Theo trang mạng japantimes.co.jp và sputnik, quyết định không tham gia tranh cử của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đang đặt ra nhiều câu hỏi, không chỉ về lý do ông đưa ra quyết định mà nhiều người xem là có phần đột ngột này, hay đâu là ứng cử viên kế nhiệm tiềm năng, mà còn cả những ảnh hưởng của nó đối với các mối quan hệ đồng minh, nhất là với Mỹ.
Trong cuộc họp bất thường của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ngày 3/9, Thủ tướng Suga tuyên bố: “Tôi muốn tập trung nỗ lực vào các biện pháp chống dịch COVID-19 và sẽ không tranh cử. Tôi nhận ra tôi cần nguồn năng lượng rất lớn. Tôi không thể làm cả hai việc (tái tranh cử và xử lý đại dịch). Tôi phải chọn một. Bảo vệ mạng sống và sức khỏe của người dân là trách nhiệm của tôi với tư cách thủ tướng.”
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Sputnik, chuyên gia Valery Kistanov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho rằng LDP đang phải đối mặt với tình huống phức tạp liên quan đến cuộc bầu cử chủ tịch đảng sắp tới.
“Chỉ mới gần đây thôi, Suga còn tuyên bố ông sẽ tham gia tranh cử vị trí lãnh đạo LDP, chuẩn bị giải tán Hạ viện và cải tổ nhân sự ở cấp cao nhất. Cho nên, thông báo của ông ngày 3/9 về việc không tham gia tranh cử nữa là một cú sốc đối với Nhật Bản. Hơn nữa, phát biểu này của ông Suga đã gây bất ngờ cho nhiều quan chức cấp cao, gây xáo trộn lớn trên chính trường Nhật Bản,” chuyên gia Kistanov cho hay.
Trong số những lý do khiến cho ông Suga không tham gia tranh cử vị trí lãnh đạo đảng LDP, chuyên gia Kistanov nhận định: “Thứ nhất, sau khi cân nhắc các cơ hội của mình, Suga nhận ra rằng ông không thể giành chiến thắng trong cuộc đua vào chiếc ghế chủ tịch LDP. Thứ hai, có áp lực rất mạnh trong đảng.
Tỷ lệ ủng hộ nội các đương nhiệm giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi Thủ tướng Suga Yoshihide nhậm chức - xuống còn 26-27%. Tham gia cuộc bầu cử quốc hội với tỷ lệ ủng hộ thấp như vậy và những cáo buộc nội các đang thất bại trong cuộc chiến với COVID-19 đồng nghĩa với việc LDP cố tình chấp nhận những tổn thất lớn".
"Rõ ràng, những người có ảnh hưởng trong đảng đã nói với thủ tướng rằng ông cần phải làm gì đó với những điều này. Những đảng viên thanh niên chiếm khoảng 40% trong đội ngũ đảng LDP cũng lo ngại rằng nếu Suga tiếp tục nắm quyền, đảng sẽ bị tổn thất nặng nề và họ sẽ mất ghế nghị sỹ,” chuyên gia Kistanov nhận xét.
Giáo sư chính trị Shinichi Nishikawa tại Đại học Meiji (Nhật Bản) cũng đồng tình với nhận định rằng Thủ tướng Suga đã thấy rõ tỷ lệ ủng hộ nội các của ông tiếp tục giảm mạnh.
[Nhật Bản: Đồn đoán khả năng ông Shinzo Abe trở lại đường đua chính trị]
Ông nói: “Vì vấn đề nhân sự trong đảng và chính phủ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, nên có thể dự đoán về những thay đổi nhân sự trong nội các. Thủ tướng sẽ bắt đầu cải tổ nội các vào ngày 6/9. Những cú sốc này chắc chắn sẽ gây hỗn loạn trong hàng ngũ LDP. Tính đến điều này, tôi nghĩ rằng thủ tướng đã chọn đúng thời điểm để tuyên bố từ chối tham gia bầu cử. Ông Suga đã làm điều này trước hội nghị toàn thể của đảng, nơi sẽ thông qua các biện pháp cải tổ nhân sự.”
Về ứng cử viên có nhiều cơ hội chiến thắng hơn, chuyên gia Kistanov nhìn nhận: “Trong những ngày tới, Nhật Bản sẽ khởi động chiến dịch tranh cử chủ tịch LDP, rất nhiều điều sẽ phụ thuộc vào kết quả của chiến dịch này. Đảng LDP có rất nhiều ứng cử viên, nhưng tôi nghĩ rằng Fumio Kishida và Taro Kono là những người có nhiều cơ hội nhất. Kishida hiểu rõ hiện nay chủ đề chính là cuộc chiến chống lại COVID-19, vì thế ông đã tuyên bố rằng ông sẽ tìm cách thông qua gói biện pháp kinh tế mới trị giá hàng chục nghìn tỷ yen - điều này sẽ giúp thu hút cử tri.”
Nhiệm kỳ của ông Suga sẽ chấm dứt trong tháng Chín này, và cuộc bầu chọn lãnh đạo LPD dự kiến diễn ra vào ngày 29/9.
Cuộc bầu cử vào Hạ viện Nhật Bản sẽ được tổ chức trước ngày 21/10. Theo truyền thống, Văn phòng Thủ tướng sẽ thuộc về người đứng đầu chính đảng chiếm đa số trong Quốc hội.
Quyết định đột ngột của ông Suga đã khiến giới lãnh đạo Washington không khỏi lo lắng, nhất là trong bối cảnh họ kỳ vọng Tokyo sẽ tránh được xu thế “thay đổi lãnh đạo” và duy trì vị thế là một đối tác ổn định, thân thiết với Mỹ để cùng đối phó với các thách thức toàn cầu, trong đó có những rủi ro từ phía Trung Quốc.
Trong chưa đầy một năm cầm quyền, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đầu tư rất nhiều nỗ lực để xây dựng một mối quan hệ mạnh mẽ với chính phủ Suga và củng cố liên minh với Nhật Bản trong bối cảnh Washington tăng cường sự tập trung cho khu vực.
Nhiều người thậm chí còn kỳ vọng về khả năng diễn ra cuộc gặp 2+2 khác giữ hai nước đồng minh trước cuối năm nay, và hội nghị thượng đỉnh trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo Bộ Tứ vào cuối tháng này.
Tuy nhiên, với kế hoạch ra đi của ông Suga, và khả năng một gương mặt mới lên nắm quyền cũng như cuộc tổng tuyển cử mùa Thu này, lịch trình nói trên - cùng những tiến triển trong thảo luận với Nhật Bản về việc tăng cường năng lực phòng thủ - rõ ràng đã bị ảnh hưởng không nhỏ, đòi hỏi Mỹ giờ đây lại phải chuẩn bị cho một mối quan hệ mới.
James Schoff, cựu chuyên gia về Đông Á của Lầu Năm Góc, bình luận: “Đó là một bước lùi mà chúng ta sẽ phải rất nỗ lực nếu muốn vượt qua.”
Theo ông, mối quan hệ liên minh Mỹ-Nhật đã vấp phải “những trì trệ đáng kể trong hàng loạt vấn đề quan trọng,” một phần là do quá trình xác nhận người thắng cử bị kéo dài tại Mỹ, các ưu tiên dành cho cuộc chiến chống dịch ở cả 2 nước và cả việc Mỹ phải dành sự tập trung cho vấn đề Afghanistan.
Ông Schoff, hiện làm việc tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho rằng các đồng minh “sẽ mất khoảng 2 tháng trong mùa bầu cử này, và cuộc gặp 2+2 tiếp theo có thể sẽ là cuộc gặp đầu tiên của các bên, thay vì một sự kiện tiếp nối.”
Các cựu quan chức và giới quan sát Mỹ cho rằng các vấn đề về tính liên tục và ổn định đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của Washington, bởi Suga đã sẵn sàng viết tiếp tên mình vào một danh sách dài các nhà lãnh đạo Nhật Bản ra đi chỉ sau khoảng một năm tại vị.
Michael Green, cựu Giám đốc cấp cao phụ trách châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia, và Nicholas Szechenyi, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, viết: “Sự xáo trộn bất ngờ trên chính trường Nhật Bản... đặt câu hỏi về khả năng nảy sinh các bất ổn chính trị, những chuỗi lãnh đạo ngắn hạn sau các giai đoạn cầm quyền dài hạn của nhiều thủ tướng trước đây.”
Trong khi quỹ đạo chiến lược của Nhật Bản “đã chắc chắn,” hai nhà phân tích trên cho rằng “câu hỏi đặt ra sau sự ra đi đột ngột của Suga là liệu Nhật Bản có thể có được một nhà lãnh đạo mới đủ quyền lực để thực hiện các sáng kiến liên minh hay không”./.