Nhiều tín hiệu tích cực trong công tác điều trị dịch bệnh Ebola

Tốc độ biến đổi của virus Ebola không nhanh như các nhà khoa học từng quan ngại, một vắcxin điều trị Ebola mới cho thấy hiệu quả khi thử nghiệm trên khỉ là những tín hiệu vui với việc điều trị Ebola.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân Ebola tại bệnh viện Donka ở Conakry, Guinea ngày 8/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tốc độ biến đổi của virus Ebola không nhanh như các nhà khoa học từng quan ngại trước đó, một tin tốt đối với công tác chữa trị và ngăn chặn dịch bệnh này.

Tạp chí Science (Khoa học) số ra ngay 26/3 cho biết trong một nghiên cứu trước đó, giới chuyên gia từng nhận định virus Ebola đang biến thể nhanh gấp đôi so với các lần bùng phát dịch trong quá khứ.

Tuy nhiên, các nhà khoa học sau khi tiến hành giải mã gen 4 mẫu virus Ebola lấy từ Mali trong khoảng thời gian giữa tháng 10 và tháng 11/2014 đã khẳng định rằng không có thay đổi đáng kể về gen so với những kết quả phân tích từ thời kỳ đầu bùng phát dịch bệnh hồi tháng 3/2014.

Anthony Fauci, Giám đốc Viện Bệnh dịch lây nhiễm và dị ứng quốc gia (NIAID) cho biết kết quả trên là một bằng chứng cho thấy virus Ebola tại vùng ổ dịch Tây Phi không biến đổi nhanh hơn so với thời kỳ các đợt bùng phát trước đó, một kết quả đáng mừng đối với công tác tiêu diệt và phòng ngừa dịch bệnh.

Kiểm tra chẩn đoán Ebola, phát triển kháng thể và điều chế vắcxin thử nghiệm đều dựa trên tính chất gen của virus tại một thời điểm nhất định. Nếu xảy ra quá nhiều biến đổi về gen có thể sẽ gây khó khăn cho việc chẩn đoán các dạng biến thể mới cũng như khiến cho vắcxin và kháng thể mất tác dụng.

Ngoài ra, biến thể virus cũng có thể dẫn đến các triệu chứng nặng hơn cũng như khiến virus lây lan dễ dàng hơn.

Cũng trên tạp chí Science, một nghiên cứu riêng rẽ thông báo một vắcxin điều trị Ebola mới đã cho thấy hiệu quả tiêu diệt loại virus chết người này khi ứng dụng thử nghiệm trên khỉ.

Theo các nhà khoa học, loại thuốc điều trị mới này là một dạng vắcxin "toàn virus," tức là được tạo ra dựa trên một dạng không hoạt động của toàn bộ thay vì chỉ một phần của con virus. Nhờ đó, vắcxin này sẽ có thể kích hoạt một phản ứng miễn dịch rộng hơn ở người.

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng loại vắcxin này dựa trên một nền tảng thử nghiệm từ virus Ebola bị loại bỏ một gen quan trọng làm nhiệm vụ sản xuất protein, khiến cho virus mất đi khả năng tái tạo. Vắcxin "toàn virus" đã từng giúp ngăn chặn nhiều bệnh dịch nguy hiểm bao gồm bại liệt, viêm gan và bệnh cúm.

Thử nghiệm trên khỉ được tiến hành tại phòng thí nghiệm của Viện Sức khỏe quốc gia (NIH) đặt tại Montana.

Trong một diễn biến tích cực khác, NIH cùng ngày thông báo tình hình sức khỏe của một nhân viên y tế người Mỹ bị nhiễm Ebola tại Sierra Leone đã cải thiện đáng kể và bệnh nhân trên đã chuyển từ tình trạng "nguy hiểm đến tính mạng" sang "nghiêm trọng."

Bệnh nhân trên, không được tiết lộ danh tính, đã được chuyển từ Sierra Leone tới trung tâm điều trị của NIH tại bang Maryland vào ngày 14/3 sau khi phát hiện bị nhiễm bệnh.

Sierra Leone, Liberia và Guinea là 3 nước đang chịu ảnh hưởng nặng nhất từ dịch Ebola. Tính đến nay, dịch bệnh này đã cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người tại Tây Phi trong tổng số gần 25.000 ca nhiễm bệnh từ đầu năm 2014./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục