Người biểu tình Thái đang thách thức kiên nhẫn của chính phủ

Phong trào biểu tình Thái đang muốn đẩy mạnh mục tiêu của họ, trong khi Chính phủ có thể đang cân nhắc việc sử dụng các biện pháp an ninh cần thiết.

Chiến dịch đóng cửa Bangkok đã bước sang tuần lễ thứ hai, với nhiều dấu hiệu cho thấy về khả năng bùng phát bạo lực bởi phong trào biểu tình muốn đẩy mạnh mục tiêu của họ, trong khi Chính phủ Thái Lan có thể đang cân nhắc việc sử dụng các biện pháp an ninh cần thiết.

Ngày 20/1, những người biểu tình chống chính phủ đã tổ chức bao vây và đóng cửa Trụ sở Ngân hàng tiết kiệm của chính phủ tại Bangkok, trong khi ở một số tỉnh miền Nam, công chức và viên chức chính phủ cũng bị ngăn cản vào nơi làm việc, với mục tiêu gây sức ép hòng buộc Chính phủ của bà Yingluck Shinawatra phải từ chức.

Ngân hàng tiết kiệm của chính phủ đã bất ngờ trở thành mục tiêu của người biểu tình sau khi Chính phủ Thái Lan không bắt buộc được Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã trả tiền cho người nông dân trong chương trình trợ giá gạo bởi cho tới nay chương trình này đã khiến Thái Lan thua lỗ tới 400 tỷ baht.

Tại một số tỉnh miền Nam, người biểu tình chống chính phủ đã tuần hành tới các cơ quan chính quyền và yêu cầu công chức, viên chức nghỉ việc để tham gia cùng với họ. Thậm chí một số người từ chối yêu cầu của phong trào biểu tình đã bị họ bắt giữ.

Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban đã tuyên bố để phong trào chống chính phủ phong tỏa các cơ quan chính quyền ở miền Nam trước làm mẫu và từ đó nó sẽ lan tỏa trên khắp cả nước nhằm buộc Thủ tướng phải từ chức và hủy bỏ cuộc bầu cử ngày 2/2. 

Theo các thủ lĩnh biểu tình phong trào chống chính phủ đang bước vào giai đoạn cuối cùng khi công chúng đã hiểu rõ bản chất và năng lực của chính phủ. Việc cản trở hoạt động của cơ quan nhà nước sẽ buộc chính phủ của bà Yingluck "rơi vào cảnh hỗn loạn." 

Chiến dịch đóng cửa Bangkok của người biểu tình cho tới nay đã kéo dài hơn bảy ngày và nó đang từng bước gây sức ép đối với chính phủ khi vẫn duy trì được động lực sau khi xảy ra hàng loạt các vụ bạo lực, trong đó có hai vụ nghiêm trọng làm một người chết và hàng chục người bị thương. Chính phủ Thái Lan đã tính tới cả khả năng bắt giữ thủ lĩnh Suthep, nhưng nhiều người cho rằng điều này có thể sẽ dẫn tới bạo lực bùng phát.

Các thủ lĩnh biểu tình cho rằng nếu bạo lực xảy ra chính phủ sẽ không thể chối bỏ trách nhiệm. Họ đánh giá rằng chính phủ sẽ tự để mất lợi thế nếu bạo lực xảy ra và cuộc đấu giữa hai bên sẽ nhanh chóng kết thúc. Chính phủ hiện nay chỉ có cách thúc đẩy bầu cử, nhưng việc bỏ phiếu sẽ bị gián đoạn bởi người biểu tình vẫn đang ngăn cản công tác chuẩn bị.

Truyền thông Thái Lan cho biết bà Yingluck vẫn đang cố tìm cách đàm phán với ông Suthep thông qua các quan chức quân đội và các nhóm kinh doanh. Bà Yingluck cũng đã phát đi tín hiệu về việc sẵn sàng từ chức và hoãn bầu cử, nhưng muốn đảm bảo an toàn cho gia đình. Tuy nhiên, đảng Vì Thái Lan lại cho rằng phong trào biểu tình rồi sẽ giảm xuống nếu cứ tiếp tục kéo dài. Vấn đề hiện tại là làm thế nào để duy trì tình trạng hiện nay cho tới lúc bầu cử.

Theo một số nhà phân tích, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ sớm kết thúc bởi cả hai phía đều đã tuyên bố họ thực sự muốn gì. Tuy nhiên, nếu chính phủ vẫn để tình trạng đóng cửa Bangkok kéo dài, họ có thể gặp nhiều trở ngại hơn bởi họ còn phải đối mặt với nhiều vấn để khác nữa. 

Những vụ bạo lực xảy ra trong tuần qua đang được coi là động lực để người biểu tình thúc đẩy phong trào của họ. Đây cũng chính là thách thức đối với Chính phủ Thái Lan khi họ đang muốn duy trì tình hình bằng các biện pháp mềm dẻo cho tới cuộc bầu cử sắp tới./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục