Nhìn lại 5 năm Nga giúp Tổng thống Bashar al-Assad "lật ngược thế cờ"

Xét ở góc độ địa chính trị, Nga đã tung ra quân bài rất hiệu quả tại Syria. Dù được cho là có tiềm lực quân sự kém hơn, song Nga đã "vượt mặt" 2 chính quyền Mỹ liên tiếp bằng hành động quyết đoán.
Binh sỹ Nga tại Syria. (Nguồn: aa.com.tr)

Theo trang mạng aspistrategist.org.au, tháng 9/2020 là tròn 5 năm sự kiện Nga tiến hành chiến dịch không kích can thiệp vào cuộc nội chiến tại Syria.

Bất ổn tại Syria bắt nguồn từ các cuộc biểu tình dân sự phản đối Tổng thống Bashar al-Assad, song cuộc xung đột đã sớm bùng lên thành một cuộc chiến mượn tay kẻ khác.

Chiến tranh ngày càng trở nên phức tạp, với sự tham gia của hàng loạt phe phái và lực lượng vũ trang đối địch trên khắp cả nước.

Trước tháng 9/2015, Nga vẫn tỏ ra khá dè dặt với khả năng can dự vào cuộc xung đột này. Khi bắt đầu chiến dịch không kích, Nga tuyên bố mục tiêu là nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), song mọi chuyện đã sớm ngã ngũ rằng đích đến thực sự của chiến dịch mà Kremlin thúc đẩy là hậu thuẫn Tổng thống Assad, đồng minh then chốt của Nga ở Trung Đông.

Sự can dự của Nga đã đem đến những thay đổi đáng kể. Trước hết, chiến dịch này đồng nghĩa với việc Moskva thế chỗ Tehran trở thành lực lượng bên ngoài quan trọng nhất hậu thuẫn Tổng thống Assad.

Chiến dịch can thiệp cũng cho phép Nga kiểm soát không phận Syria, về cơ bản là đặt dấu chấm hết cho các cuộc thảo luận quốc tế về cái gọi là “vùng cấm bay.”

Cục diện cuộc chiến sau đó đã thay đổi sang hướng có lợi cho chế độ của Tổng thống Assad. Sự hậu thuẫn từ bên ngoài có vai trò quan trọng đối với sự tồn vong của chế độ Assad. Thiếu đi sự ủng hộ của thế giới Arập, Damascus đã phải tìm về những đồng minh lịch sử là Nga và Iran.

Thiếu nhân lực và nguồn lực, cùng những chính sách tham nhũng và độc đoán với chính người dân của mình, chính quyền Syria không có không gian và khả năng chấm dứt cuộc xung đột, dù là bằng vũ lực hay thông qua con đường đàm phán với các phe phái đối lập, nếu thiếu sự can dự từ bên ngoài.

[Nga-Syria thảo luận về hợp tác kinh tế, thực thi các thỏa thuận đã ký]

Trong khi đó, Syria lại là một nhân tố quan trọng trong chiến lược địa chính trị rộng lớn của Nga. Căn cứ hải quân Tartus, nhìn ra Địa Trung Hải, là căn cứ duy nhất Hải quân Nga có trong khu vực và cũng là công cụ then chốt để Nga triển khai sức mạnh tại Địa Trung Hải.

Năm 2017, Moskva đã ký một thỏa thuận với Damascus để duy trì sự hiện diện tại căn cứ này trong vòng 49 năm. Căn cứ không quân Khmeimim gần đó, được xây dựng từ giữa năm 2015, là nơi Nga triển khai các chiến dịch không quân, củng cố vị thế của Nga tại Syria.

Đảm bảo vị thế và tăng cường sức mạnh cho chế độ Assad cũng đồng nghĩa với việc Moskva có cơ hội bảo vệ và mở rộng các lợi ích của mình.

Sau khi tham gia các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn và thỏa thuận sơ tán công dân, sự kiện dẫn đến việc chế độ của Tổng thống Assad tái chiếm thành công thành phố Aleppo phía Bắc Syria vào cuối năm 2016, Nga - theo nhìn nhận của một nhân vật then chốt trong phe đối lập - đã hoàn toàn thao túng Syria.

Trên thực tế, nhân vật này cho biết không có bất kỳ phái đoàn nào đại diện cho chính quyền Syria xuất hiện tại các cuộc đàm phán, thay vào đó chỉ có những thành viên phe đối lập và các quan chức Nga.

Hội nghị cấp cao tại Astana đầu năm 2017 là một ví dụ rõ nét khác cho thấy Nga, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, đã đóng vai trò lãnh đạo như thế nào trong việc định hình cuộc xung đột tại Syria. Các cuộc gặp tại thủ đô của Kazakhstan đã đem đến những kết quả rõ nét khi xét tới khía cạnh nhân đạo, cụ thể là những lệnh ngừng bắn và việc xây dựng các khu vực giảm thiểu căng thẳng.

Tuy nhiên, trên thực tế, những khu vực này lại tạo cơ hội cho chính quyền Syria, lực lượng không ngừng đẩy mạnh các cuộc tấn công bên ngoài những khu vực này và chỉ quan tâm tới việc tái chiếm các vùng lãnh thổ.

Một nhà hoạt động nhân quyền tại Syria nói: “Ở Astana, (Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran) đã nhất trí kiểm soát - hay nói rõ hơn là tổ chức - các cuộc đấu tranh tại Syria, chứ không phải là giảm thiểu hay kích động chúng.”

Xét ở mức độ nào đó, Moskva đã tận dụng Syria cho mục đích huấn luyện và thử nghiệm quốc phòng. Những số liệu được Bộ Quốc phòng Nga công bối hồi tháng 8/2018 cho thấy Moskva đã xuất kích 39.000 chuyến bay tại Syria, trong khi 63.000 binh sỹ được tham gia huấn luyện và hơn 230 loại công nghệ quân sự mới đã được thử nghiệm.

Xét ở góc độ địa chính trị, Nga đã tung ra những quân bài rất hiệu quả tại Syria. Dù được cho là có tiềm lực quân sự kém hơn, song Kremlin đã "vượt mặt" 2 chính quyền Mỹ liên tiếp bằng những hành động quyết đoán.

Trước thái độ chần chừ của Barack Obama trong việc hiện thực hóa những đe dọa về cái gọi là “lằn ranh đỏ” ở Syria và sự bốc đồng của Donald Trump sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thúc đẩy thành công mục tiêu kiềm chế, thậm chí là bào mòn ảnh hưởng mà Mỹ từng có ở Trung Đông.

Sau 5 năm, sự can dự của Nga đồng nghĩa với việc Tổng thống Assad vẫn đảm bảo ưu thế so với phe đối lập. Tuy nhiên, chế độ Damascus vẫn đang mất dần sự chính đáng và những oán giận đã dẫn đến thực tế là làn sóng nổi dậy tại quốc gia này cho đến nay vẫn chưa chấm dứt.

Một nhà hoạt động xã hội nói rằng nhiều người phản đối chế độ Assad đang có kế hoạch hậu thuẫn tiến trình Astana bởi họ cho rằng cuộc xung đột này là thứ mà họ không thể giành chiến thắng, bởi vậy điều mà họ muốn chỉ là “chấm dứt sự chết chóc và tàn phán.”

Tuy nhiên, nhân vật này cho rằng cuộc đấu tranh sẽ chưa dừng lại chừng nào họ có được “dân chủ, điều mà chúng tôi muốn đem đến cho mọi người và cho trẻ em.”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục