Nhạc sỹ Huy Tuấn: Tôi dẫn dắt các ca sỹ, các con dẫn dắt tôi

Với nhạc sỹ Huy Tuấn, món quà quý giá nhất mà Thượng đế ban cho anh chính là 3 đứa con, mà anh thường âu yếm gọi là một band "Anh em" khác của gia đình mình.

Người viết đã chuẩn bị tinh thần để đối thoại với một nhân vật nổi tiếng khó tính trong giới nghệ sỹ, một nhạc sỹ vẫn luôn "khó đăm đăm" khi ngồi trên ghế giám khảo của chương trình “Vietnam’s Got Talent.”

Song, khi chủ đề chuyển sang câu chuyện con cái, Huy Tuấn bỗng trở nên hiền hơn. Có lẽ anh đang nghĩ về những những lúc chơi đùa với con, nhìn chúng thay đổi từng ngày và chiều chuộng những gì mà chúng muốn.

- Cảm giác làm bố lần thứ nhất, thứ nhì và thứ ba có khác gì nhau không thưa anh?

Nhạc sỹ Huy Tuấn: Vừa vào mà đã hỏi câu khó nhỉ. Khi có con lần đầu, tôi cảm nhận một sự thiêng liêng rất rõ ràng. Vì là lần đầu tiên, sự chờ đợi, háo hức rất lớn. Song song là một nỗi âu lo về trách nhiệm với cả một con đường dài phía trước. Những cảm xúc, những câu hỏi, những háo hức ấy nhiều đến mức tôi vẫn còn có thể nhớ lại chúng.

Lần thứ hai thì những câu hỏi đã khác đi. Sự thiêng liêng vẫn còn đấy nhưng vì đấy là một đứa con trai (Huy Tuấn có ba người con, một cô con gái đầu lòng và hai con trai - PV), nên sự chờ đợi cũng khác đi đôi chút. Nhưng chung quy lại, điều tôi nghĩ đến nhiều nhất là sự trưởng thành của con trong tương lai.

- Sự khác biệt giữa có con gái và con trai là gì?

Nhạc sỹ Huy Tuấn: Nhìn đứa con trai, tôi có thêm một câu hỏi: "Liệu lớn lên nó có giống mình không, nó có trở thành một người đàn ông đầy đủ trách nhiệm như mình không?" Sự lo lắng vì thế cũng lớn hơn. Còn bé gái thì mình vẫn có khuynh hướng là bao bọc, che chở. Còn con trai khi lớn lên nó phải bao bọc, che chở những người phụ nữ của nó.

- Ngày xưa anh thành danh với ban nhạc “Anh em,” bây giờ anh lại có một ban “Anh em” khác trong gia đình mình...

Nhạc sỹ Huy Tuấn: Trong gia đình, tôi có hai cô em gái. Tôi không có nhiều thời gian dành cho các em của mình vì ở nhà đến 10 tuổi là tôi đã đi rồi. Đi học, đi ra nước ngoài. Tôi thiếu cái cảm giác của một gia đình trong những năm tháng ấy. Và vì thế khi tìm thấy những bạn bè tốt, tôi xem họ như anh em của mình vậy.

Tôi và Anh Quân xa nhà từ bé, phải sống ở nước ngoài, vừa đi học vừa đi làm. Có được một người đồng hành với mình trong cuộc sống hàng ngày, trong tư duy âm nhạc, trong những sở thích dành cho công việc như thế thật sự là một điều rất có ý nghĩa với tôi. Thế nên vượt lên trên cả tình bạn, tôi xem đấy như tình anh em vậy.

Còn ban “Anh em” trong nhà thì là một kiểu khác vì chúng là anh em ruột. Tôi luôn thích thú quan sát sự yêu thương của chúng dành cho nhau.

Vì thiếu thốn tình cảm từ bé, cảm giác được sống trong tình anh em gắn bó của chính các con mình cho tôi một niềm vui, một sự thanh thản.

Nhìn chúng lớn lên và có cử chỉ quan tâm nhau luôn là những giây phút đẹp nhất trong một ngày của tôi. Tôi xem ban “Anh em” và tình cảm của chúng là món quà mà Thượng Đế đã ban cho mình.

- Sự thay đổi của anh sau khi lần lượt có ba người con diễn ra như thế nào?

Nhạc sỹ Huy Tuấn: Người ngoài nhìn sự thay đổi ấy rõ hơn tôi. Còn với tôi, sự thay đổi nếu có là một điều bắt buộc. Với một người mà trước khi lập gia đình hoàn toàn sống gần như một mình như tôi thì những đổi thay sau khi có vợ, có con tất nhiên là điều phải có. Trách nhiệm của một người đàn ông với gia đình, của người cha đối với con xuất hiện tự nhiên như một bản năng.

- Nhưng sau khi có hai con trai, người ta nhìn thấy một Huy Tuấn hòa đồng hơn, vui vẻ hơn so với một người tương đối khó gần trước đó?

Nhạc sỹ Huy Tuấn: Tôi không nhìn thấy sự khác biệt lớn đến thế. Niềm vui mà con gái và con trai mang lại cho tôi là như nhau. Tôi không phân biệt nhiều lắm đâu. Thậm chí khi chưa có con trai, tôi vẫn mong có thêm một bé gái.

- Việc có con, nhiều con, có khiến anh thận trọng hơn trong công việc?

Nhạc sỹ Huy Tuấn: Tôi chưa bao giờ thật sự suy nghĩ về điều này. Với tôi, sự nghiệp và cuộc sống của tôi khá tách bạch. Về sự nghiệp, tôi vẫn đang đi trên con đường mà mình đã vạch ra từ trước mà không bị chi phối bởi cuộc sống gia đình hay con cái.

Tôi nghĩ sự độc lập này rất cần thiết với những người làm nghệ thuật. Cuộc sống bên ngoài có thể lấy đi nhiều thời gian hơn của tôi, nhưng cái đích mà tôi hướng đến trong sự nghiệp vẫn ở đó, không hề chệch đi. Nhưng mỗi một nghệ sỹ lại có những giai đoạn khác nhau, có khi các bạn lấy giai đoạn mới để so sánh với giai đoạn cũ nên có suy nghĩ là tôi đã thận trọng hơn không chừng.


- Từ chỗ là một người ở phía sau, bây giờ anh lại bước lên phía trước thông qua việc làm giám khảo. Đấy chẳng phải là một thay đổi sao?

Nhạc sỹ Huy Tuấn: Thật ra đấy không phải lựa chọn của tôi. Việc tôi ngồi vào chiếc ghế ấy xuất phát từ những mối quan hệ, từ tình bằng hữu. Tôi không chủ động chọn việc xuất hiện trước công chúng, nhưng khi bạn đã cần mình mà mình có thể giúp được, mình không thể không giúp.

- Anh nghĩ ở Việt Nam, người ta có thể giàu lên bằng âm nhạc không?

Nhạc sỹ Huy Tuấn: Tôi hy vọng trong 5-10 năm tới, những người làm âm nhạc có thể sống được bằng nghề nghiệp của mình. Với những thay đổi về chính sách, hiệp ước, mọi việc sẽ thay đổi rất nhanh trong những năm tới.

Bước vào cuộc chơi quốc tế, người ta không thể chộp giật, dễ dãi như trước. Vấn đề bản quyền sau khi đã đi vào quy củ sẽ làm thay đổi thói quen nghe nhạc và tiêu thụ các sản phẩm nghệ thuật.

- Nghĩa là thời điểm này trở về trước, nhạc sỹ vẫn chưa sống được nhờ làm nghệ thuật?

Nhạc sỹ Huy Tuấn: Tôi đang nói về một số đông, và tôi không thuộc về số đông ấy. Tôi đang nói đến một thị trường lớn hơn, nơi có thật nhiều người sống được nhờ vào những sản phẩm âm nhạc của mình trong tương lai, chứ không phải chỉ một vài người như hiện nay.

- Việc có đến ba người con có đặt anh dưới bài toán sinh kế?

Nhạc sỹ Huy Tuấn: Chắc chắn rồi. Tôi phải thẳng thắn nhìn nhận là kinh tế trong gia đình để có thể nuôi nấng các con là một vấn đề đôi khi mang tính quyết định.

Là một người đàn ông có sự nghiệp, cái đích cuối cùng cũng chỉ là để cho gia đình mình có một cuộc sống sung túc. Kinh tế luôn là một trong những chỉ số quyết định hạnh phúc gia đình.

- Vậy có bao giờ vì bài toán ấy mà anh thỏa hiệp?

Nhạc sỹ Huy Tuấn: Tôi có một cái may là ở cái vị thế của tôi hiện tại, tôi ít khi bị rơi vào tình huống phải thỏa hiệp.

Cách mọi người nhìn vào sự thỏa hiệp cũng khác nhau. Phải là người trong cuộc thì mới biết là thực sự câu chuyện gì đang xảy ra. Đôi khi có những thứ tôi thỏa hiệp không phải vì bản thân mình dễ dãi mà vì có những thứ mình muốn, nhưng chưa thể thực hiện ngay được. Khi ấy tôi buộc phải đi chậm lại, chứ nếu tôi chạy một mình, có thể tôi sẽ tới nơi, nhưng còn quá nhiều người ở lại phía sau, mà cái tôi muốn là tất cả có thể đi cùng nhau đến cái đích ấy.

- Liệu đấy có phải là một cách nói chủ quan, để giải thích cho cái khách quan là có thể chính anh đã thỏa hiệp?

Nhạc sỹ Huy Tuấn: Mỗi người có cách nhìn riêng của mình về từng vấn đề, tôi thì không còn thói quen phải nghe ngóng xung quanh trước khi làm một việc gì đó, nhất là những việc liên quan đến quan điểm làm nghề. Tôi không còn phải chứng minh chứng tỏ gì mà cái cần nhất của tôi bây giờ là tập trung vào việc mình làm thôi.

- Anh là một người tự tin trong việc định hướng âm nhạc. Nhưng với các con thì sao, anh có tự tin là mình có thể định hướng chúng?

Nhạc sỹ Huy Tuấn: Chúng ta không thể định hướng con cái khi không cho nó một nền tảng tốt để phát triển tri thức. Thiếu cái nền tảng ấy thì mình có muốn gò bọn trẻ cũng không nghe. Hoặc chúng có muốn theo ý mình thì cũng không đủ tư duy để cảm nhận được cái bố mẹ muốn ở nó là gì.

Thế nên cái gọi là định hướng tôi để lại cho sau này, cho dù thỉnh thoảng tôi cũng tự đặt ra câu hỏi liệu các con sau này có theo cái nghề mà mình đang làm hay không.

- Vậy giữa việc sản xuất âm nhạc và làm bố của ba đứa con, anh nghĩ mình đang làm việc nào tốt hơn?

Nhạc sỹ Huy Tuấn (suy nghĩ khá lâu): Ở cả hai vai trò, tôi nhận thấy mình đều có những thứ chưa làm được. Tôi là một người bố có trách nhiệm, nhưng tôi chưa dành đủ thời gian cho các con như mình muốn. Tôi vẫn còn bận rộn vì công việc quá. Có những lúc tôi giật mình tự hỏi: “Hôm nay mình đã chơi với con chưa?” Nghĩ xong tôi chạy vội về nhà, tranh thủ chơi trước khi con ngủ. Thế nên tôi thấy mình chưa thật sự tròn vai trong vai trò một người bố.

Nhưng tôi cảm thấy mình rất may khi có người vợ đã vun vén được chuyện con cái để tôi có thể tập trung cho những dự tính trong công việc của mình. Và vì đã có một người vợ khá hoàn hảo như thế, tôi thấy mình vẫn có thể ăn gian một chút thời gian của gia đình để dành cho công việc. Những người đàn ông không có được điều này thì trách nhiệm của họ với gia đình phải lớn hơn.

- Anh có mong muốn làm thay đổi thị trường âm nhạc, vậy anh nghĩ sao về những tranh cãi xung quanh việc các ca sỹ ngày nay chuyển sang hát nhạc bolero?

Nhạc sỹ Huy Tuấn: Cái mà những người như Tùng Dương muốn nói và phản ứng theo tôi chính là sự lười biếng. Bolero đã chứng tỏ giá trị của mình trong dòng chảy âm nhạc. Khi hát bolero, đấy là một thành công được dự đoán trước. Sự mạo hiểm, tìm tòi không lớn. Một ca sỹ trẻ mà chỉ dựa vào những giá trị có sẵn như thế tức đã có một lựa chọn an toàn.

Tôi biết có nhiều ca sỹ chỉ cần ra một album bolero, họ sẽ bán rất nhiều đĩa, thu nhập của họ sẽ tốt, nhưng họ vẫn không làm vì như vậy thì họ lại rơi vào trong cái vỏ bọc an toàn đó. Nếu như ai cũng đưa ra một lựa chọn an toàn thì cả một nền âm nhạc đi xuống rõ ràng là một hệ lụy khó tránh khỏi.

- Cách đây ít lâu, Google công bố “Top 10 từ khóa được truy tìm nhiều nhất ở Việt Nam.” Kết quả là hơn phân nửa liên quan đến âm nhạc, từ Phan Mạnh Quỳnh với “Vợ người ta” đến các ca khúc của Sơn Tùng MTP. Anh nhận định gì về điều đó?

Nhạc sỹ Huy Tuấn: Có lẽ là do chẳng ở đâu nghe nhạc trên mạng miễn phí một cách dễ dãi như thế nên mới có chuyện những từ khóa được truy tìm nhiều nhất là về âm nhạc. Tôi nghĩ nếu bây giờ việc bảo vệ bản quyền được làm tốt hơn thì kết quả của google cũng sẽ hết ảo thôi.

Nhưng ở hướng ngược lại, đấy lại là một tín hiệu tốt bởi nó cho thấy người Việt Nam rất yêu âm nhạc và xem đấy là một phương tiện giải trí ưu tiên.

Tôi đang mơ về viễn cảnh khi luật bản quyền được xiết lại, chúng ta sẽ có nhiều sản phẩm chất lượng hơn, nghệ sỹ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn, còn khán giả sẽ được hưởng nhiều thể loại âm nhạc phong phú.

- Anh là người dẫn dắt các ca sỹ trong công việc, như một người lãnh đạo. Còn trong mối quan hệ với các con thì sao?

Nhạc sỹ Huy Tuấn: Cho đến giờ phút này thì các con dẫn dắt tôi là chính (cười to). Vì tôi sống tình cảm, tôi chiều con lắm, không cứng rắn với con được. Vợ tôi mới là người “đóng vai ác.”

- Anh có mường tượng một ngày nào đó mình sẽ đóng vai... giám khảo khi con gái anh dắt bạn trai về nhà không?

Nhạc sỹ Huy Tuấn (cười to): Có. Tôi vừa nghĩ đến chuyện này cách đây ít lâu. Cháu gái nhà tôi 15 tuổi rồi, đang trong độ tuổi tìm hiểu tình cảm, thích bạn này bạn kia. Chắc chắn một ngày nào đó tôi phải đối diện với bạn trai của con, cũng giống như ngày xưa chính mình phải đối diện với ông bố của bạn gái mình vậy. Tôi nghĩ về nó với một chút gì đó vừa hài hước, lại vừa... căng thẳng.

- Vậy khi đó, anh có tiếp tục đóng vai vị giám khảo khó tính như trên “Vietnam’s Got Talent?”

Nhạc sỹ Huy Tuấn: Thực ra mọi người cứ nói về chuyện phân vai. Thật ra không phải vậy. Tôi luôn là người đòi hỏi cao, chứ không phải vì tôi được yêu cầu đóng vai ác. Khi ngồi trên ghế ấy, tôi nhận xét hoàn toàn theo cảm xúc. Đấy là thứ khán giả cần trong một chương trình trực tiếp.

Còn khi con gái dắt bạn trai về nhà thì lúc ấy có lẽ tôi đã thua từ khi trận đấu chưa bắt đầu rồi. Vì tôi chắc cũng sẽ mềm lòng và tôn trọng mọi quyết định của con.

- Được biết anh là một người thích xem bóng đá. Vậy anh nghĩ sao về câu chuyện Kasper Schmeichel đang chuẩn bị cùng Leicester vô địch Premier League, sau hơn chục năm phải làm cái bóng của người cha Peter Schmeichel?

Nhạc sỹ Huy Tuấn: Tôi chưa thật sự nghĩ về điều này, dù vẫn có một chút âu lo về việc các con sống trong cái bóng của bố nó. Nhưng tôi xin trở lại việc bồi đắp tri thức nền tảng cho con. Có được nền tảng ấy, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn với các con.

Chúng ta cũng biết có một số người nhờ chính cái bóng của cha mà họ thành công hơn. Vì thành công của bố cũng là một động lực để mình phấn đấu nếu nhìn từ góc độ tích cực. Còn nếu nhìn tiêu cực, nó sẽ hủy hoại cuộc đời mình không ít. Thế nên việc trang bị cho con cái từ khi còn nhỏ rất quan trọng.

Kasper là người nhìn theo hướng tích cực. Nếu cứ mãi lo sợ cái bóng của bố, có khi anh ta chả dám làm thủ môn mà sẽ đá ở một vị trí khác. Ở đây, Kasper lớn lên, thần tượng bố rồi yêu luôn cái nghề của bố. Và việc đi theo nghiệp thủ môn là lựa chọn của chính anh ta. Theo tôi, đấy là một cặp cha con hạnh phúc. Nếu như các con mình đưa ra những lựa chọn và thành công với lựa chọn của mình thì không còn gì tuyệt vời hơn thế.

- Xin cám ơn anh đã dành thời gian./.

(TTVH & Đàn Ông/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục