Nhà báo-liệt sỹ Trần Kim Xuyến và hành trình khởi tạo

Cùng với hàng trăm nhà báo đã ngã xuống trong hai cuộc trường chinh, sự hy sinh của nhà báo-liệt sỹ Trần Kim Xuyến đã truyền lửa cho thế hệ sau, nối dài hành trình dấn thân của người làm báo.
Phó Giám đốc Nha Thông tin Trần Kim Xuyến, người phụ trách Việt Nam Thông tấn xã (ngoài cùng, bên phải), xuống tàu dự lễ đón, đưa tin và phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đi thăm Pháp và ký Tạm ước Việt-Pháp (14/9/1946) về nước. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Nhà báo Trần Kim Xuyến (1921-1947) đã có những đóng góp quan trọng cho lịch sử 95 năm xây dựng và phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam nói chung và hành trình 75 năm không ngừng lớn mạnh của Thông tấn xã Việt Nam nói riêng.

Theo ông Hà Đăng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), cùng với hàng trăm nhà báo đã ngã xuống trong hai cuộc trường chinh của dân tộc, hiến dâng tuổi thanh xuân cho cách mạng, sự hy sinh của nhà báo-liệt sỹ Trần Kim Xuyến đã truyền lửa cho thế hệ sau, nối dài hành trình dấn thân không ngừng nghỉ của những người làm báo.

Người đặt nền móng xây dựng TTXVN

Nhà báo Trần Kim Xuyến sinh năm 1921 tại xã Sơn Mỹ (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), nơi có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường. Ông lớn lên, trưởng thành giữa bầu không khí cách mạng sục sôi của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Tinh thần đấu tranh kiên cường của giai cấp công nhân, nông dân chống lại ách áp bức, bóc lột của chế độ thực dân phong kiến đã tác động mạnh mẽ tới chàng thanh niên Trần Kim Xuyến khi ấy, giúp ông sớm giác ngộ cách mạng.

[Photo] Những bức ảnh mang biểu tượng thời đại của TTXVN

Theo tài liệu lưu giữ tại Nhà lưu niệm nhà báo-liệt sỹ Trần Kim Xuyến ở xã Sơn Mỹ (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), sau khi tốt nghiệp Trường Quốc học Vinh, Nghệ An (1939), ông làm việc tại Tòa sứ tỉnh Bắc Giang và bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Từ năm 1943, nhà báo Trần Kim Xuyến hoạt động cách mạng ở Hà Nội.

Ông từng bị thực dân Pháp bắt và giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò. Thế nhưng, đòn roi, chế độ giam giữ hà khắc ở “địa ngục trần gian” đã không khuất phục được ý chí người cộng sản kiên trung. Sau khi Nhật đảo chính Pháp (ngày 9/3/1945), ông cùng một số chiến sỹ cách mạng tổ chức vượt ngục, tham gia vào quá trình chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngày 22/8/1945, nhà báo Trần Kim Xuyến được Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đó là Chủ tịch Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, giao nhiệm vụ lập bộ máy của Bộ Thông tin Tuyên truyền.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập (ngày 2/9/145 tại quảng trường Ba Đình), khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ lâm thời chính thức ra mắt đồng bào cả nước. Khi mới thành lập, Chính phủ lâm thời có 13 bộ, trong đó có Bộ Thông tin Tuyên truyền do ông Trần Huy Liệu làm Bộ trưởng. Nha Thông tin (tiền thân của Thông tấn xã Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam) là đơn vị thuộc Bộ Thông tin Tuyên truyền. Nhà báo Trần Kim Xuyến được cử làm Phó Giám đốc Nha Thông tin, trực tiếp phụ trách Việt Nam Thông tấn xã.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của ông, ngày 15/9/1945, từ Đài phát sóng vô tuyến Bạch Mai, những bản tin mang ký hiệu VNTTX, VNA, AVI bằng ba thứ tiếng (tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp) được phát đi toàn thế giới với nội dung: toàn văn bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử và danh sách các thành viên Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thông báo với thế giới sự ra đời của nước Việt Nam mới. Đó là những bản tin được phát sóng đầu tiên của Việt Nam Thông tấn xã.

Lễ kéo băng khánh thành tuyến phố mang tên Trần Kim Xuyến-nhà báo, liệt sỹ đầu tiên của TTXVN đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Song song với việc tuyên truyền phục vụ kháng chiến ở Nam Bộ, hoạt động đối nội, đối ngoại của Chính phủ, Việt Nam Thông tấn xã còn đưa tin về các hoạt động tham gia, hưởng ứng phong trào chống giặc đói, giặc dốt của nhân dân Hà Nôi và các địa phương, động viên đồng bào hưởng ứng “Tuần lễ vàng,” xây dựng và củng cố chính quyền cơ sở…

Tháng 1/1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I khu vực Bắc Giang.

Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhà báo Trần Kim Xuyến tham gia tổ chức di chuyển toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật, tài liệu quan trọng của Nha Thông tin Việt Nam từ Hà Nội về các cơ sở an toàn, tiếp tục phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 3/3/11947, với xe tăng, xe bọc thép và máy bay yểm trợ, thực dân Pháp tấn công các vùng lân cận Hà Nội, trong đó có khu vực đóng quân, đặt trạm thu phát của Việt Nam Thông tấn xã ở huyện Chương Mỹ (Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội).

Nhà báo Trần Kim Xuyến đã anh dũng hy sinh tại khu vực Đầm Sen, xã Chúc Sơn (nay là thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) trong khi đang chỉ huy đơn vị chiến đấu, phá vòng vây của địch.

Ngày 26/7/2019, đoàn đại biểu Thông tấn xã Việt Nam do Phó Tổng Giám đốc Đinh Đăng Quang dẫn đầu, đến viếng mộ liệt sỹ-nhà báo Trần Kim Xuyến tại Nghĩa trang Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Viết tiếp truyền thống

Nhà báo Trần Kim Xuyến ra đi khi mới 26 tuổi, là cán bộ thông tấn đầu tiên hy sinh trong kháng chiến. Sắc lệnh 32/SL (ngày 23/4/1949) của Chủ tịch Hồ Chí Minh truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho nhà báo-liệt sỹ Trần Kim Xuyến nhấn mạnh ông là một cán bộ tuyên truyền có tài.

Trước ngày khởi nghĩa, ông đã tích cực hoạt động giữa Thủ đô Hà Nội mặc dù chịu sự khủng bố và kiểm soát chặt chẽ của Pháp và Nhật. Sau đó, ông đã có công lớn trong việc xây dựng Nha Thông tin Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam.

Theo nhà báo lão thành Hà Đăng, mặc dù nhà báo-liệt sỹ Trần Kim Xuyến đã ra đi hơn bảy thập kỷ nhưng tên tuổi, sự nghiệp của ông vẫn sống mãi cùng lịch sử dân tộc, để lại dấu ấn đặc biệt trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Ông là tấm gương sáng về tinh thần dấn thân, sáng tạo, vượt lên hoàn cảnh khó khăn, điều kiện khắc nghiệt.

Ban lãnh đạo Báo Điện tử VietnamPlus thắp hương tại Nhà Tưởng niệm Nhà báo Liệt sỹ Trần Kim Xuyến. (Ảnh: Nguyên An/Vietnam+)

Tên ông được đặt cho hai con đường (ở Hà Nội và Hà Tĩnh). Lễ gắn biển tên phố Trần Kim Xuyến ở Hà Nội diễn ra ngày 5/3/2014. Phố dài 550m, rộng 20m, thuộc dự án khu đô thị mới, bắt đầu từ ngã tư Trung Hòa-Vũ Phạm Hàm (cạnh Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1) đến điểm giao cắt với đường 30 mét.

Tại quê hương ông, ngày 17/6/2017, con đường mang tên nhà báo-liệt sỹ Trần Kim Xuyến dài hơn 2km, rộng 12m, thuộc tỉnh lộ 71, bắt đầu từ ngã tư Phố Châu, K10 đến K15 nối đường Hồ Chí Minh trên địa bàn huyện Hương Sơn.

Bên cạnh đó, để bày tỏ lòng biết ơn và sự tri ân với những đóng góp, hy sinh của nhà báo-liệt sỹ Trần Kim Xuyến, trong những năm qua, Liên Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực.

[Về quê nhà báo Trần Kim Xuyến 'tiếp lửa' cho học sinh nghèo]

Năm 2012, Quỹ học bổng Trần Kim Xuyến được thành trên cơ sở sáng kiến của Liên Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam. Hàng năm, quỹ đều trao tặng học bổng, động viên những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực vươn lên, đạt kết quả học tập tốt ở quê hương nhà báo Trần Kim Xuyến.

Vào năm 2013, Nhà Lưu niệm Nhà báo-Liệt sỹ Trần Kim Xuyến đã khánh thành ở xã Sơn Mỹ (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh). Đây là nơi trưng bày những hiện vật, tài liệu quan trọng liên quan đến cuộc đời hoạt động của ông; trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho thế hệ trẻ.

Nhà báo Đoàn Ngọc Thu, Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus trao quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở quê hương nhà báo-liệt sỹ Trần Kim Xuyến. (Ảnh: Nguyễn An/Vietnam+)

Việc đặt tên đường và xây dựng nhà lưu niệm thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn,” sự tôn vinh, lòng biết ơn của thế hệ sau đối với những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho lịch sử báo chí Việt Nam của nhà báo-liệt sỹ Trần Kim Xuyến. Bên cạnh đó, điều này cũng thể hiện sự ghi nhận của các cấp, ngành, đoàn thể đối với những đóng góp của Thông tấn xã Việt Nam cho độc lập dân tộc.

Sự hy sinh của nhà báo Trần Kim Xuyến cùng hơn 260 phóng viên, kỹ thuật viên, cán bộ của Thông tấn xã Việt Nam trong hai cuộc trường chinh đã góp phần quan trọng viết nên trang sử vẻ vang của ngành nói riêng và của nền báo chí cách mạng Việt Nam nói chung. Máu của các phóng viên, kỹ thuật viên thấm trong mỗi dòng tin, bài viết, bức ảnh, thước phim được gửi về từ chiến trường khốc liệt.../.

Trong hành trình Về Nguồn 2020 (diễn ra trong hai ngày 16, 17/5 nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh), Báo Điện tử VietnamPlus đã đến thăm quê Bác tại huyện Nam Đàn (Nghệ An) và Nhà Lưu niệm Nhà báo-Liệt sỹ Trần Kim Xuyến, trao 40 suất quà cho các gia đình khó khăn, “tiếp lửa” cho các em học sinh nghèo vượt khó ở xã Tân Mỹ Hà (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh).

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục