Nhật Bản, Malaysia khẳng định lập trường chung về Biển Đông

Nhật Bản dù không phải là một bên tranh chấp tại Biển Đông, nhưng liên tiếp phản đối các ý định đơn phương thay đổi nguyên trạng.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và Thủ tướng Malaysia Najib Razak. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 16/11, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Malaysia Najib Razak đã khẳng định lập trường chung đối với tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Phát biểu tại họp báo chung sau hội đàm ở Tokyo nhân chuyến thăm của ông Razak, Thủ tướng Abe nói: "Chúng tôi khẳng định tầm quan trọng của việc tất cả các nước liên quan cần kiềm chế và giải quyết tranh chấp hàng hải một cách hòa bình, theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS)."

Malaysia là một trong các nước ASEAN có tranh chấp lãnh thổ chồng lấn với Trung Quốc.

Nhật Bản dù không phải là một bên tranh chấp tại Biển Đông, nhưng liên tiếp phản đối các ý định đơn phương thay đổi nguyên trạng, đồng thời Tokyo kêu gọi tôn trọng tự do hàng hải ở Biển Đông. Sau cuộc hội đàm, hai bên đã ký một thỏa thuận theo đó, Tokyo sẽ cung cấp cho Kuala Lumpur 2 tàu tuần tra đã qua sử dụng của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản.

Trước đó, Nhật Bản đã cung cấp tàu tuần tra cho Indonesia, Philippines và Việt Nam trong một nỗ lực nhằm tăng cường an ninh hàng hải cho các quốc gia ven biển.

Bên cạnh vấn đề Biển Đông, hai nhà lãnh đạo cũng đã nhất trí duy trì cam kết đối với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bất chấp việc ngày càng ít khả năng hiệp định này được Mỹ phê chuẩn. Phát biểu tại họp báo, ông Razad cho biết hai nước đã bày tỏ hy vọng thỏa thuận TPP sẽ được các nước thành viên phê chuẩn và có hiệu lực.

Cũng tại hội đàm, ông Abe đã chia sẻ với ông Najib về lợi ích của tuyến đường sắt cao tốc mà Nhật Bản đề xuất, nối thành phố lớn nhất Malaysia là Kuala Lumpur với Singapore. Nhật Bản dự định áp dụng công nghệ tàu cao tốc shinkasen của mình cho dự án sẽ được khởi công vào cuối năm 2017 này. Về phần mình, ông Najib đảm bảo rằng tiến trình quyết định về dự án này sẽ được tiến hành "một cách cởi mở, minh bạch và khách quan."

Hiện, Trung Quốc được cho là đối thủ cạnh tranh gần nhất của Nhật Bản trong dự án này. Tháng 9/2015, Nhật Bản đã thua Trung Quốc trong vụ đấu thầu một dự án đường sắt cao tốc tại Indonesia, nối thủ đô Jakarta với Bandung.

Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo khẳng định phối hợp với nhau như các đối tác chiến lược, nhất là khi Nhật Bản và Malaysia đang cùng nhau đảm nhận nhiệm kỳ 2 năm làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hai lãnh đạo cũng nhất trí phối hợp tổ chức kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương.

Đây là chuyến thăm Nhật Bản lần thứ 4 của ông Najib kể từ khi nhậm chức vào năm 2009. Trước khi tới Nhật Bản, nhà lãnh đạo Malaysia đã thăm Trung Quốc cách đây 2 tuần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục