Nhiều nước khuyến cáo công dân tránh tới vùng Kashmir

Một số quốc gia vừa khuyến cáo công dân không nên tới khu vực Kashmir, sau khi xuất hiện nhiều thông tin về các mối đe dọa khủng bố.
Khách du lịch rời khỏi Kashmir do nguy cơ khủng bố. (Ảnh: Sky News)

Giới chức Anh, Đức và Australia ngày 3/8 đã cảnh báo công dân của mình không nên đi tới vùng Kashmir bất ổn do Ấn Độ kiểm soát. Khuyến cáo được đưa ra một ngày sau khi chính quyền địa phương yêu cầu du khách và những người hành hương tại khu vực Kashmir rút ngắn thời gian lưu trú và nhanh chóng rời đi.

Chính phủ Anh đã yêu cầu công dân nước này "cảnh giác" khi tới vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Đức và Australia cũng đã ra khuyến cáo tương tự tới các công dân của mình tại Ấn Độ, đặc biệt là những người có ý định tới vùng Kashmir.

Trước đó, hàng nghìn người Ấn Độ đã rời khỏi vùng lãnh thổ Kashmir (hiện tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan) sau khi chính quyền địa phương phát đi cảnh báo an ninh liên quan đến khả năng xảy ra các cuộc tấn công quân sự tại khu vực này.

Chính quyền bang Jammu và Kashmir đã khuyến cáo du khách cũng như những người hành hương cần rời khỏi khu vực này ngay lập tức, sau khi xuất hiện nhiều "thông tin tình báo về các mối đe dọa khủng bố" nhằm vào các tín đồ Hindu hành hương, khiến tình hình an ninh trở nên nghiêm trọng.

[Hàng nghìn người Ấn Độ rời Kashmir do báo động về an ninh]

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan tiếp tục leo thang kể từ sau vụ đánh bom xe liều chết ngày 14/2 do nhóm phiến quân có căn cứ tại Pakistan thực hiện trên vùng lãnh thổ Kashmir, khiến ít nhất 40 người thiệt mạng.

Nguy cơ xung đột đã gia tăng sau khi Ấn Độ ngày 27/2 tiến hành không kích nhằm vào một địa điểm mà nước này xác định là cơ sở huấn luyện phiến quân bên phía Pakistan. Sau đó, Pakistan bắn rơi một máy bay chiến đấu của Ấn Độ và bắt giữ phi công. Viên phi công này sau đó đã được phía Pakistan trả tự do.

Kashmir là một vùng có nhiều người Hồi giáo sinh sống trong nhiều thập kỷ thù địch giữa hai nước láng giềng Ấn Độ và Pakistan. Hiện Kashmir đang được chia đôi, mỗi bên quản lý một phần. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn năm 2003, giao tranh vẫn xảy ra giữa binh sĩ hai bên tại đường biên giới không chính thức dài 720 km phân chia Kashmir giữa hai nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục