý là vai chính trong vở “Thượng Thiên Thánh Mẫu” năm 2022 – tác phẩm sân khấu kết hợp giữa cải lương và xiếc của Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

“Thượng Thiên Thánh Mẫu,” nghệ thuật đã được “vượt biên” và nghệ sỹ cũng được trải nghiệm thử thách vượt qua “vùng an toàn” của mình.

Chị Minh Lý trong vai Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã học cách thăng bằng trên dây treo, làm ảo thuật, thành công thể hiện hình tượng Thượng Thiên Thánh Mẫu thần thông, biến hóa.

Vừa hát cải lương vừa đu bay trên dải lụa ở độ cao 10m là điều mà không phải nghệ sỹ nào cũng dám làm. Những ngày đầu tập luyện, toàn thân chị đau nhức, bàn tay níu dây đến bỏng rát, nhưng rồi dần quen, chị giữ được thăng bằng và bắt đầu kết hợp phong thái của nghệ sỹ cải lương để hoàn thành phân cảnh một cách ngoạn mục.

Nghệ sỹ Minh Lý vừa hát vừa đu dây trong vở diễn "Thượng Thiên Thánh Mẫu." (Ảnh: NVCC)

Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam đánh giá Nghệ sỹ Ưu tú Minh Lý là một trong những nghệ sỹ cải lương tài năng và tâm huyết, luôn nỗ lực không ngừng để giữ gìn và phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Theo ông Kiên, Nhà hát Cải lương Việt Nam đang cố gắng trong hoàn cảnh hiện tại để tạo ra những tác phẩm tốt nhất phục vụ cho khán giả, cố gắng chuyển mình để phù hợp, thích nghi với xu thế của xã hội. Sứ mệnh của người nghệ sỹ là phải cố gắng để nền nghệ thuật truyền thống đi lên, bộ môn mình đang theo đuổi có thể phát triển vững vàng.

“Thành công của vở ‘Thượng Thiên Thánh Mẫu’ cho thấy sự dấn thân và nỗ lực của nghệ sỹ cải lương. Họ không chỉ hát tốt mà còn tham gia các màn trình diễn xiếc đòi hỏi kỹ thuật cao. Điều này thể hiện khả năng thích nghi của cải lương với thời đại mới và cũng là chìa khoá để cải lương sống được trong xã hội hiện đại,” ông Kiên nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục