Nghệ thuật tác chiến chiến dịch trong 30 năm chiến tranh giải phóng

Nghệ thuật tác chiến chiến dịch Việt Nam được hình thành và phát triển trong những điều kiện cụ thể của mỗi cuộc chiến tranh, gắn liền với những đặc điểm đất nước, con người Việt Nam.
Chiến sỹ Cảm tử quân sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Thủ đô. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết của Trung tướng, phó giáo sư, tiến sỹ Võ Tiến Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng với nhan đề "Nghệ thuật tác chiến chiến dịch trong 30 năm chiến tranh giải phóng."

Nghệ thuật tác chiến chiến dịch Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975) được hình thành và phát triển trong những điều kiện cụ thể của mỗi cuộc chiến tranh, gắn liền với những đặc điểm đất nước, con người Việt Nam.

Những hoạt động tác chiến chiến dịch được tiến hành trên cơ sở đường lối chiến tranh nhân dân, được kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai phương thức tác chiến du kích và tác chiến chính quy mang tính chất của chiến tranh giải phóng dân tộc chống lại những kẻ thù xâm lược có quân đông, có trang bị, vũ khí nhiều và hiện đại.

Những hoạt động tác chiến chiến dịch bao gồm “tổng thể các hoạt động chiến đấu của lực lượng vũ trang, diễn ra bằng các trận chiến đấu đồng thời hay kế tiếp, liên kết chặt chẽ với nhau, trong đó có những trận then chốt, có hoặc không kết hợp với khởi nghĩa vũ trang và các hình thức đấu tranh khác của quần chúng, trong một không gian và thời gian nhất định, theo một kế hoạch thống nhất và sự lãnh đạo chỉ huy thống nhất, nhằm thực hiện những nhiệm vụ quân sự-chính trị do chiến lược đề ra.”

Tuy nhiên, những “tổng thể các hoạt động chiến đấu” đó đã được vận dụng rất sáng tạo, khi lựa chọn và tổ chức thực hiện ở từng loại hình chiến dịch cụ thể.

Trong 30 năm chiến tranh giải phóng, các loại hình chiến dịch cũng phát triển từ thấp đến cao, theo sự phát triển về biên chế tổ chức của lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật sử dụng, điều hành cũng ngày càng hoàn thiện; loại hình chiến dịch cũng đa dạng.

Những loại hình chiến dịch đã diễn ra mang tính phổ biến, thường xuyên xuất hiện như chiến dịch tiến công, chiến dịch phản công. Có loại hình chiến dịch xuất hiện ít hơn như chiến dịch tiến công tổng hợp, chiến dịch phòng ngự, chiến dịch phòng không...

Mỗi loại hình chiến dịch giữ vị trí vai trò nhất định trong chiến tranh và có hình thức tổ chức, sử dụng lực lượng, phương thức hành động riêng để đánh bại những biện pháp, thủ đoạn nhất định của đối phương.

Quy mô các loại hình chiến dịch cũng rất đa dạng, khác nhau; có chiến dịch quy mô nhỏ, quy mô vừa và quy mô lớn; có chiến dịch mang ý nghĩa chiến lược-chiến dịch quyết chiến chiến lược.

Từ thực tiễn rất phong phú, đa dạng của hơn một trăm chiến dịch trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, có thể thấy đặc điểm nghệ thuật tác chiến chiến dịch Việt Nam, trước hết và chủ yếu là nghệ thuật chiến dịch của chiến tranh nhân dân ngày càng phát triển cao, được tổ chức trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, sử dụng lực lượng cả ba thứ quân bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích.

Đây là lực lượng nòng cốt của chiến dịch, đồng thời cũng là linh hồn của nghệ thuật tác chiến chiến dịch trong hệ thống nghệ thuật quân sự Việt Nam. Điều này đã phản ánh tính tổng hợp toàn diện của nghệ thuật tác chiến chiến dịch: mục đích tổng hợp, sử dụng lực lượng tổng hợp và đánh địch bằng phương thức tổng hợp để trực tiếp tạo ra sức mạnh tổng hợp, đánh bại đối phương ở những thời điểm, thời cơ, những trận đánh then chốt và chiến dịch mang tính quyết chiến chiến lược.

Đặc điểm lịch sử nghệ thuật tác chiến chiến dịch Việt Nam đã phản ánh đầy đủ tư tưởng tích cực, chủ động, kiên quyết, liên tục tiến công.

Tư tưởng chiến lược tiến công là tư tưởng chỉ đạo nổi bật của chiến tranh nhân dân. Xem xét ở phạm vi hình thức cho thấy “trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đã có gần 98% tổng số các chiến dịch là chiến dịch tiến công và chiến dịch phản công.”

Tư tưởng tiến công, là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, được quán triệt đến mọi cán bộ, chiến sỹ và được vận dụng ở các loại hình tác chiến chiến dịch. Đồng thời, tư tưởng tích cực, chủ động, kiên quyết, liên tục tiến công cũng là một tư duy trực tiếp hình thành sự sáng tạo trong các hoạt động tác chiến, không chỉ ở phạm vi một trận đánh, một chiến dịch, mà còn thể hiện sự vượt trội đối phương về nhãn quan quân sự; một bài học kinh nghiệm vô giá mang giá trị lý luận nghệ thuật tác chiến chiến dịch trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Nghệ thuật tác chiến chiến dịch Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ bao gồm những nội dung cơ bản, cốt lõi sau:

Một là, chọn hướng (khu vực), mục tiêu, đối tượng tác chiến đúng, phù hợp với từng giai đoạn của cuộc chiến, khả năng của chiến dịch.

Đây là một nội dung cơ bản của nghệ thuật vận dụng không gian trong chiến tranh nói chung cũng như chiến dịch nói riêng. Lựa chọn hướng mở chiến dịch thuộc phạm vi chiến lược, song đã có tác động trực tiếp đến nghệ thuật tác chiến chiến dịch.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thắng lợi của các chiến dịch quan trọng đều gắn liền với nghệ thuật chọn hướng mở chiến dịch và ngược lại; một số chiến dịch không đạt được trọn vẹn mục đích, yêu cầu đã đề ra và lực lượng ta bị tổn thất, trong đó có nguyên nhân quan trọng là ta đã chọn hướng không chính xác.

Trên cơ sở điều kiện địa lý, so sánh lực lượng và những dự báo quá trình tác động qua lại về hoạt động quân sự giữa ta và địch; trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, vùng rừng núi với địa hình hiểm trở là địa bàn thuận lợi nhất cho ta chọn để mở các chiến dịch tiến công, phản công quy mô lớn.

Trong chiến dịch Biên giới (năm 1950), bộ đội ta phát triển chưa đủ mạnh, trang bị còn thô sơ, nên chọn vào nơi địch phòng ngự mỏng yếu, kéo dài, kéo địch ra khỏi công sự để đánh và khu vực mở chiến dịch là rừng núi biên giới, phù hợp với lối đánh sở trường của bộ đội ta. Thắng lợi của chiến dịch đã mở toang cánh cửa để ta có thể tiếp thu viện trợ của bạn bè quốc tế.

Hay chiến dịch Quảng Trị (1972), Chiến dịch Tây Nguyên (1975), Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975), khi bộ đội ta đã mạnh, trang bị vũ khí khá tốt, ta đã đột kích vào nơi phòng ngự cứng của địch.

Thắng lợi của các chiến dịch này đã làm rung chuyển toàn bộ thế trận phòng ngự của địch, tạo ra phản ứng dây chuyền tiến tới sụp đổ (Chiến dịch Tây Nguyên 1975) hoặc sụp đổ hoàn toàn (Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975).

Khi ta đột phá địch trong công sự để khêu ngòi thì ta hơn hẳn địch, có thể 7/1 như trận Đông Khê trong chiến dịch Biên giới 1950 hoặc đột phá Điện Biên Phủ trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Nhưng khi đã kéo được địch ra khỏi công sự thì lực lượng ta chỉ cần bằng lực lượng địch, như trận Cốc Xá (trong chiến dịch Biên giới 1950).

Nghệ thuật chọn hướng (khu vực), mục tiêu, đối tượng tác chiến, là nội dung đầu tiên phản ánh nghệ thuật tác chiến chiến dịch. Mỗi chiến dịch đều có mục đích, nhiệm vụ nhất định.

Phương châm chung khi ta mở chiến dịch đều hướng tới đánh trúng, đánh hiểm, tìm chỗ yếu, chỗ sơ hở của địch, trực tiếp tạo ra chỗ yếu, chỗ sơ hở trong chỗ mạnh của địch để đánh trúng những huyệt hiểm yếu của chúng; tạo ra sự phản ứng dây chuyền, lấy đánh địch ngoài công sự là chủ yếu.

Hai là, cách đánh chiến dịch. Cách đánh chiến dịch trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ là cách đánh của chiến tranh nhân dân phát triển cao, vận dụng tổng hợp cách đánh của nhiều lực lượng; kết hợp nhiều phương thức và quy mô tác chiến (đánh du kích, đánh vận động, đánh trận địa; đánh phân tán, đánh tập trung hiệp đồng binh chủng; đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn...). Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng, cơ sở hình thành và phát triển nghệ thuật tác chiến chiến dịch.

Khi quân Mỹ mới vào miền Nam, chúng rất hung hăng, đề ra chiến lược “tìm diệt.” Lực lượng quân giải phóng miền Nam lúc bấy giờ chưa mạnh, các sư đoàn chủ lực chưa nhiều. Ta có một số sư đoàn nhưng quân số ít, biên chế chưa đồng bộ, hỏa lực chưa mạnh. Các chiến dịch Plây Me, Đồng Dương-Hiệp Đức (1965), Tây Sơn Tịnh (1966), Đắc Tô (1967) ta đều chọn cách đánh “đánh điểm diệt viện,” nhằm kéo địch ra ngoài công sự để đánh.

Cách đánh là lĩnh vực biểu hiện tập trung nhất tính sáng tạo, yếu tố cấu thành nghệ thuật tác chiến chiến dịch; là căn cứ chủ yếu để tổ chức chuẩn bị và thực hành tác chiến chiến dịch. Tổ chức, sử dụng lực lượng và tạo lập thế trận chiến dịch là để thực hiện cách đánh đã lựa chọn; kết quả của chiến dịch cuối cùng tùy thuộc vào sự đúng đắn của cách đánh.

Cách đánh chiến dịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Mục đích chiến dịch, tình hình địch, khả năng của ta, địa hình; sự tác động qua lại chuyển hóa giữa ta và địch, dự báo những phát triển của đôi bên. Trong đó, tiêu diệt sinh lực địch luôn là mục đích quan trọng nhất; là tiền đề để thực hiện thắng lợi các mục đích khác của chiến dịch.

Tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ về tiềm lực kinh tế, quân sự, vũ khí trang bị cụ thể, ta thường kém hơn địch. Ở phạm vi chiến dịch ta đã tạo được so sánh tương đương 1/1. Tư tưởng chỉ đạo của ta là “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều.”

Tuy nhiên, quy luật của chiến tranh là mạnh được yếu thua. Tương quan so sánh lực lượng là thế nhưng ta đã biết tạo ra ưu thế hơn hẳn địch ở những thời điểm, thời cơ, địa bàn; những trận then chốt, then chốt quyết định; ưu thế ở những chiến dịch quyết chiến chiến lược để giành thắng lợi cách đánh của chiến dịch đã xác định. Đây chính là mấu chốt; là tư duy sáng tạo vượt trội trong quá trình hình thành phát triển nghệ thuật tác chiến chiến dịch của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Ba là, tạo lập thế trận tác chiến chiến dịch đi đôi với phá thế trận của địch. Đây chính là bài học lịch sử của ông cha ta đã đúc kết thành “Được thời, có thế thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn; mất thời, không thế thì mạnh hóa ra yếu, yên lại thành nguy, sự thay đổi ấy chỉ trong khoảng trở bàn tay.” Kế thừa và phát huy truyền thống đánh giặc của tổ tiên, nghệ thuật quân sự cũng như nghệ thuật tác chiến trong các loại hình chiến dịch của ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã luôn coi trọng việc lập thế, tạo thế ở cả quy mô chiến lược và chiến dịch.

Lập thế trận tác chiến trong các loại hình tác chiến chiến dịch là cơ sở đầu tiên để tạo thế chiến dịch có lợi. Đó chính là việc tổ chức, bố trí, triển khai các lực lượng chiến dịch và thiết bị chiến trường một cách thích hợp với từng loại hình tác chiến trên các địa bàn chiến dịch.

Sự bố trí, triển khai lực lượng, thiết bị chiến trường hình thành một thế trận vững chắc, hiểm hóc và cơ động, nhằm thực hành thắng lợi trận đánh then chốt đầu tiên (mở đầu).

Trên cơ sở diễn biến tác chiến chiến dịch, người chỉ huy và cơ quan tham mưu chiến dịch luôn nắm vững quyền chủ động, tổ chức điều hành chuyển hóa thế trận một cách kịp thời, trực tiếp tạo ta một thế trận mới áp đảo kẻ địch, giành ưu thế để tổ chức thắng lợi trận then chốt tiếp theo, hoặc trận then chốt quyết định, đồng thời hoàn thành các nhiệm vụ khác của chiến dịch.

Sự liên kết chặt chẽ này, không những đã phản ánh tư tưởng tiến công, mà còn chứng minh cho mối quan hệ biện chứng giữa nghệ thuật tạo lập thế trận với nghệ thuật chọn hướng (khu vực), mục tiêu, đối tượng tác chiến và nghệ thuật lựa chọn cách đánh trong nghệ thuật tác chiến chiến dịch. Đây cũng là một trong những nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam; trong đó có nội dung của nghệ thuật tác chiến của các loại hình chiến dịch, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Lập thế trận tác chiến trong các loại hình tác chiến chiến dịch không chỉ có việc tổ chức, bố trí, triển khai các lực lượng chiến dịch và thiết bị chiến trường mà còn bao gồm những biện pháp hoạt động, kể cả hoạt động tác chiến để tạo lập thế trận của ta. Đặc biệt là nghệ thuật kết hợp giữa chiến tranh du kích với tác chiến của bộ đội chủ lực, giữa tiến công và nổi dậy, giữa quân sự, chính trị và địch vận; kết hợp chặt chẽ giữa tạo lập thế trận của ta với phá thế trận của địch, đẩy quân địch vào thế bị động.

Khi ta đã tạo được thế chủ động tiến công thì địch sa vào thế phòng ngự, ta có thế bao vây chia cắt thì địch ở vào thế bị vây hãm, cô lập... Thế trận sẽ chuyển hóa theo hướng: ta đang ở thế bị động chống lại cuộc tiến công của địch thì chuyển sang thế chủ động tiến công lại chúng, còn quân địch thì ngược lại.

Quá trình tạo lập thế trận của ta đồng thời cũng là quá trình phá thế địch. Quá trình tạo lập thế trận ban đầu, tạo lập thế trận đánh trận then chốt; trận then chốt quyết định để dành thắng lợi giòn giã trong tác chiến chiến dịch, chỉ khi nào tư tưởng tích cực, chủ động, kiên quyết, liên tục tiến công được tư lệnh và cơ quan tham mưu quán triệt tốt, vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong suốt quá trình tổ chức thực hành tác chiến chiến dịch.

Các chiến dịch Biên giới 1950; các hoạt động nghi binh, tạo thế của các chiến dịch trong chiến cục Đông Xuân 1953-1954; Chiến dịch Plây Me 1965; Chiến dịch Sa Thầy 1966; Chiến dịch Đắc Tô I 1967 là những ví dụ điển hình.

Nét nổi bật của nghệ thuật chiến dịch Việt nam là nghi binh lừa địch, nhằm giữ được bí mật bất ngờ trong chuẩn bị và thực hành chiến dịch; bảo toàn được lực lượng ta, có điều kiện thời cơ để chiến dịch tạo lập thế trận vững chắc và chuyển hóa thế trận linh hoạt, nhanh chóng giành thắng lợi.

Các hoạt động nghi binh, tạo thế của cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968; Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972; Chiến dịch Tây Nguyên 1975... là những điển hình về nghệ thuật nghi binh, tạo lập thế trận ta, phá thế trận địch; một trong những thành phần không thể thiếu của giá trị nghệ thuật tác chiến chiến dịch trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Bốn là, tổ chức, sử dụng lực lượng chiến dịch. Tổ chức sử dụng lực lượng là khâu then chốt, quyết định trong quá trình phát triển tác chiến chiến dịch. Tổ chức sử dụng lực lượng trong chiến tranh, hay tổ chức sử dụng lực lượng chiến dịch cụ thể, thắng lợi cuối cùng tùy thuộc vào tương quan thế và lực giữa hai bên trên chiến trường. Bởi vì, lực lượng là cơ sở vật chất để triển khai thế trận và thực hành tác chiến chiến dịch.

Thực tiễn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho thấy lực lượng phát triển đến một mức độ nhất định thì mới hình thành được các trận đánh lớn; hình thành được chiến dịch; lực lượng càng phát triển, thế trận càng vững chắc thì quy mô và kết cục thắng lợi chiến dịch càng lớn. Vì vậy, sau khi cấp chiến lược đã quyết định tổ chức chiến dịch, xác định mục đích, nhiệm vụ, cấp chiến dịch đã xác định ý định tác chiến (trong đó có cách đánh-phương pháp tác chiến) thì việc tổ chức, sử dụng lực lượng là một khâu cơ bản, quyết định để thực hiện thắng lợi mục đích, nhiệm vụ và ý định tác chiến.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, ta luôn quán triệt, vận dụng quan điểm phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân. Việc tổ chức, sử dụng lực lượng trong chiến dịch luôn gắn liền với quá trình phát triển, trưởng thành của lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị, đặc biệt là bộ đội chủ lực cả về tổ chức biên chế, trang bị, trình độ, khả năng tác chiến.

Lịch sử đã chứng minh, từ khởi nguồn là 34 chiến sỹ của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, đến khi lực lượng vũ trang phát triển đến quy mô trung đoàn, liên trung đoàn lên quy mô sư đoàn và nhiều sư đoàn; đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ đã trưởng thành vượt bậc cả về số lượng và chất lượng; đã tổ chức trận quyết chiến chiến lược bằng năm quân đoàn hùng mạnh. Đó là sức mạnh tích tụ hơn 30 năm của cuộc kháng chiến, đồng loạt tiến công vào dinh lũy của chính quyền tay sai, buộc chúng phải đầu hàng không điều kiện, kết thúc cuộc trường chinh vì độc lập dân tộc, vì tự do hòa bình, thống nhất Tổ quốc.

Như vậy, việc tổ chức sử dụng lực lượng chiến dịch của ta phát triển theo xu hướng từ nhỏ đến lớn; từ đơn giản đến phức tạp và mang tính tổng hợp ngày càng cao và luôn giữ vị trí quyết định trong một trận đánh, một chiến dịch, đã thể hiện tính nghệ thuật cao trong tác chiến chiến dịch.

Số lượng ta ít hơn, vũ khí trang bị ta kém hơn, khả năng cơ động ta hạn chế hơn, nhưng ta biết cách thức tổ chức hợp lý, linh hoạt, tiết kiệm, tận dụng và phát huy được khả năng, tính sáng tạo của mọi lực lượng, mọi thứ vũ khí trang bị, sử dụng đúng thời cơ, tập trung vào những nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu của chiến dịch. Thế trận chiến dịch đã tận dụng được thế của cấp chiến lược tạo ra, thế trận chiến tranh nhân dân địa phương và thế trận do chính chiến dịch tạo thành. Vì vậy, chiến dịch không hình thành trận tuyến giữa ta với địch, do đó tổ chức sử dụng lực lượng chiến dịch cũng không hình thành thê đội mà tổ chức thành các bộ phận lực lượng theo yêu cầu và nhiệm vụ; mục tiêu tác chiến và cách đánh của từng chiến dịch cụ thể.

Mỗi chiến dịch cụ thể; mỗi loại hình chiến dịch đều có cách đánh riêng. Vì vậy, tổ chức sử dụng lực lượng chiến dịch cũng tùy thuộc vào mục tiêu và cách đánh của từng chiến dịch. Nhưng nhìn chung, ta luôn chú trọng sử dụng đúng vị trí, chức năng, sở trường của từng lực lượng, từng thứ quân, từng đơn vị; phát huy hết hiệu lực chiến đấu của từng bộ phận, từng loại vũ khí, phối hợp chặt chẽ với nhau, tạo thành sức mạnh tổng hợp lớn nhất, giành thắng lợi trong quá trình tác chiến chiến dịch.

Nghệ thuật quân sự rất coi trọng vấn đề sử dụng lực lượng tập trung. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy không thể có một công thức cố định nào về tập trung lực lượng đến mức nào cho một trận đánh, một loại hình chiến dịch. Các chiến dịch của ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, các tư lệnh và cơ quan tham mưu đã vận dụng rất linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế về địch, về ta, địa hình, cách đánh trong từng chiến dịch cụ thể. Từ đó, có thể tập trung lực lượng tạo ưu thế sức mạnh cần thiết vào địa điểm mục tiêu và thời cơ có lợi nhất, hình thành những quả đấm mạnh, đánh trúng mục tiêu chủ yếu, đối tượng tác chiến chủ yếu của chiến dịch. Đây là một nguyên tắc của nghệ thuật quân sự nói chung, nghệ thuật tác chiến chiến dịch nói riêng.

Trong điều kiện so sánh lực lượng ta thường không hơn địch về quân số, vũ khí, trang bị kỹ thuật, tiếp tế và cơ động; việc vận dụng sáng tạo nguyên tắc này mang lại hiệu quả tác chiến là một nghệ thuật trong quá trình tổ chức, thực hành tác chiến chiến dịch.

Năm là, tổ chức chỉ huy tác chiến chiến dịch. Tổ chức chỉ huy là một trong những vấn đề không thể thiếu trong nội dung nghệ thuật tác chiến chiến dịch. Tổ chức chỉ huy tác chiến chiến dịch của ta đã từng bước phát triển; ngày càng hoàn thiện theo bước phát triển và trưởng thành của lực lượng vũ trang.

Những chiến dịch quy mô lớn, mang ý nghĩa chiến lược hoặc những chiến dịch quyết chiến chiến lược thường do cấp chiến lược tổ chức chỉ huy. Những chiến dịch quy mô nhỏ, quy mô vừa thường do cấp chiến trường, quân khu tổ chức. Dù cấp nào tổ chức, chỉ huy điều hành cũng phải tuân thủ nguyên tắc lãnh đạo của Đảng trong các chiến dịch; thành lập Đảng ủy chiến dịch, đi đôi với tổ chức Bộ tư lệnh chiến dịch và các cơ quan chỉ huy, chỉ đạo chiến dịch.

Nhưng ở cấp nào tổ chức thì Bộ tư lệnh chiến dịch thường mang tính tổng hợp rất cao để chỉ huy điều hành toàn diện. Do đó, trong Bộ tư lệnh chiến dịch luôn có cả chính trị, quân sự, quân, binh chủng và lãnh đạo địa phương trên địa bàn chiến dịch.

Những vấn đề chọn hướng, khu vực, mục tiêu tác chiến, tạo lập thế trận, tổ chức sử dụng lực lượng, cách đánh, điều hành mở màn chiến dịch, phát triển, kết thúc chiến dịch, chỉ đạo chiến thuật, tổ chức chuẩn bị, thiết bị chiến trường; xây dựng các công trình, trận địa, tổ chức chuẩn bị lực lượng là những nội dung để hoàn thành thắng lợi mục đích chiến dịch.

Những công tác này phần lớn thuộc về công tác chỉ huy-tham mưu, phản ánh mối quan hệ mật thiết; là cầu nối, trung tâm tổ chức thực hiện giữa các nội dung trong nghệ thuật tác chiến chiến dịch. Để thực hiện những vấn đề này, nghệ thuật tổ chức điều hành tác chiến chiến dịch đã phải nắm chắc và đánh giá sát đúng tình hình địch, tình hình ta trong quá trình tổ chức, chuẩn bị, thực hành tác chiến; tham mưu đề xuất cho tư lệnh, chỉ đạo, giúp cấp dưới thực hiện quyết tâm của tư lệnh đã được đảng ủy chiến dịch thông qua, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Nghệ thuật tác chiến chiến dịch là một bộ phận của nghệ thuật quân sự Việt Nam, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đã hình thành và phát triển từng bước ngày càng hoàn chỉnh, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc chiến đấu chống xâm lược.

Quán triệt sâu sắc đường lối, tư tưởng quân sự của Đảng, kế thừa tinh hoa truyền thống đánh giặc của dân tộc; học tập và vận dụng có chọn lọc những kinh nghiệm quân sự tiên tiến của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của thế giới vào điều kiện cụ thể của Việt Nam; nghệ thuật tác chiến chiến dịch của ta đã phát triển đúng đắn sáng tạo, thể hiện đầy đủ tính cách mạng và tính khoa học, tính dân tộc, tính hiện đại; vừa phản ánh những quy luật chung của chiến tranh và đấu tranh vũ trang cách mạng; vừa mang những sắc thái độc đáo Việt Nam, góp phần hình thành một trường phái quân sự Việt Nam và học thuyết quân sự Việt Nam.

Những giá trị thuộc về nghệ thuật tác chiến chiến dịch trong nghệ thuật quân sự Việt Nam là một sản phẩm hình thành nên Quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng. Ngày nay, những giá trị đó cần phải được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển trong những điều kiện mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục