Sau một tuần xét xử và nghị án, chiều 2/7, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) đã kết thúc với phần tuyên án.
Hội đồng xét xử nhận định, trong bối cảnh các ngân hàng thương mại hoạt động yếu kém và có nguy cơ đổ vỡ, ảnh hưởng đến hệ thống tài chính tiền tệ, tình trạng sở hữu chéo diễn biến phức tạp, Chính phủ phải triển khai Đề án 254 tái cơ cấu 6 ngân hàng yếu kém.
Trên cơ sở tờ trình của Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo bằng văn bản với nội dung Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tính đúng đắn, chính xác đối với thực trạng năng lực tài chính của nhóm nhà đầu tư mới đầu tư vào Ngân hàng Đại Tín (sau này là VNCB).
Sau khi tái cơ cấu, ngân hàng có tình trạng tài chính lành mạnh, đáp ứng quy định về đảm bảo tỉ lệ an toàn về hoạt động của ngân hàng.
[Đề nghị mức án với nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Đặng Thanh Bình]
Theo Hội đồng xét xử, căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, điều kiện tiên quyết để xem xét tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín là nhóm cổ đông tham gia tái cơ cấu phải có khả năng tài chính, nhân sự.
Tuy nhiên, bị cáo Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (người được giao nhiệm vụ giúp Thống đốc chỉ đạo tái cơ cấu 6 ngân hàng yếu kém) đã có bút phê vào tờ trình của Cơ quan thanh tra giám sát với nội dung việc kiểm tra vốn góp sẽ được thực hiện sau này, cần nghiên cứu đề xuất cách làm để đảm bảo thực hiện yêu cầu của Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước.
Trên thực tế, kết quả điều tra, truy tố xét xử các giai đoạn của vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm đã chứng minh, nhóm nhà đầu tư mới do Phạm Công Danh đứng đầu không có thực lực tài chính tham gia tái cơ cấu.
Bằng các thủ đoạn gian dối, Phạm Công Danh và đồng phạm đã sử dụng chính tiền giải ngân của các khoản vay của Ngân hàng Đại Tín để chứng minh năng lực tài chính.
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu, Hội đồng xét xử nhận định: bị cáo Đặng Thanh Bình biết rõ nhóm Phạm Công Danh tham gia chuyển nhượng cổ phần của Ngân hàng Đại Tín trước khi có quyết định cho phép tham gia nhóm tái cơ cấu.
Chính điều này đã để cho nhóm Phạm Công Danh tham gia quản lý, nắm giữ cổ phần chi phối ngân hàng, tạo điều kiện để Phạm Công Danh và các đồng phạm phạm tội, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến VNCB thất thoát hơn 15.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, với nhiệm vụ chỉ đạo phụ trách cơ quan Thanh tra giám sát, bị cáo Đặng Thanh Bình đã nhận được các báo cáo của tổ giám sát về những sai phạm tại Ngân hàng Đại Tín nhưng bị cáo cũng không có chỉ đạo hay quyết định nào để chấm dứt những sai phạm của ban lãnh đạo ngân hàng.
Các bị cáo còn lại là thành viên của tổ giám sát đã không thực hiện, thực hiện không đúng nhiệm vụ dẫn đến việc Phạm Công Danh và các đồng phạm đã rút tiền của ngân hàng và gây thiệt hại nghiêm trọng.
Tại phiên tòa, các bị cáo đã thành thật khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội. Riêng bị cáo Đặng Thanh Bình không thừa nhận trách nhiệm trực tiếp mà chỉ cho rằng bản thân đã không hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giao phó.
Hội đồng xét xử cho rằng, với những sai phạm như trên đã đủ căn cứ xác định hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” của các bị cáo. Xét các tình tiết giảm nhẹ về nhân thân, thành tích trong công tác, thái độ ăn năn, thành khẩn khai báo…
Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Đặng Thanh Bình 3 năm tù, Hà Tấn Phước (nguyên Tổ trưởng tổ giám sát, nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Long An) 2 năm tù, Lê Văn Thanh (nguyên Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước tỉnh Long An) 2 năm 6 tháng tù, Ngô Văn Thanh (nguyên thành viên tổ giám sát) 1 năm 6 tháng tù và Phạm Thế Tuân (nguyên Tổ phó tổ giám sát) 1 năm tù, cùng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”
Các bị cáo được miễn trách nhiệm dân sự do quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã xác định bị án Phạm Công Danh và các đồng phạm sử dụng tiền của ngân hàng, gây thiệt hại trong vụ án./.