Ngày 17/5, một nhóm chuyên gia hàng đầu tại Hong Kong (Trung Quốc) cho biết kết quả thử nghiệm ở chuột hamster cho thấy việc sử dụng rộng rãi khẩu trang y tế giúp giảm tình trạng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Đây là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới trả lời cho câu hỏi liệu khẩu trang y tế có thể ngăn những người mắc COVID-19, cả có hoặc không biểu hiện triệu chứng, truyền bệnh cho người khác hay không.
Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Hong Kong đã đặt lồng chứa những chú chuột hamster khỏe mạnh bên cạnh lồng của những con được tiêm virus SARS-CoV-2. Các khẩu trang phẫu thuật được đặt giữa 2 lồng trong khi không khí lưu thông qua lại giữa hai bên.
Nhóm nghiên cứu phát hiện hơn 60% số chuột khỏe mạnh mắc bệnh trong vòng 1 tuần nếu không dùng khẩu trang. Nguy cơ truyền bệnh nhưng không tiếp xúc giảm hơn 60% khi sử dụng khẩu trang.
Cũng theo nghiên cứu, tỷ lệ lây nhiễm giảm xuống chỉ còn hơn 15% khi các chuyên gia đặt khẩu trang phẫu thuật lên lồng của những chú chuột hamster mắc bệnh và khoảng 35% khi đặt khẩu trang lên lồng của những con khỏe mạnh.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng phát hiện những con bị lây bệnh trong trường hợp dùng khẩu trang có lượng virus trong cơ thể ít hơn những con bị lây bệnh mà không sử dụng khẩu trang.
["Khẩu trang lạnh" - giải pháp phòng dịch trong mùa Hè của Nhật Bản]
Trả lời báo giới, Giáo sư Yuen Kwok-yung - người đứng đầu nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh điều này rõ ràng chứng tỏ khẩu trang có tác dụng hiệu quả trong việc ngăn những người mắc bệnh không hoặc có triệu chứng phát tán virus ra xung quanh.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy việc khẩu trang được sử dụng rộng rãi có vai trò quan trọng bởi hiện nay có nhiều người mắc bệnh nhưng không biểu hiện triệu chứng.
Với kết quả nghiên cứu trên, ông Yuen Kwok-yung khuyến cáo tất cả người dân nên đeo khẩu trang trong bối cảnh đại dịch hoành hành hiện nay.
Giáo sư Yuen Kwok-yung là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về virus corona và cũng là một trong những nhà vi trùng học phát hiện ra virus SARS bùng phát năm 2003 cướp đi sinh mạng của 300 người tại Hong Kong.
Sau 4 tháng kể từ khi phát hiện ca đầu tiên mắc COVID-19, Hong Kong cơ bản đã khống chế được dịch bệnh. Đến nay, vùng lãnh thổ này chỉ ghi nhận 1.056 ca mắc và 4 ca tử vong.
Giới chuyên gia cho rằng Hong Kong duy trì số ca mắc khá thấp nhờ khẩu trang được sử dụng rộng rãi cùng với hoạt động xét nghiệm, theo dõi và điều trị hiệu quả cho bệnh nhân./.