Người nuôi cá tra ở Đồng Tháp đối diện nhiều khó khăn dù giá bán tăng

Tình hình tiêu thụ cá tra tương đối chậm do giá bán thấp, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, các doanh nghiệp ký kết đơn hàng không nhiều, trong khi sản phẩm chế biến tồn kho còn nhiều.
Tình hình tiêu thụ cá tra tương đối chậm do giá bán thấp, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ông Võ Thành Ngoan - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho biết 6 tháng đầu năm 2023, ngành hàng cá tra thả nuôi với diện tích hơn 1.857/1.800 ha thu hoạch được 205.318 tấn.

Giá thành sản xuất cá tra thịt trắng trung bình 27.338 đồng/kg (tăng 1.202 đồng/kg so với cùng kỳ) giá bán bình quân 29.250 đồng/kg, lợi nhuận bình quân đạt 1.784 đồng/kg (giảm 2.566 đồng/kg so cùng kỳ). Tính chung lợi nhuận cho việc nuôi cá tra bình quân hiện đạt hơn 75 triệu đồng/ha.

Mặc dù có lãi nhưng hiện người nuôi cá tra ở tỉnh Đồng Tháp vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, xuất khẩu cá tra trong quý 1 tương đối thuận lợi nhưng bước sang quý 2, tình hình xuất khẩu cá tra gặp khó khăn, số đơn hàng xuất khẩu ít nên các doanh nghiệp chế biến giảm công suất hoạt động dẫn đến tình hình tiêu thụ cá tra chậm, kéo theo giá bán giảm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.

Hiện do giá nhiên liệu, vật tư đầu vào tăng, kéo theo giá thành sản xuất của các sản phẩm thủy sản tăng, làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người nuôi.

Tình hình tiêu thụ cá tra tương đối chậm, do giá bán thấp, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, các doanh nghiệp ký kết đơn hàng không nhiều, trong khi sản phẩm chế biến tồn kho còn nhiều. Thời gian nuôi kéo dài đã làm tăng chi phí sản xuất.

Theo người dân nuôi cá tra ở thành phố Hồng Ngự cho biết một ao cá tra nuôi 6 tháng tuổi, với diện tích mặt nước khoảng 1 ha sẽ tiêu tốn 180 bao thức ăn công nghiệp/ngày, cho năng suất từ 180-280 tấn/ha.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ Thủy sản huyện Châu Thành, cho biết vừa qua giá cá tra giảm do các đơn hàng xuất khẩu cá tra chậm nên doanh nghiệp thu mua cầm chừng.

[Không chắc chắn về mục tiêu xuất khẩu thủy sản cả năm đạt 10 tỷ USD]

Người nuôi cá tra đang gặp khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào như: thức ăn, thuốc, nhiên liệu... tăng, ảnh hưởng đến sản xuất.

Theo nhiều hộ nuôi cá tra nguyên liệu tại huyện Châu Thành, cá tra nguyên liệu (kích cỡ 1,5kg) có giá 28.500-29.000 đồng/kg, giảm khoảng 1.500-2.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm. Trong khi đó, giá thành khoảng 28.000 đồng/kg cá tra nguyên liệu.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 22 doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu, tổng công suất thiết kế hơn 467 tấn thành phẩm/năm.

Hiện nay sản phẩm cá tra được xuất khẩu sang 134 quốc gia, trong đó có các thị trường chủ lực như: Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, EU, Anh, Mexico, Brazil, Colombia.

Huyện Hồng Ngự là một trong những địa phương sản xuất nhiều cá tra bột và cá tra giống ở tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: TTXVN phát)

Nuôi cá tra không chỉ mang lại những giá trị kinh tế cho địa phương mà còn góp phần tạo ra chuỗi ngành nghề liên quan, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động trong tỉnh Đồng Tháp.

Để cho ngành hàng cá tra tiếp tục phát triển, tỉnh Đồng Tháp hiện có 377 cơ sở nuôi cá tra được cấp mã số nhận diện với diện tích 1.623,91ha mặt nước.

Trong số này, có 80 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm với diện tích 670,4ha; 38 cơ sở áp dụng và được chứng nhận các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP với diện tích 242,4ha.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp đề ra nhiệm vụ đến cuối năm 2023 tiếp tục phát triển đối với ngành hàng cá tra là ngành hàng chủ lực trong nuôi thủy sản, là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, phát triển đa dạng sản phẩm có thế mạnh gắn phát triển sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, nghiên cứu chuyển giao quy trình sản xuất đối tượng tiềm năng cho giá trị kinh tế cao góp phần tạo ra giá trị mới và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Thu hoạch cá tra trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: TTXVN phát)

Phối hợp với Tổng cục Thủy sản hỗ trợ địa phương đàn cá tra hậu bị chọn giống theo hướng tăng trưởng nhanh và kháng bệnh để phát tán cho các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng con giống phục vụ cho nuôi thương phẩm đạt hiệu quả cao.

Để sản xuất, ổn định vùng nuôi cá tra trong tỉnh, ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đưa ra mục tiêu phát triển ngành hàng cá tra bền vững, hiện đại dựa trên việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất và quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, có giá trị cao, đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Chỉ tiêu là phát triển diện tích nuôi cá tra đến năm 2025 là 2.450ha, với sản lượng 555.000 tấn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục