Nhìn lại thế giới năm 2022: Ứng phó với nguy cơ 'dịch chồng dịch'

Những diễn biến dịch bệnh của năm 2022 cho thấy COVID-19 không phải là đại dịch cuối cùng mà nhân loại phải đối mặt, do đó, "không nên đánh giá thấp tình hình dịch bệnh trên thế giới."
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thế giới vẫn đang cùng lúc ứng phó với hai dịch bệnh được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi là "mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng khi bùng phát trên toàn cầu": đại dịch COVID-19 và bệnh đậu mùa khỉ.

Ngày 23/7, WHO đã ban bố “tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu” - mức cảnh báo cao nhất của tổ chức này - đối với bệnh đậu mùa khỉ. Trong khi đó, đầu tháng này, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh sau gần 3 năm bùng phát, đại dịch COVID-19 vẫn gây ra tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Nói cách khác, WHO chưa thể tuyên bố chấm dứt đại dịch COVID-19.

Với đại dịch COVID-19, có thể nói 2022 là năm của "cơn sóng thần" Omicron và các biến thể phụ.

Xuất hiện cuối năm 2021, biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 nhanh chóng trở thành biến thể chủ đạo ở hầu hết các nước. Khả năng lây lan nhanh chóng của Omicron khiến nước Mỹ, ngay trong những ngày đầu Năm mới 2022, đã phải hứng chịu một “kỷ lục buồn" khi hơn 1 triệu ca mắc mới trong ngày 3/1, số ca mắc theo ngày cao chưa từng có không chỉ ở Mỹ mà cả thế giới.

Cùng với sự xuất hiện các dòng phụ của biến thể Omicron, trong đó có "Omicron tàng hình" BA.2, những làn sóng lây nhiễm mới đã tấn công các nước châu Âu, châu Á, châu Phi.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 2/12 cảnh báo hiện nay có hơn 500 dòng phụ của biến thể Omicron đang lưu hành. Tất cả các dòng phụ này có thể dễ dàng vượt qua hệ miễn dịch, dù chúng có xu hướng ít gây ra tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn so với các dòng phụ trước đó. Biến thể phụ của Omicron cho thấy virus SARS-CoV-2 không ngừng thay đổi.

Nhà virus học Robert F Garry thuộc Đại học Tulane (bang Louisiana, Mỹ), nhận định virus SARS-CoV-2 có những "mánh khóe" mà các nhà khoa học chưa từng chứng kiến. Bằng chứng là Omicron đã tạo ra biến thể phụ BA.2.12.1 được đánh giá có khả năng lây lan cao hơn khoảng 25% so với biến thể phụ BA.2.

Hiện nhiều nước như Pháp, Ðức, Italy, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore... đang đối diện nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát trở lại khi số ca mắc mới tăng mạnh những ngày qua. Có nhiều yếu tố kết hợp để lý giải cho xu hướng này: Hầu hết các nước đã dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế, mở cửa, tích cực thúc đẩy khôi phục và phát triển hoạt động kinh tế-xã hội.

Khả năng miễn dịch có được nhờ tiêm vaccine giảm dần theo thời gian, nhưng tỷ lệ đăng ký tiêm các mũi tăng cường ở mức thấp, trong khi virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục biến đổi.

Theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, WHO ước tính ít nhất 90% dân số toàn cầu hiện nay có mức độ miễn dịch nhất định với virus SARS-CoV-2 nhờ tiêm vaccine hoặc đã mắc bệnh. Tuy nhiên, giai đoạn khẩn cấp của đại dịch hiện vẫn chưa kết thúc khi sự mất cảnh giác trong công tác giám sát, xét nghiệm, giải trình tự gene và tiêm chủng đang tiếp tục tạo điều kiện cho những biến thể mới đáng lo ngại xuất hiện, thậm chí vượt qua cả Omicron.

[WHO dự kiến thảo luận thỏa thuận toàn cầu về đại dịch vào đầu năm 2023]

Cùng với COVID-19, thế giới cũng phải đối phó với sự lan rộng của bệnh đậu mùa khỉ, đặc biệt mối đe dọa của dịch bệnh ở mức cao đối với Mỹ và châu Âu. Có thời điểm số ca mắc đậu mùa khỉ ở “Lục địa già” chiếm tới 85% tổng số ca mắc trên toàn thế giới. Mỹ hồi tháng 8 đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do bệnh đậu mùa khỉ, tới nay đã phát hiện hơn 29.700 ca mắc ở nước này.

Một điểm tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ ở Los Angeles, bang California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kể từ khi dịch bệnh này bùng phát vào tháng Năm và nhanh chóng lây lan trên thế giới, đến nay hơn 81.000 ca mắc đã được ghi nhận tại trên 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có hơn 200 ca tử vong. Hiện số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đang có chiều hướng giảm, nhưng vẫn ở mức trên 100 ca/ngày trong trung bình 7 ngày (tính đến ngày 9/12).

Đặc biệt, nguy cơ "dịch chồng dịch" đang hiện hữu ở khắp nơi trên thế giới, nhất là dịp cuối năm, khi thời tiết chuyển mùa và cũng là dịp lễ hội nhộn nhịp. Cùng với 2 loại dịch bệnh thuộc cấp độ cảnh báo cao nhất của WHO, Mỹ và nhiều nước ở châu Âu còn phải chống đỡ cùng lúc dịch cúm mùa và dịch bệnh do virus hợp bào hô hấp (RSV) - một loại virus đường hô hấp phổ biến gây viêm phế quản hoặc viêm phổi và có thể dẫn tới tử vong, gây ra.

Haiti, Cộng hòa Dân chủ Congo, Malawi, Liban... chứng kiến dịch tả bùng phát mạnh. Dịch sốt xuất huyết cũng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Mỹ Latinh.

Đáng chú ý, tại Đông Nam Á, số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng mạnh ở hầu hết các quốc gia với tổng số ca mắc lên tới gần nửa triệu ca, trong đó có hàng trăm trường hợp tử vong. Số ca mắc sốt xuất huyết tại Lào tăng 21,5 lần; Singapore tăng 6,2 lần; Philippines tăng 3 lần; Malaysia tăng 2,4 lần...

Việt Nam cũng đang trong những tháng cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết. Theo Bộ Y tế, tính đến hết tháng 11 năm nay, cả nước đã ghi nhận hơn 314.270 trường hợp mắc, 115 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 4,9 lần, số tử vong tăng 91 trường hợp.

Theo WHO, tỷ lệ mắc mới sốt xuất huyết Dengue tăng trên 30 lần trong vòng 50 năm qua. Theo ước tính, có tới 50-100 triệu trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue hằng năm ở trên 100 nước có bệnh dịch lưu hành, tức là gần một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh.

Bệnh nhân sốt xuất huyết. (Nguồn: TTXVN)

Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển. Trong khi đó, tình trạng virus gây bệnh lây lan giữa động vật và con người đang xảy ra ngày càng thường xuyên hơn do môi trường sống bị thay đổi trong bối cảnh Trái Đất ấm lên. Các chuyên gia gọi đó là một trong những mối nguy hiểm lớn nhất đối với nhân loại.

Bà Christine K. Johnson, Giáo sư dịch tễ học tại Đại học California (Mỹ) cho biết: “Khi môi trường sống tự nhiên bị thu hẹp, động vật hoang dã tiếp xúc gần gũi hơn với con người. Động vật hoang dã cũng thay đổi sự phân bố của chúng để thích nghi với các hoạt động nhân tạo và điều chỉnh cảnh quan tự nhiên. Điều này đã đẩy nhanh sự xuất hiện của bệnh từ động vật hoang dã và khiến chúng ta có nguy cơ hứng chịu đại dịch."

Tình trạng lây lan các bệnh truyền nhiễm trên thế giới trong năm 2022 càng trở nên nghiêm trọng hơn khi đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn tất cả các loại hình chăm sóc sức khỏe, từ tiêm chủng cho trẻ em đến khám chữa bệnh. Tuổi thọ ở một số quốc gia đã giảm, nguy cơ hội chứng “COVID kéo dài” gây suy giảm hệ miễn dịch, trong khi hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia ngày càng bộc lộ nhiều lỗ hổng. Tình trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine vẫn tiếp diễn trên toàn cầu.

“Không nên đánh giá thấp tình hình dịch bệnh trên thế giới” là cảnh báo của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra ngày 18/10 bên lề Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới diễn ra ở Berlin (Đức).

Những diễn biến dịch bệnh của năm 2022 cho thấy COVID-19 không phải là đại dịch cuối cùng mà nhân loại phải đối mặt. Trong khi đó, thế giới đang thiếu các hệ thống toàn cầu hiệu quả để phát hiện, ngăn chặn và ứng phó với những đại dịch đe dọa đến tính mạng người dân, cũng như bảo vệ xã hội và nền kinh tế của các quốc gia trước những cú sốc do đại dịch gây ra.

Năm 2020, trước tình hình đại dịch COVID-19 lan rộng khắp thế giới và gây những hậu quả hết sức nặng nề trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam, trên cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đã tham gia đề xuất, thương lượng và thúc đẩy để Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết lấy ngày 27/12 hằng năm là Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong lĩnh vực này.

Sau 2 năm, thế giới đang đối mặt với nguy cơ "dịch chồng dịch," càng thể hiện rõ ý nghĩa hết sức quan trọng của Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh trên toàn cầu đối với công tác phòng ngừa, chuẩn bị sẵn sàng và hợp tác nhằm ứng phó với dịch bệnh.

Đây là lý do WHO đang nỗ lực thúc đẩy một hiệp ước quốc tế mới liên quan cách thức ứng phó với các đại dịch trong tương lai, mang tên "Hiệp ước đại dịch" dựa trên những nguyên tắc về đoàn kết, minh bạch, trách nhiệm giải trình và công bằng, làm cơ sở pháp lý để các quốc gia cùng chung tay phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người dân trên Trái Đất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục