Nhận định về cuộc bầu cử sắp tới ở Thái Lan

Cuộc bầu cử năm nay chắc chắn sẽ rất quan trọng đối với tương lai của nền dân chủ Thái Lan, mặc dù kết quả trên thực tế khá dễ đoán.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhật báo The Nation (Thái Lan) vừa đăng bài viết của Titipol Phakdeewanich - chuyên gia khoa học chính trị tại Khoa Khoa học Chính trị, trường Đại học Ubon Ratchathani - nhận định về cuộc bầu cử dự kiến được tổ chức vào tháng 3/2019 ở Thái Lan, nội dung như sau:

Cuộc bầu cử năm nay chắc chắn sẽ rất quan trọng đối với tương lai của nền dân chủ Thái Lan, mặc dù kết quả trên thực tế khá dễ đoán. Hiến pháp do quân đội soạn thảo năm 2017 kết hợp các cơ chế pháp lý được thiết kế để cho phép Hội đồng quốc gia vì hòa bình và trật tự (NCPO) và các tướng lĩnh vẫn nắm giữ quyền lực sau cuộc bầu cử.

Trước đó, đã có những tranh cãi chính trị diễn ra liên quan đến giá trị của các cuộc bầu cử.

Tuần trước, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã có bài phát biểu về những thành tựu mà ông đạt được trong gần 5 năm nắm quyền. Đảng Phalang Pracharat thân chính quyền quân sự hy vọng sẽ tận dụng được các chương trình dân túy của Thủ tướng Prayut để giành phiếu bầu.

Tầng lớp trung lưu thành thị vẫn tỏ thái độ căm ghét gia tộc Shinawatra, và điều này có lợi cho đảng Phalang Pracharat, đảng Dân chủ và đảng Ruam Palang Prachachart Thai.

Tuy nhiên, ở nông thôn miền Bắc, bức tranh lại hoàn toàn khác. Những người dân nơi đây vẫn rất yêu mến cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và em gái của ông là cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Hiện giờ, có một câu hỏi được đặt ra là cuộc bầu cử vào tháng 3/2019 có thể khôi phục nền dân chủ của Thái Lan hay không? NCPO có thể vẫn duy trì quyền lực, với Prayut hoặc một người thay thế khác làm thủ tướng tiếp theo.

Quyền biểu quyết của 250 thượng nghị sỹ do NCPO chỉ định, được ghi trong Hiến pháp năm 2017, đảm bảo điều đó.


[Ủy ban bầu cử Thái Lan công bố danh sách ứng cử viên thủ tướng]

Vì vậy, nhiều người đặt câu hỏi: tại sao phải tổ chức bầu cử? Cuộc bỏ phiếu sẽ là một phong vũ biểu quan trọng về việc Thái Lan có tiến lên hay không.

Từng là một ngọn hải đăng trong khu vực về dân chủ và phát triển trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, sự tiến bộ của nền dân chủ Thái Lan đã đột ngột dừng lại và đảo ngược bởi các cuộc đảo chính quân sự năm 2006 và 2014.

Sự suy yếu của nền dân chủ và sự ăn sâu của chủ nghĩa độc tài hầu như không mới, là một khía cạnh của chính trị Thái Lan kể từ cuộc cách mạng không đổ máu năm 1932.

Kể từ đó, một nhóm người Thái bảo thủ vẫn tin chắc rằng đất nước này còn lâu mới trở thành một nền dân chủ theo phong cách phương Tây hay Hồi giáo.

Theo thời gian, nhóm này đã thực thi lại cái gọi là "nền dân chủ kiểu Thái Lan", điều này hạn chế quyền tự do ngôn luận và phủ nhận tính phổ quát của quyền con người. Lịch sử Thái Lan trong thập kỷ qua cũng đi theo xu hướng toàn cầu của sự suy giảm dân chủ.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của những lực lượng mới như đảng Tương lai Mới không chỉ khuyến khích một thế hệ mới tham gia chính trị mà còn ảnh hưởng đến các đảng cũ như đảng Dân chủ, mang đến không gian cho những người mới tham gia chính trị.

Tất nhiên, sự xuất hiện của những gương mặt trẻ sẽ không làm biến đổi nền chính trị Thái Lan chỉ sau một đêm.

Lực lượng chính trị bảo thủ có nguồn gốc sâu xa và bền chắc, nhưng những người mới tham gia chính trị có thể mang lại những ý tưởng mới cho phong trào dân chủ của Thái Lan trong thời gian dài.

Bất chấp các chỉ trích trong nước và quốc tế, chính quyền quân sự đã tiếp tục nhấn mạnh khả năng đảm bảo “một cuộc bầu cử tự do và công bằng”, từ chối sự cần thiết phải có các nhà quan sát quốc tế từ Liên minh châu Âu hoặc Liên hợp quốc.

Các hạn chế do NCPO áp đặt có thể dẫn tới việc buộc phải có các vận động “mang tính xây dựng” nhiều hơn nữa, đặc biệt là trong số các chính trị gia chống chính quyền quân sự.

Tại vùng Isaan, nơi các cuộc biểu tình chiến dịch đang được theo dõi chặt chẽ, nhiều ứng cử viên của Pheu Thai đã tránh chỉ trích NCPO.

Thay vào đó, họ đang tập trung vào một bài diễn văn tích cực hơn, với các khẩu hiệu như: “Anh em ơi, đó là tiếng nói, là quyền được bầu chọn trong cuộc bầu cử tháng 3” và “Anh em ơi, chúng ta có thể giành lại quyền lực của mình bằng cách đi bầu cử và bỏ phiếu chống lại họ.”

Điều này giúp thấm nhuần một giá trị dân chủ cốt lõi trong tâm trí của cử tri - quyền lực của người dân.

Tuy nhiên, rõ ràng đang có một "đám mây" sợ hãi và đe dọa lơ lửng trên cuộc bầu cử. NCPO đã không tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả các bên. Các hạn chế có thể sẽ mang đến phần thưởng cho các đảng lâu đời vì sự trung thành của cử tri hiện tại, nhưng những người mới đến phải chịu hậu quả.

Cuộc bầu cử chỉ có thể đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế nếu NCPO có lập trường trung lập. Không có tính trung lập đó, cuộc bỏ phiếu quốc gia không gì khác hơn là một phương tiện để hợp pháp hóa và kéo dài quyền lực chính trị của quân đội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục