Nguyên phó giám đốc sở nông nghiệp Hà Nội bị phạt 12 năm tù

Ngày 16/5, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phiên tòa xét xử nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Phan Minh Nguyệt và các đồng phạm.
Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Nguyễn Dũng/Vietnam+)

Ngày 16/5, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phiên tòa xét xử nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Phan Minh Nguyệt và các đồng phạm.

Tòa đã tuyên án phạt các bị cáo: Phan Minh Nguyệt (sinh năm 1962, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên - Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội (HADICO), nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội) bị phạt 12 năm tù; Nguyễn Thị Huyền Hảo (sinh năm 1977, nguyên Kế toán trưởng HADICO) 9 năm tù; Đỗ Văn Hảo (sinh năm 1955, nguyên Phó Tổng Giám đốc HADICO) 7 năm tù; Đặng Thị Thanh Tâm (sinh năm 1962, Giám đốc Chi nhánh HADICO - Xí nghiệp Vườn quả du lịch Từ Liêm - Hà Nội) 8 năm tù; Dương Thị Chinh (sinh năm 1963, kế toán trưởng Chi nhánh HADICO - Xí nghiệp Vườn quả du lịch Từ Liêm Hà Nội) bị phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm); Nguyễn Trọng Hùng (sinh năm 1982, nguyên Giám đốc Chi nhánh HADICO 1 - Xí nghiệp Bắc Hà) 4 năm tù về cùng tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ngoài án phạt tù, Tòa còn tuyên buộc HADICO trả tiền cho những người thuê nhà ở Xí nghiệp Vườn quả du lịch Từ Liêm – Hà Nội. Các bị cáo phải bồi thường cho HADICO trên cơ sở số tiền bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chưa khắc phục.


Thay đổi tội danh cho 3 bị cáo

Đồng ý với đề nghị của Viện Kiểm sát, Hội đồng xét xử đã quyết định thay đổi tội danh cho ba bị cáo: Phan Minh Nguyệt, Nguyễn Thị Huyền Hảo, Nguyễn Trọng Hùng từ tội “Tham ô tài sản” và tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” sang cùng tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”

Cụ thể, đối với hành vi tham ô tài sản, sau khi đánh giá chứng cứ, Hội đồng xét xử nhận thấy, bị cáo Nguyệt với tư cách là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, là chủ tài khoản HADICO đã yêu cầu 5 xí nghiệp thành viên rút tiền, lập khống, hợp thức chứng từ rút tiền, hoàn trả tiền để đưa tiền cho Nguyệt chi tiêu sử dụng cá nhân với tổng số tiền trên 40 tỷ đồng từ nguồn vốn vay phục vụ sản xuất và bình ổn giá.

Xét về bản chất, cũng giống như hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong việc sử dụng tiền quỹ thông qua việc Nguyệt chỉ đạo 12 nhân viên ứng gần 37 tỷ đồng. Mặt khác, tiền công ty đã giao cho xí nghiệp và xí nghiệp rút tiền để đưa Nguyệt dưới dạng tạm ứng. Các bản đối chiếu công nợ do Nguyễn Trọng Hùng và ông Dương Thành Chung, Kế toán trưởng Xí nghiệp Bắc Hà đã ký với Nguyệt, Huyền Hảo vào các ngày 31/12/2010, 30/5/2011, 3/1/2012, 31/12/2012, 31/3/2012, 31/3/2013, nội dung thể hiện việc đại diện HADICO (Huyền Hảo hoặc Nguyệt ký) và đại diện Xí nghiệp Bắc Hà (do Hùng và ông Chung ký) đối chiếu các khoản HADICO nợ tạm ứng của Xí nghiệp Bắc Hà các phiếu chi do Hùng, Huyền Hảo, anh Đặng ký người nhận tiền.

Điều đó có nghĩa là số tiền trên 40 tỷ đồng cáo trạng kết luận Phan Minh Nguyệt sử dụng không phải là tiền do Nguyệt trực tiếp quản lý, xí nghiệp Bắc Hà tạm ứng tiền đưa Nguyệt chi tiêu không đúng nguyên tắc, bị cáo Nguyệt không bàn bạc với Hùng dùng thủ đoạn chiếm đoạt tài sản nên không thỏa mãn dấu hiệu của tội “Tham ô tài sản.”

Đối với hành vi Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng của Nguyễn Trọng Hùng, Hội đồng xét xử cho rằng, thực hiện chỉ đạo của Phan Minh Nguyệt, Nguyễn Trọng Hùng đã rút trên 30,5 tỷ đồng từ nguồn vốn phục vụ sản xuất và bình ổn giá của Xí nghiệp chuyển cho Nguyệt sử dụng trái mục đích, gây thiệt hại tài sản của HADICO. Hành vi của Hùng là giúp sức cho Nguyệt nên phải xác định là đồng phạm với Nguyệt, cần xét xử Hùng cùng tội danh với Nguyệt.

Do đó, Hội đồng xét xử xác định: Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội thay đổi tội danh của bị cáo Nguyệt, Huyền Hảo và Hùng, đề nghị xét xử các bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là có căn cứ.

Các bị cáo đã làm trái công vụ

Hội đồng xét xử xác định, hành vi nêu trên của các bị cáo đã vì vụ lợi và động cơ cá nhân làm trái công vụ, chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi vi phạm Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 24/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai; vi phạm Luật Doanh nghiệp, Luật Kế toán, Chuẩn mực Kế toán số 14 về doanh thu và các thu nhập khác và công bố theo Quyết định số 149.2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, gây thiệt hại về tài sản cho cá nhân và HADICO với tổng số tiền trên 70,5 tỷ đồng.

Bị cáo Phan Minh Nguyệt là người cầm đầu, giữ vai trò chủ mưu. Quá trình điều tra cũng như xét xử tại phiên tòa, bị cáo Nguyệt có thái độ khai báo thành khẩn, bản thân có nhiều thành tích trong công tác, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả (khắc phục được gần 75 tỷ đồng) nên được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Bị cáo Nguyễn Thị Huyền Hảo bị xác định là không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của Kế toán trưởng, đã giúp sức tích cực cho Nguyệt, bản thân không được hưởng lợi, có thái độ khai báo thành khẩn, đã nộp 25 triệu đồng để khắc phục hậu quả… Bị cáo Đỗ Văn Hảo là Phó Tổng Giám đốc HADICO, bàn bạc với Nguyệt trong việc phá dỡ, thu tiền của người thuê nhà ở Xí nghiệp Vườn quả du lịch nhưng vai trò ít tích cực hơn Huyền Hảo, bản thân lại không được hưởng lợi, thái độ khai báo thành khẩn… nên xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Nguyễn Dũng/Vietnam+)

Việc HADICO chỉ đạo phá dỡ nhà xưởng để xây dựng 114 gian nhà và 14 ki ốt trên đất nông nghiệp ở Xí nghiệp Vườn quả để cho thuê mà không được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận, là vi phạm Điều 12 (những hành vi bị cấm), Điều 14 và Điều 57 (thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất), Điều 133 (chế độ sử dụng đất nông nghiệp); vi phạm các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất quy định tại Chương XI của Luật Đất đai năm 2013. Việc này đã gây hậu quả làm hủy hoại, làm mất khả năng sử dụng đất nông nghiệp được giao, làm thất thoát tài sản của Nhà nước.

Như vậy, hành vi phá dỡ công trình cũ và xây dựng nhà cho thuê ở Xí nghiệp Vườn quả nêu trên là hành vi vi phạm pháp luật, không có cơ sở để chấp nhận các quan điểm bào chữa cho rằng không có hành vi sai phạm.

Đối với hành vi thu tiền thuê nhà ở Xí nghiệp Thanh Trì, Phan Minh Nguyệt đã chỉ đạo Nguyễn Thị Huyền Hảo, Kế toán trưởng HADICO thu tiền trái phép trong việc cho thuê nhà ở Xí nghiệp Thanh Trì số tiền thu được trên 2,3 tỷ đồng, đã chi hết cho nhu cầu cá nhân của ông Nguyệt, gây thiệt hại cho 7 người với tổng số tiền trên 2,3 tỷ đồng.

Xét thấy, trong số gian nhà Xí nghiệp Thanh Trì bàn giao cho HADICO quản lý, Công ty đã cho thuê và bắt đầu thực hiện quy trình thu tiền. Số tiền thu được, các bị cáo không đưa vào hệ thống sổ sách để chi tiêu theo đúng quy định của pháp luật mà tự ý chi tiêu riêng là sai. Do đó, các ý kiến bào chữa cho rằng đây là quan hệ dân sự là không có căn cứ. Hành vi này của các bị cáo Nguyệt, Huyền Hảo là làm trái quy định về kế toán tài chính, thỏa mãn dấu hiệu của tội phạm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục