Điện hạt nhân tiếp tục là vấn đề gây tranh cãi tại Nhật Bản khi mới đây, một số chính khách trong nội các đưa ra những quan điểm trái ngược nhau về vấn đề này.
Ngày 12/9, tân Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Isshu Sugawara nhấn mạnh việc loại bỏ hoàn toàn điện hạt nhân là "phi thực tế."
Tuyên bố này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Môi trường vừa được bổ nhiệm của Nhật Bản, ông Shinjiro Koizumi, cho biết ông muốn "phá bỏ" các nhà máy điện hạt nhân.
Ông Sugawara thừa nhận có những rủi ro và nguy cơ khi sử dụng điện hạt nhân song việc loại bỏ hoàn toàn loại năng lượng này vào thời điểm hiện nay hay tương lai đều là không thực tế.
Bình luận của Bộ trưởng Sugawara gần với chính sách của chính phủ Nhật BảnTrong một quan điểm trái ngược, ngày 11/9, tân Bộ trưởng Môi trường vừa được bổ nhiệm của Nhật Bản, ông Shinjiro Koizumi, cho rằng cần tránh tái diễn thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011.
Ông nhấn mạnh: "Tôi muốn nghĩ về việc chúng ta sẽ hủy bỏ (các nhà máy điện hạt nhân) như thế nào, thay vì nghĩ cách để giữ lại vì chúng ta không bao giờ biết khi nào sẽ xảy ra động đất."
[Nhật Bản: TEPCO có kế hoạch ngừng sử dụng 5 lò phản ứng hạt nhân]
Đây là bình luận đầu tiên về điện hạt nhân của ông Koizumi - con trai của cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi và là một "ngôi sao đang lên" trên chính trường Nhật Bản - kể từ khi ông được bổ nhiệm chức vụ mới trong cuộc cải tổ nội các ngày 11/9.
Tuyên bố trên của ông được đánh giá là nhắc lại lập trường phản đối hạt nhân của cha ông, cựu Thủ tướng Koizumi, sau sự cố hạt nhân tại nhà máy Fukushima do trận động đất-sóng thần kinh hoàng cách đây 8 năm.
Phát biểu của Tân Bộ trưởng Môi trường được đánh giá là sẽ không có tác động nào ngay lập tức tới chủ trương của chính phủ về điện hạt nhân.
Thay vì hủy bỏ ngay lập tức điện hạt nhân, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe chủ trương giảm dần sự phụ thuộc vào loại năng lượng này.
Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ phức tạp vì Nhật Bản vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn than đá nhập khẩu cũng như cần nỗ lực để thực hiện các cam kết của mình trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Kế hoạch mới đây nhất hướng tới mục tiêu điện hạt nhân đáp ứng cho khoảng 20-22% nhu cầu năng lượng của cả nước vào cuối năm 2030./.