Ngoại giao quốc phòng và an ninh môi trường tại Ấn Độ Dương-TBD

Ngoại giao và an ninh môi trường ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Kinh nghiệm của Pháp tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là minh chứng cho cách thức hợp tác trong lĩnh vực an ninh môi trường và là bài học cho tất cả các quốc gia trên thế giới.
Ảnh minh họa. (Nguồn: azcentral.com)

Trang mạng orfonline.org đưa tin tác động về mặt chiến lược của biến đổi khí hậu đối với an ninh quốc tế là chủ đề đã được nhiều học giả, các tổ chức đa phương và các thể chế nhà nước nghiên cứu, thảo luận trong suốt 20 năm qua.

Nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Australia, New Zealand, Pháp, Anh và Hà Lan đều đã đưa biến đổi khí hậu vào chiến lược quốc phòng.

Tuy nhiên, những bước đi này chưa tạo ra bất kỳ thay đổi nào đáng kể trong hợp tác quốc tế trong vấn đề này.

Sự thù địch giữa các quốc gia leo thang trong khi chủ nghĩa đa phương ngày càng suy yếu, nhu cầu hợp tác quốc tế nhằm vượt qua các thách thức toàn cầu hiện trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Kinh nghiệm của Pháp tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là minh chứng cho cách thức hợp tác trong lĩnh vực an ninh môi trường và là bài học cho tất cả các quốc gia trên thế giới.

Những việc cần làm

Trong 20 năm qua, người ta ngày càng dành nhiều sự quan tâm cho những biến đổi môi trường trên diện rộng có nguy cơ ảnh hưởng tới ổn định địa chính trị toàn cầu.

Các cơ quan quốc phòng phải tính đến biến đổi khí hậu trong hoạch định chiến lược, nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu sẽ gia tăng đáng kể gánh nặng đối với các nền tảng tài nguyên, kinh tế và chính trị của một quốc gia.

[Mỹ muốn ngăn chặn xung đột giữa các nước ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]

Thách thức này cũng là “mối đe dọa có cấp số nhân,” với nguy cơ làm trầm trọng hóa tình hình và thổi bùng tranh cãi nội bộ về vấn đề tài nguyên.

Các rủi ro an ninh liên quan tới biến đổi khí hậu sẽ tác động trực tiếp tới cách thức các lực lượng vũ trang hoạch định chiến lược, chuẩn bị, vận hành và đóng góp cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Bộ quốc phòng tại các quốc gia cần tập trung vào 3 lĩnh vực chính để lên kế hoạch cho những thách thức sắp tới, cụ thể là nâng cấp và đồng bộ trang thiết bị cũng như nhân sự, chuẩn bị cho sự tham gia hơn nữa của lực lượng quân sự, và phát triển tầm nhìn chiến lược.

Trước hết là hiện đại hóa và thích ứng các trang thiết bị cũng như nhân sự với biến động môi trường. Mỹ là quốc gia đi đầu trong việc lên kế hoạch ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu đối với quân đội.

Ngoài thích ứng với biến đổi khí hậu, các bộ quốc phòng cũng cần đóng vai trò nhất định để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Hiện nay, Pháp đang phát triển các đổi mới công nghệ song song trong tiêu thụ năng lượng và nhiên liệu giúp khuyến khích việc sử dụng trang thiết bị quân sự “xanh” để hạn chế tác các động đối với môi trường.

Một vài quốc gia như Na Uy, Đức và Anh, cũng bắt đầu xây dựng chiến lược quốc phòng “xanh” nhằm duy trì phát triển biền vững.

Thứ hai, bộ quốc phòng cần chuẩn bị cho những áp lực ngày càng tăng đòi hỏi quân đội phải ứng phó trước các cuộc khủng hoảng an ninh bắt nguồn từ biến đổi khí hậu.

Nhiều quốc gia đã có dự đoán trước về sự vai trò ngày càng lớn của quân đội trong việc xử lý các tình trạng khẩn cấp liên quan tới khí hậu.

Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR) sẽ sớm trở thành một phần quan trọng trong nhiệm vụ hoạt động của quân đội. Hải quân cũng được kêu gọi thực hiện các nhiệm vụ trị an-chống buôn lậu, đánh bắt cá trái phép và gây ô nhiễm môi trường-cùng các hoạt động trinh sát và do thám.

Thứ ba, ngoài việc đáp ứng các nhiệm vụ cấp thiết, bộ quốc phòng còn phải chuẩn bị và dự trù trước những hệ quả của biến đổi khí hậu. Chính phủ cần hợp tác chặt chẽ cùng các tổ chức xã hội, chuyên gia, cộng đồng khoa học và giới công nghiệp để xây dựng một tầm nhìn chiến lược cụ thể.

Bộ quốc phòng nên tận dụng các nghiên cứu và công nghệ để tăng cường năng lực hiểu biết và đánh giá rủi ro.

Điều này sẽ tạo ra những hình thức hợp tác mới trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng quân sự tại vùng duyên hải cũng như các hệ sinh thái ngoài khơi xa, cảnh báo sớm lốc xoáy, khảo sát ven bờ, trinh sát biển và quân y.

Những hoạt động kể trên đòi hỏi hợp tác và phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các quốc gia, cũng như việc trao đổi các kết quả thăm dò và dự báo. Tuy nhiên, thực tế là các trao đổi và hợp tác này hiện vẫn ở mức rất giới hạn.

Kinh nghiệm của Pháp

Dù khái niệm an ninh môi trường còn tương đối mới, Pháp từ lâu đã hợp tác cùng các đối tác chiến lược quan trọng trong lĩnh vực này, chủ yếu tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Năm 2002, Bộ Quốc phòng Pháp bắt đầu giải quyết các vấn đề về môi trường trong lĩnh vực mua sắm quốc phòng và triển khai năng lực hoạt động, dựa trên cơ sở chiến lược quốc gia về phát triển bền vững.

Kế hoạch hành động đầu tiên được công bố năm 2007, song chủ yếu tập trung vào việc hiện đại hóa trang thiết bị quân sự. Sách trắng quốc phòng năm 2008 đánh dấu lần đầu tiên Pháp đề cập tới tình trạng ấm lên toàn cầu và hậu quả kéo theo trong chiến lược an ninh quốc gia.

Kế hoạch đăng cai Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Paris năm 2015 đã tạo ra những xung lực mới cho Pháp.

Chiến lược quốc phòng của Pháp tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, được công bố năm 2019, đã xác định hợp tác an ninh môi trường là một trong những ưu tiên chính của quốc gia này trong khu vực.

Với một số lãnh thổ hải ngoại trải dài khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Pháp buộc phải giải quyết thận trọng các tác động của biến đổi khí hậu. Pháp đã huy động lực lượng quân sự hỗ trợ lực lượng an ninh bản địa và các tổ chức quốc tế trong hoạt động cứu trợ thiên tai khẩn cấp.

Tại Nam Thái Bình Dương, thỏa thuận FRANZ giữa Pháp-Australia-New Zealand ký năm 1992 đã quy định sự tham gia của quân đội trong các hoạt động cứu hộ và khắc phục hậu quả thiên tai.

Với sự hiện diện của Ban Giám sát Tác động Biến đổi Khí hậu với Quốc phòng và An ninh, sáng kiến được Bộ Quốc phòng triển khai từ năm 2016, Pháp đã từng bước lồng ghép khái niệm an ninh môi trường trong đối thoại song phương và đa phương khu vực.

Triển vọng hợp tác khu vực

Với tư cách một quốc gia ủng hộ chủ nghĩa đa phương tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Pháp cần thể hiện vai trò lãnh đạo quốc tế thông qua các hoạt động trong khu vực và xây dựng kế hoạch an ninh khí hậu cấp cao.

Quốc gia này cũng cần đưa tầm nhìn an ninh môi trường vào tất cả các đối thoại song phương và đa phương, hay chương trình nghị sự của các tổ chức trong khu vực Ấn Độ Dương, như Hội nghị Chuyên đề Hải quân Ấn Độ Dương (IONS) và Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương.

Các tổ chức khu vực có thể học hỏi từ những sáng kiến này để đưa ra các mô hình tương tự nhằm củng cố dữ liệu giúp việc đánh giá rủi ro trở nên chính xác và có giá trị hơn.

Liên minh châu Âu (EU) cũng có thể tham gia hơn nữa trong lĩnh vực này thông qua hoạt động tài trợ dự án.

Từ năm 2012 và sau khi thành lập Mạng lưới Ngoại giao Xanh - một nhóm phi chính thức gồm các chuyên gia môi trường làm việc tại Bộ Ngoại giao các quốc gia thành viên - EU đã bắt đầu tự phát triển đường lối ngoại giao khí hậu nhằm định hình hợp tác quốc tế trong việc giảm nhẹ tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, một lối tiếp cận toàn diện đối với an ninh khi hậu đòi hỏi một sự phối hợp chính sách mạnh mẽ, điều đôi khi rất khó tìm kiếm tại EU.

Việc thông qua một chiến lược khu vực dành cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn đang được thảo luận tại EU, song Pháp nên giành lấy cơ hội này để đưa vấn đề an ninh môi trường vào trọng tâm chính sách đối ngoại của EU.

Hợp tác đa phương sẽ cần được thúc đẩy hơn nữa trong vấn đề cứu trợ nhân đạo và khắc phục hậu quả thiên tai. Cấu trúc thể chế và năng lực của quân đội của nhiều quốc gia châu Á hiện nay vẫn chưa thể thích ứng trước các đòi hỏi này.

Bên cạnh đó còn là sự thiếu vắng các chiến lược phối hợp giữa lực lượng quân sự và dân sự trong kiểm soát khủng hoảng khu vực. Điều này đòi hỏi các nỗ lực mở rộng phạm vi hợp tác an ninh hàng hải hiện nay để bao gồm cả các chương trình an ninh khí hậu, xây dựng năng lực và huấn luyện trên nguyên tắc nhân đạo.

Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á có thể hợp tác cùng phương Tây để dẫn đầu trên mặt trận này.

An ninh môi trường mở ra nhiều cánh cửa hợp tác, đặc biệt là cho bộ quốc phòng các nước. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được đưa vào chương trình nghị sự của quản trị toàn cầu, và nguyên nhân chủ yếu nằm ở chỗ vấn đề chưa có được sự quan tâm đúng mức và nguồn vốn đầu tư từ các quốc gia.

Để trở thành một bộ phận cốt lõi trong kế hoạch hợp tác quốc tế, các vấn đề an ninh môi trường không nên là nhiệm vụ của riêng bộ quốc phòng.

Việc chỉ tập trung vào một tác động cụ thể của biến đổi khí hậu, như kinh tế hoặc con người, sẽ dẫn đến việc bỏ quên các khía cạnh khác. Nhu cầu cấp thiết hiện nay phải thành lập một cơ chế phối hợp liên bộ tại mỗi quốc gia cũng như trên giữa các quốc gia với nhau./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục