Những ngày tháng Ba, muôn triệu trái tim Việt Nam lại hướng về Gạc Ma, quần đảo Trường Sa, một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhớ 14/3/1988 - ngày Biển Đông dậy sóng, thành kính tri ân những người con của Tổ quốc đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ chủ quyền đất nước, lại nhớ những cán bộ, chiến sỹ đã khắc phục khó khăn, gian khổ đi xây dựng nhà giàn trên biển.
Hơn 30 năm qua, những nhà giàn DK1 giữa trùng khơi đã trở thành biểu tượng khẳng định cột mốc chủ quyền trên biển.
Nơi Đại tá Nguyễn Quý, nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật-Bộ Tư lệnh Công binh (Bộ Quốc phòng) sống điền viên tuổi già là căn hộ chung cư của một cao ốc nằm trên phố Láng Hạ, Hà Nội.
Vị Đại tá năm nay đã 90 tuổi này là một trong những người đặt nền móng cho các công trình cho Trường Sa, rồi nhà giàn DK1 đầu tiên trên biển, từ DK1/1 đến DK1/16 liên tục trong những năm 1988 đến 1996.
Ông cũng là người gắn với những chuyến hành quân từ Tân Cảng Sài Gòn, Bà Rịa-Vũng Tàu... ra tiền đồn cắm mốc chủ quyền Tổ quốc nơi khu vực Tư Chính, Phúc Tần, Ba Kè, để tạo thế chân kiềng trên vùng biển rộng lớn của Tổ quốc.
Nhắc đến vùng biển công trình DK1 rộng lớn với diện tích khoảng 80.000 km2, có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh - quốc phòng, khu vực rất giàu có về tài nguyên khoáng sản và tài nguyên biển, án ngữ trên đường hàng hải quốc tế qua Biển Đông, Đại tá Nguyễn Quý cho biết: Sự bành trướng, nhòm ngó của nước ngoài ở Biển Đông là lý do khiến Bộ Quốc phòng quyết tâm xây dựng nhà giàn DK1 để giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Nói về tầm nhìn chiến lược khi xây dựng công trình DK1, Đại tá Nguyễn Quý khẳng định: Công đầu phải kể đến Đô đốc Giáp Văn Cương, nguyên Tư lệnh Hải quân. Ngày đó, Đô đốc đã chỉ đạo Lữ đoàn 171 khảo sát thềm lục địa Nam Biển Đông nước ta và phát hiện 6 bãi đá ngầm san hô có đỉnh nhô cao dưới mặt nước biển từ 9-50m. Phía Bắc là Phúc Tần, Huyền Trân, phía Đông Nam là Ba Kè, phía Tây Nam là Tư Chính, nằm giữa Phúc Tần và Tư Chính là Phúc Nguyên và Quế Đường.
Ông Quý nhớ lại: Theo đề nghị của Tư lệnh Hải quân và Bộ Quốc phòng, ngày 17/10/1988, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã ký quyết định chủ trương tiến hành xây dựng các công trình trên tất cả các bãi đá ngầm với tên gọi "Trạm dịch vụ kinh tế-khoa học kỹ thuật." Sau đó, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có chỉ thị thành lập Ban Chỉ đạo DK1 do Phó Chủ tịch nước Trần Đức Lương làm Trưởng ban.
Tiếp đó, ngày 16/1/1989, Chính phủ có Quyết định yêu cầu: Khẩn trương, bí mật, khoán gọn, vừa thiết kế vừa thi công, vừa là hợp đồng kinh tế, vừa là lệnh của Nhà nước phải hoàn thành hợp đồng với bất cứ giá nào, hoàn thành tốt sẽ được khen thưởng thích đáng...
[Những “pháo đài thép” trên vùng biển phía Nam của Tổ quốc]
Theo chỉ đạo, Ban quản lý công trình dầu khí Vũng Tàu làm phần chân đế theo phương án móng cọc, thi công trên biển DK1/1. Viện Nghiên cứu thiết kế cơ khí Bộ Giao thông vận tải làm phần hạ tầng theo phương án trọng lực, thi công trên biển DK1/3, DK1/4.
“Bộ Quốc phòng giao cho Bộ Tư lệnh Công binh và Tư lệnh Công binh giao cho tôi - Cục trưởng Cục Kỹ thuật làm Tổng chỉ huy các lực lượng thiết kế, sản xuất, thi công 4 thượng tầng và trang bị vũ khí, trang thiết bị theo biên chế. Chủ trì thiết kế là Viện kỹ thuật Công binh, sản xuất là Nhà máy X49”, Đại tá Nguyễn Quý cho biết.
“Những ngày đó, tôi cùng đồng đội cứ lặng lẽ làm, không nói, không tuyên truyền khoa trương..." - Đại tá Nguyễn Quý kể lại và chia sẻ: Kinh nghiệm làm nhà cao chân ở Trường Sa là phải lắp dựng thử, chỉnh sửa, tháo ra, đánh dấu, bó lại từng cấu kiện rồi chuyển lên tầu hỏa, đưa vào Thành phố Hồ Chí Minh và xuống Bà Rịa-Vũng Tàu... Nhưng đánh dấu thế nào để khỏi lẫn lộn và giữ được bí mật, trong một thoáng suy nghĩ, ông Quý quyết định: Ở Tư Chính là DK1/1, Phúc Nguyên là DK1/2, Phúc Tần là DK1/3 và Ba Kè là DK1/4...
Không ngờ phiên hiệu DK1/1, DK1/2 nối nhau, nay đến DK1/20, DK1/21 đã được khai sinh từ ngày ấy, trở thành tên gọi đến bây giờ và mãi mãi sau này.
Trong trí nhớ của ông Nguyễn Quý, ngày 1/6/1989 Thượng tướng Đào Đình Luyện, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng gọi ông đến để truyền lệnh: "Bộ Chính trị, Tổng Bí thư đã quyết định khẩn trương sớm đưa công trình ra biển lắp dựng. Được cả 3 thì tốt, nếu không kịp thì 1 cái cũng được, đặc biệt ưu tiên ở Tư Chính. Tổng Bí thư gửi lời khen các cậu đấy!..."
Như được tiếp thêm sức mạnh, ông Quý và các kỹ sư lao vào làm 3 ca liên tục. Quần quật ngoài trời nhiệt độ 40-41 độ C, trên nắng, dưới nóng, nhưng các quân nhân kỹ thuật Công binh vẫn miệt mài lao động.
“Và ngày ấy đã đến, DK1/3, rồi DK1/4 liên kết với chân đế. Ngày 9/6/1989, giờ G đã đến. Lệnh hành quân hướng ra Biển Đông xuất kích. DK1/3, DK1/4 từ Tân Cảng Sài Gòn; DK1/1 từ Bà Rịa-Vũng Tàu lần lượt được đưa ra biển. Ba công trình DK1 đầu tiên trở thành 3 tiền đồn cắm mốc chủ quyền của Tổ quốc trên khu vực Tư Chính (ngày 4/7/1989), DK1/3 ở Phúc Tần và DK1/4 ở Ba Kè (ngày 14/6/1989) tạo thế chân kiềng trên một vùng biển rộng lớn của Tổ quốc...” - Đại tá Nguyễn Quý kể lại.
Tại Hội nghị Tổng kết xây dựng công trình DK1 đợt đầu tiên tổ chức ngày 31/7/1989 đã đánh giá cao sự nỗ lực, sáng tạo của các đơn vị hoàn thành rất xuất sắc nhiệm vụ mà Bộ Chính trị và Chính phủ giao cho. Từ thực tiễn thiết kế và thi công, Đại tá Nguyễn Quý cho rằng, để công trình bền vững trước sóng gió, ngoài việc cung cấp số liệu khí tượng hải văn chính xác, cần có sự khảo sát diện mạo mặt bằng đáy biển nơi dự kiến xây dựng công trình để chọn vị trí thuận lợi nhất, tiến hành khoan địa chất để thiết kế chân đế và cọc cho phù hợp.
Thời điểm đó, ta đã lắp dựng được 3 công trình, nhưng từ thực tế đã bộc lộ chân đế có nguy cơ không trụ vững nên cần có phương án gia cố, gia cường.
"Hiểu về biển có lẽ không ai bằng lực lượng Hải quân, nhất là Đô đốc - Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương. DK1 do Hải quân quản lý, cán bộ, chiến sỹ Hải quân trấn giữ, nên tôi đã đề nghị bổ sung Tư lệnh Hải quân vào Ban Chỉ đạo DK1..." - ông Quý nhớ lại và cho biết, các nhà giàn đến nay đã trải qua nhiều thế hệ.
Đầu tiên là “chiếc phao lớn” làm bằng kim loại neo đậu trên nền đá san hô, tiếp đến là khung nhà liên kết với chân đế vững chắc hơn nhưng sóng to, bão lớn vẫn thường xuyên bị chìm xuống đáy biển. Thế hệ thứ hai là nhà giàn có 4 cọc kim loại cắm xuống nền đá san hô và bê tông cứng, bên trên là 2 tầng nhà.
Và hôm nay, nhà giàn thế hệ thứ ba có 6 cọc kim loại vững chãi, phía trên là 3 tầng nhà, dựng song song, nối với nhà giàn thế hệ thứ hai bằng một cây cầu thép dài khoảng 50m. Một số nhà giàn còn thiết kế bãi đậu trực thăng trên nóc...
"Nhà giàn DK ngoài ý nghĩa thu thập thông tin khoa học về hải dương, kinh tế biển, còn là những cột mốc khẳng định chủ quyền trên thềm lục địa, tiềm năng dầu khí của Việt Nam", ông Nguyễn Quý nói./.