Nghệ sỹ Ưu tú Tiến Hợi- người giữ kỷ lục với các vai diễn về Bác Hồ

Với khoảng 40 vai diễn về Bác Hồ ở các thể loại sân khấu, điện ảnh, phim truyền hình, Nghệ sỹ Ưu tú Tiến Hợi giữ kỷ lục là người được đóng vai Bác Hồ nhiều nhất và thành công nhất.
Nghệ sỹ hóa trang Tiến Hợi hóa trang vai Bác Hồ. (Ảnh: Tất Sơn/TTXVN)

Thông tin Nghệ sỹ Ưu tú Tiến Hợi qua đời ở tuổi 63 khiến nhiều đồng nghiệp và khán giả vô cùng tiếc thương.

Với khoảng 40 vai diễn về Bác Hồ ở các thể loại sân khấu, điện ảnh, phim truyền hình..., đến nay, Nghệ sỹ Ưu tú Tiến Hợi là người được khán giả nhớ đến với các vai diễn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông cũng là người giữ kỷ lục là người được đóng vai Bác Hồ nhiều nhất và thành công nhất.

Nghệ sỹ Ưu tú Tiến Hợi sinh năm 1959. Quê cha ở Nghệ An, quê mẹ ở Hà Nội. Năm 1987, khi ông đang công tác tại đoàn kịch Trường Sơn, đạo diễn Doãn Hoàng Giang về dựng vở kịch "Đêm trắng" - vở kịch đầu tiên về Bác Hồ với việc chống tham nhũng.

Trong vở diễn, Bác đã thức trắng đêm với bao trăn trở, đau đớn khi đưa ra quyết định xử tử Đại tá Cục trưởng Cục Quân nhu vì tội tham ô, biển thủ công quỹ. Trong số các diễn viên được thử vai Bác Hồ, Tiến Hợi là người có ngoại hình giống Bác nhất nên ông được đạo diễn giao đóng vai Bác Hồ.

Là một nghệ sỹ trẻ, lần đầu đảm nhận vai diễn về Bác Hồ, nghệ sỹ Tiến Hợi lo lắm. Nhưng được anh em trong đoàn động viên, ông đã cố gắng dành rất nhiều công sức tìm tòi, nghiên cứu vai diễn.

Ông đề nghị được cho xem các phim tư liệu về Bác để học theo phong cách, thần thái, động tác của Bác trong khi làm việc, trong đời sống thường ngày.

Ông thu lại giọng nói của Bác vào băng ghi âm, về nghe đi nghe lại để học và luyện nói theo... Ròng rã nhiều tháng trời học tập và rèn luyện, dần dần, ông "ngấm" phong cách, thần thái, giọng nói của Bác Hồ và ông đã thể hiện thành công vai diễn đầu tiên về Bác Hồ của mình.

Vở kịch "Đêm trắng" khi đó được diễn gần 300 đêm ở các tỉnh, thành phía Bắc. Đi đến đâu, đoàn cũng được nhân dân nhiệt tình đón nhận, cổ vũ.

Năm 1988, Nghệ sỹ Ưu tú Tiến Hợi về đầu quân cho Nhà hát Kịch Hà Nội và công tác ở đó từ năm 1988 tới nay.

Thành công của vai diễn Bác Hồ của ông trong vở kịch "Đêm trắng" đã được nhiều đạo diễn "để mắt" tới. Sau này, mỗi khi có một tác phẩm sân khấu, điện ảnh nào có sự xuất hiện của Bác Hồ, các đạo diễn lại tìm đến ông.

Đạo diễn Long Vân, khi quyết định bấm máy bộ phim truyện "Hẹn gặp lại Sài Gòn" đã không ngần ngại chọn Tiến Hợi vào vai Nguyễn Tất Thành – người thanh niên trẻ đang nung nấu ước nguyện ra đi tìm đường cứu nước.

Để thể hiện thành công vai Nguyễn Tất Thành, Nghệ sỹ Ưu tú Tiến Hợi đã vào Huế, tìm gặp các cụ già sống cùng thời với Bác Hồ để tìm hiểu xem thanh niên thời đó nghĩ gì, làm gì và sống như thế nào, sau đó ông về luyện tập và thể hiện vai diễn về một thanh niên trong sáng, giàu nghị lực, sống mộc mạc, chân chất nhưng đầy lý tưởng và hoài bão.

Đến năm 1997, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã mời ông vào vai Hồ Chủ tịch lịch lãm, kiên định, trong phim "Hà Nội, mùa Đông năm 46."

Sau này, trong nhiều bộ phim, vở kịch sân khấu khác, các đạo diễn cũng tín nhiệm và mời ông đóng vai Bác Hồ.

Trong suốt chặng đường hoạt động nghệ thuật của mình, Nghệ sỹ Ưu tú Tiến Hợi đã có hơn 40 lần đóng vai Bác Hồ trong các vở kịch, phim điện ảnh, phim truyền hình khác nhau, cùng hàng trăm vai diễn về Bác Hồ trong những sự kiện, chương trình lễ hội, lễ kỷ niệm có trích đoạn về hình tượng Bác Hồ.

[Nghệ sỹ ưu tú Tiến Hợi - Diễn viên thể hiện vai Bác Hồ xuất sắc nhất]

Năm 2013, sách Kỷ lục Guinness của Việt Nam đã xác nhận "Tiến Hợi là nghệ sỹ thể hiện thành công vai Bác Hồ nhiều thể loại nhất."

Sinh thời, Nghệ sỹ Ưu tú Tiến Hợi từng chia sẻ, được vào vai Bác Hồ là một vinh dự lớn, là niềm tự hào của bản thân ông, nhưng bên cạnh đó áp lực cũng rất lớn.

Nghệ sỹ ưu tú Tiến Hợi là người thể hiện hình tượng nghệ thuật Bác Hồ nhiều nhất. (Ảnh: Tất Sơn/TTXVN)

Nghệ sỹ Ưu tú Tiến Hợi cũng thừa nhận, nghiệp diễn viên của ông gắn liền với vai Bác Hồ, mà đó cũng là vai ông tâm huyết nhất, luôn đau đáu, tìm tòi và sáng tạo… Từ những vở diễn trên sân khấu, trong điện ảnh, phim truyền hình, đóng Bác Hồ thời trẻ cũng như khi Bác về già… ông luôn tìm tòi, đọc tài liệu, xem đi xem lại các phim tư liệu để khai thác những nét mới trong những lần diễn khác nhau.

Vẫn là Bác Hồ, nhưng phong cách, tính cách của Bác ở mỗi một giai đoạn cũng khác nhau và ông luôn tìm tòi những nét riêng đó, để làm sao làm bật lên dáng dấp, con người của Bác, nhưng nó không thoát khỏi sự dung dị, mộc mạc đời thường của Bác…, ông luôn cố gắng thể hiện sự dung dị, gần gũi, thân mật của Bác Hồ trong từng vai diễn của mình.

Nghệ sỹ Ưu tú Lê Chức, Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam chia sẻ, hình tượng nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên sân khấu có một số nghệ sỹ thể hiện như Tiến Hợi, Đức Trung, Văn Tân, Nguyễn Ngọc Thủy, Thanh Điềm… nhưng Tiến Hợi là nghệ sỹ có ngoại hình rất gần với Bác Hồ ở giai đoạn trước 1954 và sau đó một số thời gian sau.

Dường như Tiến Hợi được sinh ra để thể hiện hình tượng Bác Hồ vậy…

Trong thời gian công tác tại Nhà hát Kịch Hà Nội, Nghệ sỹ Ưu tú Tiến Hợi đã tham gia nhiều vở kịch như "Xin lĩnh án tử hình," "Vùng lạnh," "Sám hối," "Vòng đời," "Vị thánh trong mơ," "Những người con Hà Nội..."

Ông cũng tham gia đóng nhiều bộ phim truyền hình, điện ảnh nổi tiếng như "Hà Nội - mùa Đông năm 46," "Hẹn gặp lại Sài Gòn," "Hoa ban trắng," "Hoa ban đỏ," "Dãy bàn 4 người," "Cảnh sát hình sự," "Người phán xử," "Bi kịch chưa đặt tên..."

Năm 1992, Nghệ sỹ Ưu tú Tiến Hợi được trao Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc với vai diễn về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở "Xin lĩnh án tử hình." Năm 2018, ông được trao Huy chương Bạc tại Liên hoan Sân khấu toàn quốc với vai diễn trong vở "Vùng lạnh."

Thông tin từ gia đình cho biết, lễ viếng Nghệ sỹ Ưu tú Tiến Hợi diễn ra vào lúc 17 giờ ngày 11/2 tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang diễn ra vào lúc 18 giờ 30 phút cùng ngày. Hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Văn Điển, Hà Nội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục