Nhật Bản cân nhắc cho phép tiêm kết hợp các vaccine khác nhau

Bộ trưởng phụ trách chương trình tiêm chủng Taro Kono cho biết “có thể đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng” nếu Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi thông qua biện pháp tiêm kết hợp các mũi vaccine khác nhau.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 12/4/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ Y tế Nhật Bản đang cân nhắc khả năng tiêm kết hợp các loại vaccine ngừa COVID-19 khác nhau nhằm giảm bớt quan ngại về nguồn cung và đẩy nhanh chương trình tiêm chủng tại quốc gia này.

Chương trình tiêm chủng của Nhật Bản hiện chủ yếu sử dụng vaccine của hãng dược Pfizer và hãng Moderna.

Vaccine của hãng AstraZeneca được sản xuất tại Nhật Bản đã được cấp phép hồi tháng Bảy để tiêm cho đối tượng từ 40 tuổi trở lên.

Phát biểu trong một chương trình truyền hình ngày 29/8, Bộ trưởng phụ trách chương trình tiêm chủng Taro Kono cho biết “có thể đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng” nếu Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi thông qua biện pháp tiêm kết hợp các mũi vaccine khác nhau.

[Nhật Bản dùng 13 tỷ USD quỹ dự phòng mua vaccine, thuốc điều trị]

Tính đến ngày 26/8, có 43,5% dân số Nhật Bản đã tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19.

Trong bối cảnh chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc việc tiêm mũi tăng cường, ông Kono cho biết một khi được thông qua, việc tiêm mũi thứ ba có thể bắt đầu sớm nhất là vào tháng 10 đối với các nhân viên y tế, và từ tháng Một hoặc tháng 2/2022 đối với những người từ 65 tuổi trở lên.

Ông khẳng định Nhật Bản đã có đủ nguồn cung vaccine để thực hiện chương trình này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục