Nghi can vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi không nhận tội

Nghi can của vụ tấn công vào Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi, tên Khatallah, đã xuất hiện trước Tòa án liên bang Mỹ nhưng không nhận tội.
Ahmed Abu Khattala - đối tượng tình nghi là thủ lĩnh vụ tấn công lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi tháng 9/2012.(Nguồn: AFP)

Ngày 28/6, ngay sau khi được đưa về Mỹ, một trong những nghi can của vụ tấn công năm 2012 vào Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi của Libya, đã xuất hiện trước Tòa án liên bang Mỹ nhưng không nhận tội.

Nguồn tin từ Tòa án liên bang Mỹ ở thủ đô Washington cho biết Ahmed Abu Khatallah là một trong những thủ lĩnh cao cấp của nhóm Ansar al-Sharia mà một số thành viên của nhóm này được cho là đã tham gia vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi ngày 11/9/2012, làm 4 nhà ngoại giao Mỹ bị thiệt mạng, trong đó có Đại sứ Christopher Stevens.

Hồi tháng Một vừa qua khi trả lời phỏng vấn hãng tin AP của Mỹ, Khatallah thừa nhận có mặt trong vụ tấn công trên, nhưng không dính líu vào vụ này mà chỉ có mặt tại đó để cứu những người bị mắc kẹt trong vụ tấn công đó. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Khatallah đối mặt với 3 tội danh liên quan tới khủng bố với mức án cao nhất là tử hình.

Ahmed Abu Khatallah bị bắt giữ trong một vụ đột kích bí mật ngày 15/6 vừa qua gần thành phố Benghazi với sự phối hợp của các lực lượng thực thi luật pháp của Mỹ, trong đó có lính đặc nhiệm và các nhân viên Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Tên này đã được đưa lên tàu USS New York của Hải quân Mỹ để thẩm vấn và ngày 28/6 được chuyển bằng máy bay trực thăng từ chiếc tàu chiến này vào một nhà tù được canh phòng cẩn mật ở thủ đô Washington.

Giới chức Mỹ cho biết việc bắt giữ Khatallah có thể tìm ra đầu mối của ít nhất hơn 10 đối tượng có dính líu vào vụ tấn công nói trên nhưng đến nay vẫn chưa bị bắt.

Tuy nhiên, ngay sau khi Khatallah bị bắt, Bộ Ngoại giao Libya đã ra tuyên bố cáo buộc lực lượng đặc nhiệm Mỹ xâm phạm chủ quyền của Libya khi tiến hành vụ đột kích bí mật bắt giữ Khatallah mà không thông báo cho Chính phủ Libya trước khi tiến hành chiến dịch này. Libya cũng yêu cầu Mỹ giao nộp đối tượng này cho Libya xét xử./.

(TTTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục