Trang mạng nationalinterest.org đưa tin tháng Tám vừa qua, một cuộc chạm trán nhỏ giữa các lực lượng tuần tra của Mỹ và của Nga đã nổ ra ở phía Đông Bắc Syria.
Theo phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, vụ đụng độ này xảy ra gần Dayrick (Al-Malikiyah) trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, khi các lực lượng tuần tra của Mỹ và Nga chạm trán nhau.
Tại thời điểm đó, một chiếc xe của Nga đã cố tình đâm vào một xe quân sự đặc chủng M-ATV của Mỹ, khiến 4 binh lĩnh Mỹ bị thương.
Đây là vụ va chạm mới nhất giữa các lực lượng trên bộ của Mỹ và Nga tại khu vực này, sau khi Washington rút một phần quân đội khỏi Đông Bắc Syria.
Trong khi vụ việc này dẫn đến những tuyên bố trái ngược và mâu thuẫn của giới chức quốc phòng Mỹ và Nga, vụ va chạm đã cho thấy hoạt động tuần tra chồng chéo của các lực lượng an ninh hai bên.
[Nga-Syria thảo luận về hợp tác kinh tế, thực thi các thỏa thuận đã ký]
Bên cạnh đó, theo một số đoạn video, hai máy bay trực thăng của Nga đã quần thảo ngay trên đầu lực lượng tuần tra Mỹ trong lúc xảy ra sự cố.
Cả hai yếu tố này, cùng với thái độ khiêu khích của lực lượng Nga, đang làm tăng nguy cơ xảy ra các cuộc xung đột quân sự trực diện Mỹ-Nga trong tương lai.
Đây không phải là sự cố cá biệt nhưng là mới nhất trong một loạt các vụ đụng độ của quân đội Mỹ và Nga ở vùng Đông Bắc đầy biến động của Syria.
Cụ thể, những sự cố này có thể là một chiến lược của Nga nhằm kiểm tra giới hạn của các lực lượng Mỹ trong một âm mưu “khuyến khích” Mỹ rút hoàn toàn binh sỹ khỏi khu vực này và miền Đông Syria.
Trái ngược với các cuộc đụng độ trước đó liên quan đến cuộc tuần tra chung của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) và Mỹ với lực lượng dân quân thân chính phủ Syria, sự cố mới nhất liên quan trực tiếp đến Nga có thể là hành động có chủ ý.
Thực vậy, các cuộc đụng độ giữa các lực lượng Mỹ và Nga gia tăng sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút 1.000 quân nhân và chỉ giữ lại một lực lượng nhỏ ở một khu vực hạn chế để bảo vệ “dầu mỏ.”
Việc tái bố trí lực lượng Mỹ sau đó đã giúp lực lượng Nga mở rộng sự hiện diện ở Đông Bắc Syria, khiến hai bên tiếp xúc gần và thường xuyên hơn.
Trong khi hai bên đều cố gắng tránh các vụ đụng độ chết người và lặp lại đối đầu bạo lực, cuộc đối đầu như vậy cho thấy đây là một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa các lực lượng tuần tra Mỹ-Nga, chứ không phải là tranh chấp giữa một hoặc nhiều lực lượng ủy nhiệm hay các lực lượng đồng minh, qua đó làm gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm và leo thang.
Ngoài ra, căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Nga cũng có thể liên quan đến việc ký kết thỏa thuận dầu mỏ gần đây giữa công ty Mỹ Delta Energy với Chính quyền tự trị người Kurd tại Syria.
Với việc làm này, Mỹ đang giảm bớt sự hiện diện của mình ngoài nhiệm vụ ban đầu là chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và báo hiệu ý định ở lại lâu dài trong khu vực giàu dầu mỏ (điều mà phe thân chế độ Assad luôn quan ngại).
Điều này càng đúng hơn khi các báo cáo cho thấy Nga gần đây đã cố gắng đạt được một thỏa thuận tương tự để thăm dò và khai thác các mỏ dầu trong khu vực nhưng vấp phải sự từ chối thẳng thừng từ Chính quyền tự trị người Kurd.
Mặc dù rút một phần binh sỹ Mỹ, vốn ban đầu được triển khai để đánh bại IS ở Syria, Washington đang cố gắng duy trì hiện diện quân sự trong việc bảo vệ các mỏ dầu nằm ở phía Đông Bắc Syria.
Về vấn đề này, thỏa thuận được ký gần đây sẽ đảm bảo sự hiện diện của Mỹ trong 25 năm nhằm phát triển cơ sở hạ tầng dầu mỏ tại những khu vực do lực lượng SDF kiểm soát để hỗ trợ tiêu dùng địa phương ở các vùng lãnh thổ của Chính quyền tự trị người Kurd và có khả năng xuất khẩu dầu qua Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq.
Bên cạnh đó, căng thẳng Mỹ-Nga bùng lên vào thời điểm Chính quyền tự trị người Kurd rút khỏi bàn đàm phán trong nỗ lực bình thường hóa quan hệ với chính phủ Damascus, đồng thời khẳng định rằng chính quyền Syria không nghiêm túc trong cuộc đàm phán với Chính quyền tự trị do người Kurd lãnh đạo và nói thêm rằng Nga không tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán trên.
Do đó, “những sự cố” gần đây không phải là ngẫu nhiên và bắt nguồn từ cuộc đối đầu rộng lớn hơn giữa Mỹ và Nga, qua đó nhấn mạnh đến khả năng sẽ xảy ra “các cuộc chạm trán” trong tương lai.
Thêm vào đó, khi chính quyền Trump nhấn mạnh đến một chiến lược rõ ràng hơn đối với phía Đông Bắc Syria cùng với việc Nga quyết tâm “đuổi” quân đội Mỹ khỏi khu vực này cũng như trả thù việc không ký được thỏa thuận dầu mỏ đều có thể sẽ làm tăng nguy cơ đối đầu quân sự hơn nữa./.