Nhật Bản: BoJ quan ngại về rủi ro nợ xấu giữa khủng hoảng COVID-19

Nhiều nhà hoạch định chính sách bày tỏ lo ngại về sự không chắc chắn của triển vọng kinh tế Nhật Bản và những nguy cơ tiềm ẩn khiến Nhật Bản có thể rơi vào tình trạng giảm phát.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 đi ngang qua trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. (Nguồn: AFP)

Trong biên bản cuộc họp chính sách tháng Năm của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vừa được công bố ngày 19/6, một số nhà hoạch định chính sách của ngân hàng này bày tỏ lo ngại rằng việc mở rộng cho vay đối với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 có thể không được thực hiện.

Tại cuộc họp ngày 22/5, lần họp khẩn cấp đầu tiên kể từ tháng 11/2011, BOJ đã đưa ra kế hoạch cho vay 30.000 tỷ yen (280 tỷ USD) để cung cấp vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng tổng số tiền hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp lên 75.000 tỷ yen.

[Kinh tế Nhật Bản được nhận định “gần như ngừng suy giảm”]

Một số nhà hoạch định chính sách của BOJ cho rằng, ngân hàng này cần tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp trong một thời gian dài.

Tại cuộc họp chính sách trước đó vào ngày 27/4, BOJ đã quyết định thực hiện các bước nới lỏng bổ sung tháng thứ hai liên tiếp, bao gồm bãi bỏ mức trần mua trái phiếu chính phủ 80.000 tỷ yen/năm.

Các biện pháp này nhằm củng cố nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và ổn định thị trường tài chính trong đại dịch.

Nhiều nhà hoạch định chính sách bày tỏ lo ngại về sự không chắc chắn của triển vọng kinh tế Nhật Bản và những nguy cơ tiềm ẩn khiến Nhật Bản có thể rơi vào tình trạng giảm phát.

Họ cũng lưu ý tầm quan trọng của sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan tài chính và tiền tệ.

BOJ tiếp tục tăng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp của mình lên 110.000 tỷ yen trong cuộc họp kéo dài hai ngày đến ngày 16/6, trong khi vẫn duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức 0,1% và hướng lãi suất dài hạn ở quanh mức 0%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục