Nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 tăng mạnh

Điều đáng lo ngại là số ca nhiễm mới này lại tăng ở mức cao nhất trong khoảng thời gian sau đỉnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vài tháng trước.
Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại nhà ga tàu hỏa ở Frankfurt, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 20/8, nhiều nước thông báo số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới tăng mạnh trong 24 giờ qua, và điều đáng lo ngại là số ca nhiễm mới này lại tăng ở mức cao nhất trong khoảng thời gian sau đỉnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vài tháng trước.

Theo các số liệu chính thức công bố ngày 20/8, trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận 1.707 ca mới, mức tăng cao nhất kể từ tháng 4, nâng tổng số ca lên tới 228.621 ca.

Bộ Y tế Ukraine cùng ngày thông báo ghi nhận thêm 2.134 ca mới, mức tăng trong ngày kỷ lục ở nước này, vượt mốc 1.967 ca của ngày trước đó.

[Dịch COVID-19: Hơn 22,55 triệu ca mắc bệnh trên toàn thế giới]

Số ca mới tại Ukraine đặc biệt tăng mạnh trong tháng 8 bất chấp việc Ukraine tái áp đặt một số hạn chế phòng dịch gần đây. Tổng số cả nhiễm ở nước này đã lên tới 98.537 ca, trong đó có 2.134 ca tử vong.

Trong ngày 19/8, Bộ Y tế Israel thông báo đã có 18 ca tử vong do COVID-19 và đây cũng là ngày ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất kể từ tháng 2 khi dịch bệnh bùng phát mạnh.

Tổng số ca nhiễm tại nước này hiện là 97.969 ca sau khi có thêm 1.560 ca mới trong khi tổng số ca tử vong là 779 ca.

Tại Zambia, Phó Tổng thống nước này Inonge Wina đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi con gái ở cùng ông cũng được xác định nhiễm virus này.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tại Nhật Bản, lần đầu tiên trong 5 ngày qua, thủ đô Tokyo ghi nhận số ca nhiễm mới vượt trên 300 ca. Cụ thể, ngày 20/8, Tokyo thông báo có thêm 339 ca nhiễm mới.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, chính phủ Nhật Bản đang xem xét đối tượng ưu tiên được tiêm vắcxin phòng COVID-19 là những nhân viên y tế, người cao tuổi và những người có bệnh lý nền như tiểu đường, cao huyết áp, sau khi vắcxin được cấp phép sử dụng.

Tất cả kinh phí tiêm chủng sẽ do chính phủ chi trả và được trích từ nguồn kinh phí dự phòng để đối phó với dịch COVID-19 đã được Quốc hội nước này thông qua.

Nhật Bản về cơ bản đã đạt được thỏa thuận với các công ty dược phẩm của Mỹ và Anh về việc cung cấp vắcxin phòng COVID-19 và dự kiến thời điểm sớm nhất để nước này có thể triển khai tiêm chủng loại vắcxin này là vào đầu năm 2021.

Dự kiến trong ngày 21/8, tiểu ban phòng chống lây nhiễm COVID-19 Nhật Bản sẽ thông qua những nội dung cơ bản của kế hoạch tiêm chủng và chính phủ có thể chính thức thông qua kế hoạch này vào cuối tháng 9 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục