Chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot ngày 7/1/1979 đã hồi sinh đất nước Chùa Tháp, nhân dân Campuchia khép lại trang đen tối nhất trong lịch sử và mở ra một kỷ nguyên mới độc lập, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội.
[Những năm tháng không thể nào quên trên đất nước Campuchia]
Những dòng tin, hình ảnh chiến thắng giải phóng dân tộc của Campuchia được nhanh chóng truyền đi khắp thế giới. Thế nhưng ít ai biết được rằng, những bản tin tuyên bố tự do đầu tiên được phát từ trên đất Campuchia ra thế giới lại chính do các cán bộ kỹ thuật Thông tấn xã Việt Nam thực hiện.
Những “cán bộ SPK” đầu tiên
Đã gần 40 năm kể từ những ngày giáp Tết Nguyên đán năm 1979, đoàn chuyên gia kỹ thuật Thông tấn xã Việt Nam khẩn trương lên đường xây dựng Thông tấn xã Campuchia (SPK). Những ngày tháng ấy dường như vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi chuyên gia kỹ thuật của Thông tấn xã Việt Nam.
Ngay sau ngày Campuchia được giải phóng 7/1/1979, ông Trương Việt Cường, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật, Cục Kỹ thuật Thông tấn xã Việt Nam là cán bộ kỹ thuật đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam gấp rút lên máy bay trực thăng sang Campuchia để bắt đầu hỗ trợ xây dựng SPK.
Lần giở những trang nhật ký công tác từ cuối năm 1978 đến năm 1991, những kỷ niệm sâu sắc về những ngày tháng làm việc tại Campuchia lại tái hiện rõ ràng trong tâm trí ông Trương Việt Cường: “Ngày đầu tôi đến Phnom Penh, những dãy phố im lìm xơ xác, vẫn còn ngổn ngang trên đường những đám cháy, hậu quả của một thành phố chết chóc vừa trải qua cuộc chiến tranh. Thỉnh thoảng, đâu đó vẫn còn tiếng vọng rền của đại pháo.”
“Việc đầu tiên của chúng tôi là xác định trụ sở cho hãng thông tấn. Trục đường Monivong rộng thênh thang, nhà cao, biệt thự nhiều nhưng đó chỉ là những cư xá, khách sạn, khu buôn bán. Chúng tôi tạm chọn địa điểm trụ sở là khu nhà 3 tầng của Hãng Hàng không Khmer,” ông Trương Việt Cường kể lại.
Trong khi ông Cường và các cán bộ chủ chốt đang xây dựng trụ sở SPK tại Campuchia thì ở Việt Nam đội ngũ cán bộ kỹ sư cốt cán cùng hàng chục tấn máy móc, thiết thị cũng ngay lập tức vượt hàng trăm cây số đường bộ tới Phnom Penh. Những cán bộ được cử sang ngày ấy đều là những cán bộ kỹ thuật, phóng viên, biên tập viên “đầu đàn,” ưu tú nhất của Thông tấn xã Việt Nam sang giúp xây dựng SPK.
[Chuyện về những vali rau tiếp viện cho chiến trường Campuchia]
Sau giải phóng, Phnom Penh vắng lặng không một bóng người dân, nhiều tòa nhà, thiết bị kỹ thuật đã bị quân Pol Pot gài mìn phá hỏng trước khi chạy trốn hòng ngăn cản việc tái thiết xây dựng Campuchia. Khó khăn lớn nhất là nhà máy điện Phnom Penh chưa hoạt động, không có điện, mọi thiết bị kỹ thuật dường như đều bị vô hiệu hóa.
Các cán bộ kỹ thuật Thông tấn xã Việt Nam nhận thức được những khó khăn phải đối diện nên ngay khi đặt chân đến Phnom Penh đã bằng mọi cách, sáng tạo sửa chữa nguồn điện để sẵn sàng cho việc phát đi thông tin chiến thắng từ chính trên mảnh đất Campuchia.
Lên đường vào thành phố Hồ Chí Minh để chuẩn bị máy móc sẵn sàng sang Campuchia từ tháng 12/1978 mà chưa kịp nhìn mặt con trai mới sinh, ông Vũ Quang, Nguyên Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật của Thông tấn xã Việt Nam, một thành viên trong đoàn chuyên gia Thông tấn xã Việt Nam nhớ lại: “Ngay khi đặt chân đến Phnom Penh sau một chặng đường dài mệt mỏi, chúng tôi ngay lập tức bắt tay vào làm việc liên tục suốt 48 giờ để lắp ghép máy móc, hoàn thành đường truyền thông tin về Hà Nội.”
Ông Vũ Huy Quang vừa chỉ tay vào cuốn sổ ghi chép ca trực cuối cùng của đài Pol Pot, kỷ vật khi tiếp nhận nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống kỹ thuật cho SPK vừa nói: “Chúng tôi có nhiệm vụ xây dựng cơ quan trên cơ sở một trạm phát sóng của quân Pol Pot. Thế nhưng, máy thu phát lại chỉ để liên lạc trong khoảng ngắn tới Bangkok nên máy móc quân Pol Pot để lại không sử dụng được. Chúng tôi phải dựng lại toàn bộ hệ thống ăngten, máy truyền phát...”
Ngay từ những bản tin đầu tiên của SPK, tin, ảnh về chiến sự trên các mặt trận, đặc biệt là tin các địa phương ở Campuchia lần lượt được giải phóng phát đi đều ghi nguồn từ các “phóng viên SPK” nhưng thực tế chính là các phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện. Chính việc thông tin rộng rãi này đã góp phần cổ vũ quân dân Campuchia và bộ đội tình nguyện Việt Nam đang trên đà tấn công như vũ bão, với đích cuối cùng là giải phóng hoàn toàn Campuchia.
[Giải phóng Phnom Penh và câu chuyện về giáo sư trong nhà tù Khmer Đỏ]
Mỗi thông tin, hình ảnh được gửi về đều được đánh đổi bằng sự mạo hiểm dấn thân vào hiểm nguy và thậm chí cả bằng xương máu của những người đồng nghiệp. Chính vì lẽ đó, các chuyên gia kỹ thuật của Thông tấn xã Việt Nam ra sức hết mình hoàn thành “cầu nối” thông tin, để mỗi thông tin, hình ảnh của những người đồng nghiệp gửi về được phát đi kịp thời, nhanh chóng, không bị gián đoạn. Họ đã không phụ công những đồng nghiệp dũng cảm vượt qua lửa đạn, tác nghiệp trên khắp mọi mặt trận.
Chỉ vài ngày sau giải phóng, hệ thống thu phát dưới những trí óc sáng tạo, bàn tay khéo léo của các chuyên gia kỹ thuật Thông tấn xã Việt Nam đã hoạt động ngay lập tức và không hề bị gián đoạn. Thông tin các hãng thông tấn lớn trên thế giới đều đã đến được Phnom Penh qua máy thu SPK, những hình ảnh, tin của phóng viên về tình hình tại Đông Bắc, Tây Bắc và Tây Nam Campuchia cũng được phát ra thế giới. Các kỹ sư Thông tấn xã Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng “cầu nối” thông tin giữa Campuchia và thế giới.
“Chúng ta có gì thì bạn có cái đó”
Những thông tin, hình ảnh phóng viên ghi lại ở Campuchia được phát ra thế giới là minh chứng hùng hồn cho chiến thắng của người dân Campuchia. Những tín hiệu được SPK phát đi từ Phnom Penh là do những chuyên gia Thông tấn xã Việt Nam thực hiện. Họ cũng chính là cán bộ đầu tiên của SPK.
Không chỉ đưa những nhân lực cốt cán sang, Thông tấn xã Việt Nam còn quyết “nhường cơm sẻ áo” để hỗ trợ những máy móc giá trị cho Campuchia. Những máy thu phát sóng, thiết bị kỹ thuật đắt tiền nhất mà Việt Nam có vào thời ấy cũng đều được gửi sang để xây dựng SPK.
Ông Vũ Huy Quang bồi hồi nhớ lại: “Thời điểm đó, cả Việt Nam chỉ có khoảng 10 chiếc máy phát sóng ngắn 5Kw, Thông tấn xã Việt Nam cũng chỉ có 5 chiếc nhưng ta vẫn quyết định mang sang cho bạn 1 chiếc. Với phương châm, Thông tấn xã Việt Nam có cái gì thì SPK có cái đó, chúng ta mang đầy đủ máy móc, nhân lực của một ‘Thông tấn xã Việt Nam thu nhỏ’ sang Camphuchia để xây dựng SPK. Chỉ trong vòng gần 1 tháng, đến cuối tháng 1/1979, đã có gần 100 cán bộ, chuyên viên, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên và nhân viên thuộc tất cả các bộ phận của Thông tấn xã Việt Nam được đưa sang Campuchia.”
“Trong điều kiện đất nước đang bị bao vây, cấm vận, áp lực từ khắp các phía mà ta vẫn đốc hết sức người, sức của để giúp bạn thì tôi nghĩ đó là sự giúp đỡ vô giá, không chỉ là về xương máu,” ông Vũ Huy Quang khẳng định.
Không chỉ giúp đỡ về máy móc và nhân lực, để có thể dần dần bàn giao việc vận hành các thiết bị kỹ thuật cho người Campuchia, Thông tấn xã Việt Nam còn nhanh chóng tiến hành đào tạo 3 kỹ tư trong 2 năm để họ trở về Camphuchia làm việc tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật trong suốt những năm sau giải phóng. Sau này, họ đều trở thành những cán bộ chủ chốt điều hành SPK.
[Nhà báo Campuchia Khieu Kola và hồi ức về những người thầy TTXVN]
Đoàn chuyên gia kỹ thuật Thông tấn xã Việt Nam sang Camphuchia ngày ấy phần lớn đều ở tuổi trên dưới 30. Lên đường với sự hăng hái, nhiệt tình và tuổi trẻ, họ đã để lại nhưng giọt mồ hôi và cả xương máu cho sự trưởng thành lớn mạnh của cơ quan thông tấn nước bạn.
Những năm tháng gian lao nhưng đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ đó còn rõ như in trong tâm trí ông Trương Việt Cường: “Phụ cấp ngày ấy của chuyên gia chỉ 5 riel/tháng, chỉ đủ mua bao thuốc lá, chế độ ăn ở được cung cấp từ Thành phố Hồ Chí Minh sang. Có những đợt nước sông to, đường hỏng, sự cố xe... xe tiếp tế không sang được, cả tuần anh chị em chuyên gia ăn cá khô mặn với canh nõn chuối nhưng vẫn hăng say làm việc suốt ngày, suốt tuần, suốt tháng không có ngày nghỉ Chủ nhật, nghỉ lễ Tết. Ngày làm việc, đêm lại phân công nhau trực máy và vác súng tuần tra canh gác bảo vệ cơ sở.”
Suốt gần 3 năm cùng đồng đội giúp hỗ trợ kỹ thuật cho SPK, ông Trương Việt Cường đã phát hàng nghìn tin, bài, hàng vạn giờ thu tin, hàng nghìn tấm ảnh. Hơn ai hết, ông Trương Việt Cường là người hiểu rõ và chứng kiến hành trình từ "tay không" SPK (nay là AKP) đã trở thành một hãng thông tấn có uy tín trong khu vực.
“Thành quả đó có được đều là nhờ sự giúp đỡ hết mình của lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam và các cán bộ đã không tiếc mồ hôi, xương máu làm việc với tinh thần ‘giúp bạn là giúp mình’,” ông Trương Việt Cường bồi hồi nói.
Mường tượng lại những ngày tháng tuổi trẻ đã ở lại trên mảnh đất Campuchia, ông Vũ Huy Quang kể: “Chúng ta đã mang rất nhiều thứ sang, thậm chí cả sinh mạng để đem lại tự do cho nhân dân Campuchia. Thế hệ chúng tôi, những người đã đổ xương máu tại đây không thể quên được những ngày tháng ấy. Suốt trong những ngày gian khó, nguy hiểm rình rập, chúng tôi hăng say làm việc hết mình với niềm tin sẽ giúp đẩy cuộc chiến tranh ra xa khỏi đất nước mình. Đây cũng là bài học vô giá cho các thế hệ về việc gìn giữ hòa bình.”
Gần 40 năm sau ngày lên đường sang Campuchia hỗ trợ bạn xây dựng SPK, nhiều chuyên gia đã “đi xa” mà không kịp nhận tấm duy hiệu cao quý “Vì nghĩa vụ quốc tế” của Thủ tướng trao tặng cho các cựu chuyên gia. Tuổi trẻ dũng cảm, sôi nổi, hăng say làm việc, các chuyên gia kỹ thuật Thông tấn xã Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giúp bạn xây dựng SPK vì nghĩa vụ quốc tế cao cả./.