Nhận diện những quy định pháp luật kém nhất năm 2016

Theo Báo cáo cuộc bình chọn các quy định phát luật năm 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, có 30 quy định kém nhất đã được chỉ ra.
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ kiểm tra lái xe trang bị bình chữa cháy tại đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Theo Báo cáo cuộc bình chọn các quy định phát luật năm 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, có 30 quy định kém nhất đã được chỉ ra, căn cứ theo những tiêu chí đánh giá về sự cần thiết của việc ban hành quy định; tính hợp lý; tính thống nhất; tính khả thi; tính minh bạch; chi phí tuân thủ; liên quan tới quyền tự do kinh doanh; thúc đẩy cạnh tranh; kiểm soát nguy cơ nhũng nhiễu và thời điểm ban hành, hiệu lực của quy định.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Hội đồng chuyên gia nhận định, lỗi thường gặp của các nhà lập pháp hiện nay là chỉ quan tâm đến tính hiệu lực mà quên mất tính hiệu quả. Thay vì tư duy “quản lý bằng mọi giá” đã tới lúc cần phải thay đổi để “quản lý bằng cách rẻ nhất và ít rủi ro nhất” cho xã hội. Song song với đó, cần nâng cao trách nhiệm giải trình, tham vấn và phản biện xã hội trong việc xây dựng và ban hành quy định.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Điểm qua danh sách 30 quy định kém nhất có thể thấy, nhiều quy định đã được cộng đồng doanh nghiệp cùng công luận nhiều lần lên tiếng từ trước tới nay. Điển hình như yêu cầu về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy trên xe ôtô theo Thông tư 57/2015 của Bộ Công an.

Theo báo cáo, quy định này gần như không đạt được mục tiêu chính sách, khiến cho người sử dụng phương tiện không biết đặt bình cứu hỏa ở đâu trong xe. Điều này gây bất tiện, thậm chí là mất an toàn khi sử dụng phương tiện. Thêm nữa, chi phí tuân thủ quy định này khá tốn kém. Ước tính với 3,5 triệu ôtô, mỗi ôtô phải trang bị bình chữa cháy và bình có hạn sử dụng 5 năm thì chi phí xã hội phải bỏ ra lớn hơn nhiều so với lợi ích thu lại được.

Hay như quy định doanh nghiệp phải đóng tài chính cho công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tại Khoản 2, Điều 26, Luật Công đoàn năm 2012.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng công đoàn là tổ chức tự nguyện của người lao động nhưng lại yêu cầu người lao động đóng công đoàn phí là không cần thiết, chưa xuất phát từ tính chất, vai trò của công đoàn.

Hơn nữa, việc yêu cầu doanh nghiệp đóng công đoàn phí sẽ làm giảm tính độc lập của công đoàn. Đối với những doanh nghiệp không có công đoàn, nghĩa là người lao động đã thỏa mãn với lợi ích được hưởng mà không có nhu cầu đòi hỏi thêm, thì doanh nghiệp vẫn phải nộp công đoàn phí.

Khoản tiền 2% quỹ lương của toàn bộ người lao động là chi phí xã hội rất lớn nhưng không mang lại hiệu quả rõ ràng. Báo cáo lập luận nếu số tiền đó được chủ sử dụng lao động giữ lại thì có thể giúp tăng lương cho người lao động hoặc tăng đầu tư cho tư liệu sản xuất giúp tăng năng suất lao động.

Thông tư 15/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng được xếp vào danh sách những quy định kém. Đó là: “Khi cột đo xăng bị hư hỏng, chỉ được thuê cơ sở khác sửa chữa nếu được cơ sở sản xuất, nhập khẩu, cung cấp phương tiện đo đồng ý.” Đây là quy định có mục tiêu không rõ ràng, ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh, lựa chọn đối tác giao kết hợp đồng và sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp. Quy định này đã làm giảm cơ hội lựa chọn của doanh nghiệp, tốn kém chi phí mà lại không tạo được lợi ích rõ ràng nào cho xã hội; đồng thời, chi phí tuân thủ cũng rất cao.

Luật Doanh nghiệp 2014 dù được đánh giá là một luật tiến bộ, nhưng cũng có những quy định được đánh giá là kém. Chẳng hạn quy định “Giấy vàng-Giấy trắng” trong đăng ký doanh nghiệp, sự thiếu rõ ràng tạo ra gánh nặng về thủ tục hành chính và đi ngược lại tinh thần cải cách thể hiện trong Luật Doanh nghiệp 2014.

Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương, với quy định về điều kiện nhập khẩu ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống cũng nằm trong danh sách những quy định kém nhất. Báo cáo cho rằng quy định này không rõ ràng về mục tiêu chính sách, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô, làm méo mó cạnh tranh giữa hai nhóm thương nhân, khiến người tiêu dùng phải trả giá cao hơn cho các sản phẩm nhập khẩu này.

Thêm nữa, quy định này cũng làm tăng chi phí xã hội để tuân thủ và tạo thế độc quyền cho một số nhà phân phối.

Đại diện Hội đồng chuyên gia, Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, nhận định, báo cáo bình chọn là một cú “tấn công” vào những quy định pháp luật còn nhiều mâu thuẫn và chồng chéo, bất cập hiện nay của Việt Nam.

Một việc nhỏ nhưng sẽ có tác động lớn đến tất cả những người tham gia soạn thảo, thẩm định và ban hành văn bản pháp luật. Người ta sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn, suy nghĩ chín chắn hơn và thể hiện thận trọng hơn.

Đánh giá tầm quan trọng và tác động của việc ban hành những quy định, chính sách pháp luật phù hợp và đúng đắn, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế (VCCI) cho rằng: “Nếu coi xã hội là một cơ thể thì chính sách là liều thuốc chữa bệnh. Liều thuốc cho xã hội cũng giống như đối với con người, cần phải chữa được bệnh và ít tác dụng phụ tiêu cực.”

Bình luận về những phản hồi từ phía các cơ quan nhà nước đối với hiệu quả tác động từ cuộc bình chọn các quy định pháp luật năm 2016, ông Tuấn cho biết nhiều bộ, ngành đã làm việc tích cực với Ban tổ chức cuộc bình chọn; cũng có những bộ, ngành đã bỏ những quy định vô lý; một số bộ, ngành thì chưa áp dụng quy định, chẳng hạn như quy định buộc xe ôtô phải có bình chữa cháy... Đặc biệt, đã có nhiều bộ, ngành tuyên bố sẽ phải chỉnh sửa các quy định, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân. Đó chính là những tín hiệu tích cực và đáng hoan nghênh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục