Nghị trường ‘nóng’ về vấn đề quản lý xây dựng nhà chung cư mini

Từ hậu quả đáng tiếc đã xảy ra trong vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội, nhiều đại biểu Quốc hội đã đóng góp ý kiến về việc siết chặt quản lý loại hình nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ.
Vấn đề quản lý chung cư mini được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Quản lý chung cư mini là nội dung được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm trong phiên thảo luận chiều 26/10 về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Theo đó, nhiều đại biểu đã đóng góp giải pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong phát triển, quản lý, sử dụng loại hình nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân thời gian qua.

Nhiều ‘lỗ hổng’ về pháp lý

Trình bày báo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trước Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết ban soạn thảo đã nhận nhiều ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn việc phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân, nhất là các yêu cầu về tiêu chuẩn xây dựng, phòng cháy, chữa cháy.

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý lại Điều 57 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chặt chẽ hơn.

Cụ thể, đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân, nếu có từ 2 tầng trở lên và có quy mô dưới 20 căn hộ để cho thuê thì phải đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn xây dựng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng; phải được thiết kế, thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy và thực hiện các biện pháp quản lý về an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

Trường hợp cá nhân xây dựng nhà ở từ 2 tầng trở lên để bán, cho thuê mua căn hộ, từ 2 tầng và quy mô từ 20 căn hộ trở lên để cho thuê đều phải thành lập doanh nghiệp, lập dự án đầu tư và đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội phát biểu tại kỳ họp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus bên lề Kỳ họp thứ 6, Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng trong các luật hiện nay, không có luật nào quy định về chung cư mini.

“Đây là một ‘lỗ hổng’ trong luật pháp. Thực tế nhà chung cư mini là do người dân có đất, tự xây chưng cư mini và bán lại,” ông Cường nói.

Với các vấn đề đang đặt ra, ông Cường cho rằng chủ đầu tư là người đầu tiên chịu trách nhiệm trong việc xây dựng và vận hành chung cư mini không đủ tiêu chuẩn, tiếp đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý phê duyệt.

Ông Cường cho rằng cơ quan quản lý cần rà soát lại các chung cư mini đã được xây dựng, nếu không đảm bảo quy chuẩn, thì nhà đầu tư phải sửa chữa để có nơi thoát hiểm, nơi vui chơi, sinh hoạt công cộng.

Cũng theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, giải pháp nhà ở cho người thu nhập thấp không phải là tập trung phát triển chung cư mini.

“Lẽ nào những người thu nhập thấp phải chấp nhận ở trong những căn nhà nhỏ, kém chất lượng? Nhà nước cần xây dựng nhà đủ tiêu chuẩn cho thuê với mức giá thấp để họ có chỗ ở, đảm bảo mục tiêu mọi người dân đều có nơi ở,” ông Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.

Đồng quan điểm trên, Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) cho rằng hiện nay chung cư mini phát triển vì thường nằm ở vị trí trung tâm, tiện lơi cho sinh hoạt học hành, lại có giá cả vừa túi tiền. Ông Thanh cho rằng chung cư mini góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở của người dân tại đô thị song pháp luật còn nhiều kẽ hở, dẫn đến quản lý kém hiệu quả.

“Điểm chung của chung cư mini là mặt bằng nhỏ, đa phần nằm trong những con ngõ ôtô không vào được, do đó không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, không có không gian công cộng, vui chơi cho trẻ em,” ông Thanh nêu vấn đề.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng cơ quan soạn thảo luật phải đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật để chung cư mini đạt tiêu chuẩn an toàn phòng cháy chữa cháy, thiên tai, động đất; đáp ứng yêu cầu về mật độ giao thông, trường học trên địa bàn…

'Siết' quy định thời hạn sở hữu chung cư

Với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), nhiều đại biểu cũng kiến nghị nên có thời hạn sở hữu, thời hạn sử dụng nhà chung cư theo quy hoạch, theo thiết kế và tư vấn được phê duyệt.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Pháp cho rằng Luật Nhà ở (sửa đổi) cần quy định nhà chung cư phải có thời hạn sử dụng theo quy định của Luật Đất đai.

Đại biểu cho rằng đất của Nhà nước cấp cho nhà đầu tư có thời hạn, vì vậy không có lý do gì lại không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư.

Ông Hòa cũng đề nghị quy định cụ thể việc cưỡng chế, di dời cư dân ra khỏi các chung cư nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ, mất an toàn để đảm bảo hiệu quả của việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, xuống cấp.

[Sau thảm họa cháy ‘chung cư mini’: Bộ Xây dựng điều chỉnh quản lý]

Thảo luận về nội dung trên, Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng các kết cấu vật liệu không thể tồn tại, vững bền vĩnh cửu, nên nhà xây dựng phải có thời hạn sử dụng. Thực tế, khi sửa chữa các nhà chung cư cũ, việc xử lý thỏa đáng còn gặp nhiều vướng mắc, rất khó khăn để tập hợp nguồn lực cho việc sửa lại các tòa nhà chung cư.

Theo đại biểu, dự thảo luật cần quy định rõ ràng, nhất quán, minh bạch “chung cư cần có thời hạn sử dụng.” Với quy định này, người dân sẽ có được đầy đủ thông tin cần thiết khi tham gia giao dịch, chuyển nhượng, mua bán, đảm bảo cao nhất lợi ích của người dân.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng nguyên nhân sâu xa của sự phức tạp trong cải tạo chung cư cũ hiện nay là do chung cư được sở hữu vĩnh viễn, không có thời hạn.

Từ đó, ông Cường đề nghị Luật Nhà ở (sửa đổi) không chỉ quy định "thời hạn sử dụng" nhà chung cư cũ theo thời hạn công trình thiết kế mà phải quy định rất rõ "thời hạn sở hữu" của nhà chung cư phải theo thời hạn của công trình thiết kế.

Theo ông Cường, quy định như vậy sẽ mang lại hai lợi ích cho người dân. Thứ nhất là người mua chỉ trả tiền cho việc sở hữu nhà trong thời hạn thiết kế thay vì phải trả tiền cho việc sở hữu vô thời hạn nhưng thực chất đến thời hạn phá dỡ thì người dân vẫn phải tự bỏ tiền ra.

Thứ hai, về mặt xã hội, chung cư cũ sẽ được cải tạo, sửa chữa, không bị trì hoãn vì lý do chủ sở hữu không đồng tình.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) tán thành việc quy định thời hạn cho nhà chung cư.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) tán thành việc quy định thời hạn cho nhà chung cư. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Thời điểm luật có hiệu lực sẽ cứu cả thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay. Chúng ta thấy rằng đất đai, nhà ở là ‘mặt hàng’ tăng giá liên tục không phụ thuộc vào mục đích tiêu dùng mà phụ thuộc vào tình trạng khan hiếm, có nghĩa là diện tích đất ở ngày càng bị thu hẹp thì giá nhà ngày càng tăng,” ông Thịnh phân tích.

Đại biểu tỉnh Bắc Giang cho rằng nhà ở không nên là một loại hàng hóa đầu cơ ưa thích bởi như vậy sẽ tạo nên những đợt khủng hoảng theo chu kỳ. Nhà chung cư có thời hạn 20 năm, 30 năm sẽ có giá thấp hơn nhiều so với giá nhà chung cư hiện nay. Người mua có thể lựa chọn tùy theo nhu cầu. Đó là một lợi ích to lớn đối với người dân cũng là “cú hích” đột phá cho thị trường bất động sản./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục