Nhu cầu cấp bách về hợp tác quốc phòng giữa Ấn Độ và Nhật Bản

Nếu Ấn Độ và Nhật Bản là động lực chính trong nỗ lực thúc đẩy một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ổn định, thì việc thúc đẩy quan hệ an ninh giữa hai nước là điều cấp thiết.
(Nguồn: orfonline.org)

Theo trang mạng scroll.in, năm 2022 đánh dấu kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và Nhật Bản.

Trong những năm qua, quan hệ đối tác song phương đã tiến triển vững chắc, với New Delhi và Tokyo trở thành đối tác “chiến lược đặc biệt toàn cầu” vào năm 2015.

Tuy nhiên, với sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, khu vực này có nguy cơ bị hao mòn bởi các động lực cân bằng quyền lực đang thay đổi nhanh chóng này.

[Ấn Độ và Nhật Bản thắt chặt hợp tác để vượt qua thách thức COVID-19]

Nếu Ấn Độ và Nhật Bản là động lực chính trong nỗ lực thúc đẩy một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ổn định, thì việc thúc đẩy quan hệ an ninh giữa hai nước là điều cấp thiết.

Trước tiên, cả hai quốc gia cần tìm ra những cách thức hợp tác chặt chẽ để vượt qua và thu hẹp khoảng cách đáng kể trong cả nhận thức và hành động liên quan đến Trung Quốc và sự trỗi dậy của nước này. Thứ hai, hai bên nên đặt mục tiêu khởi động những thương vụ quốc phòng đầu tiên của họ.

Đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy

Lịch sử của New Delhi và Tokyo với Bắc Kinh đóng một vai trò quan trọng trong cách họ cảm nhận về sự trỗi dậy hiện tại của Trung Quốc.

Ví dụ, mối quan hệ Ấn-Trung được định hình bởi sự chênh lệch quyền lực rõ ràng và lâu dài bắt nguồn từ thất bại của Ấn Độ trong cuộc chiến năm 1962.

Mặt khác, quan hệ đối tác của Nhật Bản được hình thành bởi các mối quan hệ lịch sử và văn hóa từ nhiều thế kỷ trước (bao gồm cả việc sáp nhập Trung Quốc vào những năm 1930).

Hơn nữa, từ những năm 1970, với quyết tâm mở rộng quan hệ kinh tế, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản đã thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế với Trung Quốc.

Do đó, bất luận điểm chung rằng hai nước đều coi Trung Quốc là đối tác kinh tế-thương mại quan trọng, cũng như mối đe dọa do sự trỗi dậy quyết đoán của nước này gây ra, cách thức mà Tokyo và New Delhi định hình các phản ứng tương ứng của họ có sự khác biệt đáng kể.

Trong bối cảnh đó, cách hiệu quả đầu tiên để vượt qua khoảng cách này trong cả nhận thức và hành động là làm sâu sắc thêm mối quan hệ an ninh của họ. Cả hai quốc gia đều “thoải mái” ngồi lại cùng nhau trong các nhóm “tiểu đa phương” hoặc đa phương.

Điều này là bởi các khuôn khổ đó phù hợp với xu hướng ủng hộ chủ nghĩa đa phương của Nhật Bản thời hậu chiến và sự “ác cảm” của Ấn Độ đối với việc gia nhập các liên minh chính thức.

Ví dụ, một phân tích về các tuyên bố chung của Nhóm Bộ tứ - Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ và Australia - cho thấy đã có tiến triển đáng kể kể từ năm 2017.

Mặc dù các tuyên bố không trực tiếp nhắc tới Trung Quốc, nhưng việc đề cập đến “an ninh và thịnh vượng chung” ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là rất đáng kể.

Ngoài ra, quan hệ ba bên - giữa Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ; Ấn Độ, Nhật Bản và Australia; và Ấn Độ, Nhật Bản và Italy - cũng chứng kiến những tiến bộ ổn định.

Cách thứ hai là tăng cường quan hệ đối tác giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển của họ vì những hạn chế trong Hiến pháp của Nhật Bản đã ngăn cản Lực lượng Phòng vệ Hàng hải của họ được đảm nhiệm vai trò của một hải quân truyền thống.

Tuy nhiên, một thực tế thường bị bỏ qua là Nhật Bản có Lực lượng Bảo vệ Bờ biển rất có năng lực, với sự chuyển mình vào đầu những năm 2000 được cho là “sự phát triển quân sự quan trọng nhất và bất ngờ nhất của Nhật Bản kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.”

Kể từ đó, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đã đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại các hoạt động “vùng xám” của Trung Quốc và thực hiện các hành động quân sự khác nhau.

Vào năm 2021, Trung Quốc đã thông qua Luật Hải cảnh mới gây tranh cãi, trong đó nêu rõ thời điểm lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc có thể sử dụng vũ lực và có thể cho phép Bắc Kinh tăng cường tuyên bố chủ quyền đối với các đảo tranh chấp.

Mặc dù Nhật Bản đã phản đối điều này, nhưng đó là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng việc tăng cường quan hệ giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển sẽ có lợi.

Mặc dù Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Ấn Độ đã tổ chức các cuộc tập trận chung chống cướp biển và tìm kiếm cứu nạn và có Bản ghi nhớ hợp tác từ năm 2006, nhưng việc mở rộng các cơ chế hợp tác để giải quyết những thách thức này là rất quan trọng.

Ví dụ, đảng LDP đề xuất Nhật Bản tăng cường Lực lượng Phòng vệ và khả năng bảo vệ bờ biển, và thậm chí hối thúc đưa Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản tham gia vào cuộc tập trận chung giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và lực lượng Mỹ.

Ấn Độ, nước đã chia sẻ những lo ngại liên quan đến việc Hải quân Trung Quốc tiến vào Ấn Độ Dương, có thể được hưởng lợi bằng cách hợp tác chặt chẽ hơn với Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản.

Một khả năng có thể là đưa Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar thường niên giữa Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ.

Cách tiếp cận thứ ba là xem xét lập trường của phía bên kia và lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ hơn liên quan đến các vấn đề lãnh thổ nhạy cảm với Trung Quốc. Trong cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại Doklam vào tháng 8/2017, Nhật Bản đã tăng cường thực hiện nhiệm vụ này.

Đại sứ quán Nhật Bản tại Ấn Độ đã đưa ra một tuyên bố nhấn mạnh rằng “các bên không nên tìm cách thay đổi hiện trạng bằng vũ lực.” Đây là một bước ngoặt quan trọng đối với chính sách đối ngoại của Nhật Bản, vốn thường hạn chế đưa ra các tuyên bố chính trị về hiện trạng tranh chấp lãnh thổ của các quốc gia khác.

Do đó, Ấn Độ cũng nên đánh giá lại lập trường của mình đối với tranh chấp lãnh thổ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản với Trung Quốc.

Các thương vụ vũ khí

Khi Ấn Độ nổi lên như một cường quốc đang lên, nhu cầu tiêu thụ vũ khí của nước này sẽ tăng lên và những triển vọng cung cầu rõ rệt giữa hai quốc gia sẽ khuyến khích họ vượt qua những lo ngại và ràng buộc.

Ngoài ra, hai quốc gia sẽ nhận được nhiều lợi ích nếu họ xem xét thêm Sáng kiến Sản xuất tại Ấn Độ (Make in India) và cách họ có thể kết hợp việc bán và/hoặc sản xuất vũ khí với chuyển giao công nghệ của Nhật Bản.

Đối với Nhật Bản, nơi có ngành công nghiệp quốc phòng “mỏng manh do nhiều công ty không phản ứng tích cực với việc sản xuất vũ khí,” rõ ràng họ đang cảm nhận được sự cấp bách của việc hợp tác trong lĩnh vực này.

Mặc dù hai bên sẽ hướng tới mục tiêu mua bán vũ khí lớn, nhưng điểm khởi đầu khả thi hơn sẽ là xuất khẩu các mặt hàng nhỏ. Ấn Độ nên xem xét các công nghệ radar giám sát, thông tin liên lạc và tác chiến điện tử của Nhật Bản.

Ngoài ra, Ấn Độ có thể sử dụng chiến lược tương tự mà Tokyo đã áp dụng đối với Đông Nam Á, nơi hoạt động xuất khẩu vũ khí của Tokyo nhận được nhiều thành công thông qua Viện trợ Phát triển Nước ngoài (ODA) hơn là thông qua các thỏa thuận thương mại.

Cảm giác cấp bách do đại dịch COVID-19 mang lại, đặc biệt là trong việc đối phó với Trung Quốc, sẽ làm mới các mối quan hệ và tầm nhìn mà cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Narendra Modi đã chia sẻ và theo đuổi trong thập kỷ qua.

Nếu quan hệ đối tác Ấn-Nhật thực sự hướng tới mục tiêu tăng cường an ninh khu vực và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thì bây giờ là lúc họ cần làm điều đó. Nếu không, họ có nguy cơ để mối quan hệ hợp tác, có lẽ trong tương lai gần, trở thành mối quan hệ đối tác rơi vào đình trệ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục