Nhà đầu tư chốt lời khiến chỉ số chứng khoán quay đầu giảm

Các mã cổ phiếu vốn hóa lớn đầu ngành đua nhau giảm giá, tạo áp lực giảm điểm lên chỉ số VN-Index và trong rổ cổ phiếu VN30 có tới 23 mã giảm giá, trong khi chỉ có sáu mã tăng giá.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thị trường mở cửa khá tích cực với sắc xanh lan tỏa nhưng đến cuối phiên sáng sắc xanh tại các mã cổ phiếu đầu ngành được thay bằng sắc đỏ trước áp lực bán mạnh của giới đầu tư.

Cuối phiên giao dịch sáng 27/4, VN-Index giảm 2,78 điểm (0,36%) xuống mức 773,88 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 194,7 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 2.911,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 168 mã tăng giá, 171 mã giảm giá và 54 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 0,54 điểm xuống mức 106,43 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 25,39 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 207,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 55 mã tăng giá, 58 mã đứng giá và 70 mã giảm giá.

Các mã cổ phiếu vốn hóa lớn đầu ngành đua nhau giảm giá, tạo áp lực giảm điểm lên chỉ số VN-Index. Trong rổ cổ phiếu VN30 có tới 23 mã giảm giá, trong khi chỉ có sáu mã tăng giá.

VRE giảm 1,5%, PNJ giảm 1,7%, MWG và SAB đều giảm 1,3%, SSI giảm 1,1%... Ở chiều tăng giá, đáng chú ý, VNM vẫn giữ được sự tích cực khi tăng 1,3%.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng chìm trong sắc đỏ, chỉ có VPB tăng 3,7% và KLB tăng 3,9%. Còn VCB và EIB đều giảm 2,6%, SHB giảm 1,8%, MBB giảm 1,6%, BID và VIB giảm 1,4%, HDB giảm 1,2%...

Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng diễn biến tiêu cực với PVB giảm 4,3%, PVD giảm 3,2%, PVS giảm 0,9%, GAS giảm 0,6%, PLX giảm 1,6%...

[Đề phòng rủi ro thị trường chứng khoán có thể giảm trở lại]

Các thị trường chứng khoán ở châu Á đồng loạt tăng điểm trong phiên sáng 27/4 khi bước vào một tuần dự kiến khá "bận rộn" với những báo cáo kết quả kinh doanh của giới doanh nghiệp cùng với các cuộc họp của các ngân hàng trung ương; trong đó có cuộc họp ngày 27/4 của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) bàn về các biện pháp kích thích kinh tế bổ sung.

Chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) tăng 0,89% (tương đương 171,27 điểm) lên 19.433,27 điểm. Chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,84% (199,33 điểm) lên 24.030,66 điểm còn chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 0,13% (3,71 điểm) lên 2.812,24 điểm. Trong khi đó, chỉ số Kospi của thị trường Seoul (Hàn Quốc) tăng 1,44% (27,19 điểm) lên 1.916,2 điểm.

Theo Okasan Online Securities, thị trường chứng khoán Nhật Bản trong tuần này dự kiến sẽ biến động theo hình “răng cưa” trước thềm kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng. Các nhà đầu tư đang dõi theo sát sao cuộc họp của BoJ, mà theo dự đoán sẽ có thêm các biện pháp nới lỏng tiền tệ. Giới đầu tư cũng đang chờ đợi việc Chính phủ Nhật Bản liệu có quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp sau ngày 6/5 hay không.

Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng tiến hành các cuộc họp vào cuối tuần này.

Theo dự đoán của các nhà phân tích thuộc ngân hàng ANZ, Fed có thể sẽ không thực hiện thêm các biện pháp nới lỏng định lượng (QE) hay điều chỉnh lãi suất song sẽ nhấn mạnh về việc cơ quan này sẽ tiếp tục duy trì các chính sách hiện tại trong một thời gian dài để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ.

Tuy vậy, đối với ECB, các nhà phân tích trên cho rằng cơ quan này sẽ tăng quy mô chương trình mua trái phiếu khẩn cấp (PEPP) thêm khoảng 500 tỷ euro lên 1.250 tỷ euro và tiếp tục hối thúc các nhà lãnh đạo châu Âu thực hiện một kế hoạch kích thích tài khóa quy mô lớn.

Trong tuần này, khoảng 173 doanh nghiệp có cổ phiếu hợp thành chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ) sẽ công bố báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý, trong đó có các "đại gia" như Apple, Amazon, Facebook, Microsoft, Caterpillar, Ford, GE và Chevron.

Giới phân tích dự đoán tổng lợi nhuận của tất cả doanh nghiệp có cổ phiếu cấu thành chỉ số S&P 500 ước giảm 15% trong quý 1/2020, trong đó lợi nhuận của các doanh nghiệp năng lượng giảm hơn 60% làm dấy lên những quan ngại về nguy cơ vỡ nợ, sa thải lao động và thậm chí là phá sản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục