Người nông dân hiến 1.000m2 đất mặt tiền xây ngôi trường khang trang

Ông Dương Văn Đây, nông dân xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, Tiền Giang, đã tự nguyện hiến gần 1.000m2 đất mặt tiền huyện lộ 70 để địa phương có đất xây trường Mầm non Ngũ Hiệp, điểm ấp Long Phước.
Xã cù lao Ngũ Hiệp đã có trường mầm non nhờ ông Dương Văn Đây. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong những ngày rộn ràng chuẩn bị bước vào năm học mới 2019-2020, người dân ở Ngũ Hiệp, xã cù lao trên sông Tiền thuộc huyện Cai Lậy ai cũng ngợi khen ông Dương Văn Đây, cư ngụ tại ấp Long Phước, người đã hiến “mảnh đất vàng” của mình để cất ngôi trường mầm non khang trang giúp trẻ con vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa có chỗ ăn học đàng hoàng.

Từ năm 2015, ông Đây đã tự nguyện hiến gần 1.000m2 đất mặt tiền huyện lộ 70 để địa phương có đất xây trường Mầm non Ngũ Hiệp, điểm ấp Long Phước.

Ngôi trường khang trang gồm 2 phòng học đưa vào sử dụng đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia trong năm 2015. Năm học 2019-2020, trường đón khoảng 60 cháu ở độ tuổi mầm non vào học.

Đây là miền đất cù lao, cồn bãi, cách trở sông nước, việc phát triển sự nghiệp giáo dục gặp nhiều khó khăn.

Ấp Long Phước là ấp cuối cù lao Năm Thôn của xã Ngũ Hiệp. Cách đây chưa lâu, nơi đây còn là nông thôn vùng sâu vùng xa, sông nước chia cắt, giao thông khó khăn. Việc đi lại chủ yếu là bẳng xuồng, ghe; việc học hành của con trẻ càng khó khăn hơn.

Chưa có điểm trường học tại chỗ, phụ huynh phải đưa con đến trường ở tận trung tâm xã Ngũ Hiệp cách đó khoảng 6km hoặc qua xã Tam Bình phải vượt sông Tiền trên chặng đường khoảng 3km.

Đường sá xa xôi và đò giang cách trở là trở ngại khiến nhiều cháu nhỏ phải đợi đến 6 tuổi mới được các bậc phụ huynh đưa vào học lớp 1.

Lứa tuổi mầm non quanh quẩn ở nhà, con đường học vấn càng gập gềnh, thiệt thòi so với trang lứa ở thị thành hoặc những nơi trung tâm xã điều kiện thuận lợi hơn.

Được sự vận động của các cấp, các ngành chung sức chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, ông Dương Văn Đây đã bàn cùng gia đình hiến thửa đất mặt tiền đường huyện lộ 70 để xây ngôi trường mầm non.

[Người phụ nữ Đồng Xoài tự nguyện hiến đất để hồi sinh con suối “chết”]

Giải quyết được vấn đề quỹ đất, ngôi trường có vốn đầu tư hàng tỷ đồng được xây, đạt chuẩn quốc gia và đưa vào sử dụng.

Trường học được kiện toàn cũng là một trong những yếu tố góp phần giúp Ngũ Hiệp đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới và ra mắt xã nông thôn mới đầu năm 2017, rút ngắn 3 năm so với lộ trình đề ra đến năm 2020.

Bà con trong ấp Long Phước, Ngũ Hiệp hết sức phấn khởi bởi nhờ có ngôi trường, các cháu trong độ tuổi mầm non đều được huy động ra lớp.

Đi học, các cháu được các cô chăm sóc chu đáo, tận tình, tạo thuận lợi vui chơi, học tập, làm quen với môi trường học tập; là bước khởi đầu quan trọng trên con đường giáo dục, rèn luyện đức-trí-thể mỹ, tạo tiền đề để trở thành người hữu dụng cho mai sau.

Chị Hai, nhà ở ấp Long Phước, năm học 2019-2020 có cháu gái vào học tại Trường Mầm non Ngũ Hiệp, điểm ấp Long Phước phấn khởi chia sẻ, nhờ có ngôi trường, việc học hành của các cháu trong ấp rất thuận lợi, phụ huynh ai cũng an tâm.

Mọi người vô cùng biết ơn tấm lòng hào hiệp, hết lòng vì đàn em thân yêu của ông Dương Văn Đây.

Ông Dương Văn Đây chia sẻ, vốn xuất thân là nông dân, ông nhận thấy học vấn luôn là thiệt thòi của con em vùng sâu vùng xa mà một trong những nguyên nhân chính là thiếu và yếu về cơ sở vật chất, trường lớp.

Với mong mỏi chung tay đóng góp vào việc phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho mai sau như lời dạy của Bác, ông Đây tự nguyện hiến đất để xây trường.

Đánh giá cao về tấm gương tự nguyện hiến đất của ông Dương Văn Đây, lãnh đạo ngành Giáo dục và đào tạo huyện Cai Lậy cho biết hành động, suy nghĩ của ông Đây cần được biểu dương, nhân rộng, tạo thành phong trào khuyến học, khuyến tài rộng khắp “Vì sự nghiệp trăm năm trồng người.”

Cá nhân ông Dương Văn Đây cũng là một tấm gương nông dân cần cù, chịu khó, nhạy bén trong sản xuất-kinh doanh, lập nghiệp bền vững trên vùng đất sông nước cù lao.

Gia đình ông canh tác 2ha đất vườn. Trước kia, phần đất này là vườn tạp, hiệu quả kém. Gần đây, để khai thác có hiệu quả, ông đã cải tạo để trồng chuyên canh sầu riêng đặc sản. Khu vườn chuyên canh cho sản lượng khoảng 40 tấn quả/năm.

Nhờ chú trọng áp dụng các biện pháp thâm canh theo khoa học, xử lý rải vụ để tránh “đụng mùa, đụng chợ” nên luôn bán được giá cao.

Trong năm vừa qua, ông thu trên 3 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi trên 2,5 tỷ đồng. Nhờ vườn chuyên canh, gia đình ông vượt qua nghèo khó, trở thành tỷ phú nông thôn và nhiều năm liền được công nhận là nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục