Nhìn lại những "dấu ấn" quan trọng của ngành ngân hàng năm 2017

Năm 2017 được xem là một năm nhiều điểm sáng trong lĩnh vực ngân hàng khi lần đầu tiên Quốc hội ban hành một Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu.
Nghị quyết về xử lý nợ xấu
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Nghị quyết 42/2017/QH 14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) có hiệu lực từ 15/8 đã được Quốc hội ban hành. Đây là lần đầu tiên, các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu đã kéo dài nhiều năm qua được giải quyết và Nghị quyết được kỳ vọng mang lại một “diện mạo” mới cho câu chuyện xử lý “điểm nghẽn” của nền kinh tế.

Sau khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực, công tác mua nợ theo giá trị thị trường và xử lý nợ của VAMC đã có những chuyển biến tích cực và giúp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo, tránh trường hợp chủ tài sản cố tình chây ì, chống đối kéo dài thời gian xử lý. Điển hình, đơn vị này đã tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo cho khoản nợ của nhóm khách hàng Sài Gòn One Tower kéo dài nhiều năm lên tới 7.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng đã thông báo bán các khoản nợ là tài sản đảm bảo được thế chấp tại ngân hàng mình và đã thu được những kết quả nhất định.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietcombank)
Phát triển công nghệ trong dịch vụ tài chính QR Pay
Năm 2017, thanh toán điện tử, điện thoại thông minh và các ứng dụng số đang là nền tảng để thanh toán bằng mã QR ngày càng phổ biến và dần trở thành một công cụ tiện ích không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Công nghệ thanh toán QR Pay được đánh giá rất cao bởi tính tiện lợi, an toàn vượt trội so với các hình thức thanh toán thông thường.

Phương thức thanh toán QR Pay ứng dụng ngân hàng di động (Mobile Banking), sử dụng đơn giản và dễ dàng, không cần nhập thông tin thẻ/tài khoản, giao dịch thực hiện chỉ trong vài giây bằng thao tác dùng ứng dụng Mobile Banking quét mã QR. Chính vì vậy, nhiều ngân hàng đã áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất vào hoạt động quản lý vận hành, cung cấp dịch vụ như TPBank, Vietcombank, BIDV, VietinBank, NCB, Sacombank...

Nhiều ngân hàng tiên phong đi theo con đường số hoá. (Nguồn: TPBank)
Dấu ấn cổ phiếu ngân hàng
Với 5 ngân hàng cùng lên sàn năm 2017, sàn chứng khoán đã đón tổng cộng 13 ngân hàng niêm yết gồm: Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Eximbank, MBBank, Sacombank, VPB (niêm yết trên HOSE); ACB, SHB, NCB (trên HNX) và VIB, Kienlongbank, LienVietPostBank trên UPCoM.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng đã được cấp mã chứng khoán và đang hoàn tất các thủ tục để chào sàn vào đầu năm 2018 như: Techcombank, HDBank, TPBank…

Ảnh minh họa. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ngân hàng ngoại thoái vốn
Trong năm 2017, một số ngân hàng nước ngoài đã chuyển giao toàn bộ hoặc một phần hoạt động kinh doanh của mình cho đối tác như sự kiện Ngân hàng CommonWealth Bank of Australia (CBA) chuyển giao toàn bộ hoạt động kinh doanh của chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh cho ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB); HSBC thoái vốn tại Techcombank; Standard Chartered Bank rút khỏi ACB. Gần đây, ngân hàng ANZ Việt Nam đã bán toàn bộ mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam cho ngân hàng Shinhan Việt Nam.

Theo các chuyên gia, một số ngân hàng nước ngoài thoái vốn tại Việt Nam gần đây chủ yếu mang tính cục bộ và đặc thù.

Ảnh minh họa. (Nguồn: HSBC)
Bitcoin "làm mưa làm gió"
Cách đây 4-5 năm, Bitcoin còn là từ xa lạ nhưng đến năm 2017, đồng tiền ảo này đã thực sự "làm mưa làm gió" khuynh đảo thị trường thế giới và làm “náo loạn” cả một bộ phận dân Việt. Mức tăng giá của đồng tiền này thậm chí lên tới cả ngàn phần trăm với giá có lúc không tưởng hơn 20.000 USD/bitcoin, nhưng giá cũng có thể “bổ nhào” gần một nửa chỉ sau một phiên giao dịch.

Tại Việt Nam, cơn sốt Bitcoin lan nhanh tới các thành phố lớn. Hàng trăm người đã bỏ tiền đầu tư sắm máy đào tiền ảo. Lượng điện tiêu thụ vào đào Bitcoin trên thế giới cao. Bất chấp cơ quan quản lý đã khuyến cáo không chấp nhận Bitcoin như một phương tiện thanh toán nhưng nhiều người vẫn lao vào đầu tư đồng tiền số này.

Đồng tiền ảo Bitcoin. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Đại án ngân hàng
Cũng trong năm 2017, kỷ luật kỷ cương ở lĩnh vực ngân hàng được siết chặt. Mặc dù đây cũng là năm số vụ đại án ngân hàng được đưa ra xử lý với nhiều cái “nhất” như: đông bị cáo nhất là vụ án Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ocean Bank và các đối tượng liên quan để xảy ra nhiều vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng trong việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với Oceanbank và các cổ đông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước. Vụ án chiếm nhiều thời lượng giấy mực nhất là vụ án Phạm Công Danh - Ngân hàng Xây dựng làm thất thoát 9.000 tỷ đồng tại ngân hàng này.

Đây cũng là năm ngành ngân hàng “ghi điểm” khi thông qua Đề án tái cơ cấu ngành 2016-2020; Xây dựng hàng loạt văn bản pháp luật..., đặc biệt với việc thông qua Luật Các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng hoạt động của ngành này trong giai đoạn tới sẽ lành mạnh hơn.

Cảnh sát dẫn giải bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục