Ngày 1/8, tại phiên bỏ phiếu lần cuối, Quốc hội Pháp đã thông qua dự luật tị nạn và nhập cư gây tranh cãi, với 100 phiếu ủng hộ, 25 phiếu chống và 11 phiếu trắng.
Trước đó, Thượng viện Pháp ngày 31/7 đã bác bỏ dự luật này, tuy nhiên Hạ viện thông qua do đảng Nền cộng hòa tiến bước (LREM) của Tổng thống Emmanuel Macron chiếm đa số tại Hạ viện, dù trong nội bộ đảng này cũng bất đồng về dự luật.
Hồi tháng Tư vừa qua, Hạ viện Pháp cũng đã thông qua dự luật tại phiên bỏ phiếu lần đầu.
Dự luật được Bộ Nội vụ Pháp soạn thảo, theo đó tăng gấp đôi thời hạn tạm giam người nhập cư bất hợp pháp lên 90 ngày; giảm thời hạn người xin tị nạn phải nộp đơn đăng ký từ 120 ngày xuống còn 90 ngày; giảm một nửa thời gian chờ xử lý đơn xuống 6 tháng và cho họ 2 tuần để khiếu nại nếu đơn xin tị nạn không được phê duyệt.
[Video] Người Pháp được trao quyền "sai lầm lần đầu"
Dự luật cũng quy định những người vượt biên trái phép vào lãnh thổ Pháp sẽ bị phạt tiền và phạt tù 1 năm, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc trục xuất các trường hợp xin tị nạn vì lý do kinh tế.
Một số nhà lập pháp cánh tả cho rằng dự luật trên hạn chế cơ hội của người tị nạn, trong khi một số nghị sĩ cánh hữu lại chỉ trích dự luật là "lỏng lẻo" và sẽ khiến ngày càng nhiều người di cư có được quy chế hợp pháp tại Pháp.
Số người nộp đơn xin tị nạn ở Pháp trong năm 2017 chạm mốc kỷ lục 100.000 người. Cơ quan Bảo vệ người di cư Pháp (Ofpra) xác nhận Pháp hiện là một trong những quốc gia tiếp nhận nhiều người di cư nhất châu Âu./.