Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU

Quốc hội Việt Nam chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu được ký ngày 30/6/2019 tại Thủ đô Hà Nội.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Sao Mai, An Giang. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 102/2020/QH14 phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu.

Theo đó, Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định) được ký ngày 30/6/2019 tại Hà Nội, Việt Nam.

Nghị quyết nêu rõ: Áp dụng toàn bộ nội dung của Hiệp định, trong đó áp dụng trực tiếp các quy định của Hiệp định tại Phụ lục 2 kèm theo Nghị quyết này; áp dụng các quy định của Hiệp định tại Phụ lục 3 kèm theo Nghị quyết này cho đến ngày Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 36/2009/QH12 và Luật số 42/2019/QH14 được sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành; áp dụng Hiệp định với Vương quốc Anh trong thời gian từ ngày Hiệp định có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2020 (có thể gia hạn đến 24 tháng theo thỏa thuận giữa Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu về việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu).

[Hiệp định EVFTA: Đòn bẩy cho quan hệ thương mại, đầu tư với Việt Nam]

Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật tại Phụ lục 4 kèm theo Nghị quyết này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan để tự mình hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, thực hiện có hiệu quả và theo đúng lộ trình các cam kết của Hiệp định.

Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Hiệp định; phê duyệt, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định;

Chuẩn bị nguồn lực để bảo đảm tận dụng, phát huy các cơ hội, lợi thế mà Hiệp định đem lại; xây dựng, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định;

Tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ nội dung Hiệp định để tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân; thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả, hiệu quả thực thi các cam kết đã ký trong Hiệp định, định kỳ hàng năm báo cáo Quốc hội về việc thực hiện Hiệp định.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục đối ngoại về việc phê chuẩn Hiệp định và thông báo thời điểm Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục